Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến bất ổn tại các nước láng giềng càng khiến người dân mong muốn các dịch vụ giao dịch không tiền mặt, không tiếp xúc mau chóng được triển khai.
Hóng… dịch vụ Mobile-Money
Tại TP.HCM, dù siêu thị và các cửa hàng tiện lợi đã phủ rất nhiều nơi nhưng đi chợ truyền thống vẫn luôn là lựa chọn chủ yếu của rất nhiều gia đình. Chị Hồng Uyên (Quận 5, TP.HCM). “Gần như ngày nào Mẹ tôi cũng ghé ra chợ mua thực phẩm cho các bữa ăn gia đình. Tình hình dịch bệnh khiến mọi người dân đều áp dụng 5K rất nghiêm túc, thế nhưng tờ tiền giấy thì ai cũng phải đưa, cầm, đếm và chuyển qua tay không biết bao nhiêu người. Tôi rất mong nhà nước mau cung cấp dịch vụ tiền di động Mobile-Money cũng như phổ cập nhanh chóng cho người dân để chúng tôi thêm yên tâm khi đi chợ”, chị Uyên chia sẻ.
Tương tự, chị Thảo Nguyên (Quận 8, TP.HCM), kể: “Cũng với tinh thần phòng chống dịch cao nhất, có lần ra chợ tôi đã thử hỏi vài người bán về việc trả tiền bằng chuyển khoản hoặc ví điện tử cho an toàn, đảm bảo không tiếp xúc. Kết quả tôi nhận được là không một ai đồng ý vì hoặc không biết hoặc mất thời gian hoặc nghĩ tôi lừa đảo”…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc quẹt thẻ hay quét mã QR để thanh toán không tiền mặt tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện nay đã dần dần hình thành thói quen với người dân. Nhưng khi ra chợ mua con cá miếng rau mà đòi thanh toán quẹt thẻ hay trả bằng ví điện tử thì có vẻ khá lạ lẫm. Điều đó có thể cho thấy những cách thanh toán không tiền mặt hiện nay vẫn chưa thể chạm đến tầng lớp người dùng bình dân nhất.
“Dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhưng đi chợ là việc tất yếu. Người dân cần những dịch vụ thanh toán không tiền mặt thể hiện theo cách gần gũi nhất, thực hiện dễ dàng nhất bằng phương tiện đơn giản, thân thuộc nhất… như cách họ đang gọi điện, nhắn tin thường ngày. Hi vọng dịch vụ Mobile-Money có thể giúp thay đổi thói quen của mọi người dân”, anh, Mạnh Tường, giám đốc một công ty truyền thông ở TP.HCM, nhận định.
Đảm bảo an toàn, bảo mật
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, việc triển khai thành công thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile-Money sẽ góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. Tuy nhiên, các bên liên quan cần có những biện pháp chặt chẽ để đảm bảo bảo mật, an toàn thông tin nhằm hạn chế rủi ro mất tiền trong tài khoản khách hàng và đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
Mới đây, ba cơ quan hàng đầu liên quan đến việc triển khai dịch vụ Mobile-Money là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết xây dựng và thống nhất quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money.
Mobile-Money là dịch vụ mới tại Việt Nam, do đó, để triển khai đảm bảo an toàn, hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo đúng quy định. Đây được xem là một bước tiến quan trọng để hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm dịch vụ Mobile-Money tại Việt Nam.
Trước đó, các nhà mạng di động cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng để triển khai dịch vụ Mobile-Money cho người dân cũng như các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn của quy trình thanh toán.
Đại diện nhà mạng Viettel cho biết đã áp dụng công nghệ bảo mật thông tin ở mức độ cao nhất – với lợi thế sở hữu các đơn vị an ninh mạng, không gian mạng đảm bảo kiểm soát an toàn thông tin cho mọi khách hàng sử dụng dịch vụ. Công nghệ tự động nhận diện ra các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng. Trong quá trình triển khai ViettelPay, Viettel đã xây dựng đội ngũ quản trị rủi ro theo dõi 24/24 về chất lượng sản phẩm, đảm bảo khách hàng sẽ không gặp rủi ro tài chính khi giao dịch.