Xe buýt kỹ thuật số là chuyến xe đào tạo lưu động sẽ đi đến 59 tỉnh của Việt Nam để cung cấp khóa đào tạo cho người dân ở vùng sâu vùng xa từ tháng 8/2019 – Ảnh: T.HÀ
Sáng 15-8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Google đã chính thức thiết lập quan hệ chiến lược để mở rộng chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 (Accelerate Vietnam Digital 4.0), một sáng kiến của Google nhằm cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. \
Mối quan hệ hợp tác chiến lược này sẽ tạo điều kiện để mở rộng quy mô và phạm vi dự án, đặc biệt đưa đến các vùng nông thôn để tiếp cận, giúp đỡ được nhiều người hơn.
Ngoài ra, nhận sự kiện này, Google cũng công bố các chương trình bổ sung để tiếp cận nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn, cũng như giúp họ truy cập các khóa đào tạo kỹ thuật số một cách dễ dàng và tiện lợi hơn.
Đó là chương trình Digital Bus (Xe buýt kỹ thuật số) là chuyến xe đào tạo lưu động sẽ đi đến 59 tỉnh của Việt Nam để cung cấp khóa đào tạo cho người dân ở vùng sâu vùng xa từ tháng 8/2019. Cùng với Ứng dụng Primer giúp học các kỹ năng mới về tiếp thị kỹ thuật số và kinh doanh nhanh chóng, dễ dàng và hoàn toàn miễn phí. Primer hoạt động ngay cả khi không có mạng Internet (offline).
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận xét: “Sáng kiến này do Google khởi xướng là một chương trình rất ý nghĩa góp phần giúp Việt Nam xây dựng một hạ tầng vô cùng quan trọng đó là phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số tại Việt Nam.”
Chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 được khởi động tại Việt Nam vào tháng 6/2018 và đã tổ chức các khóa đào tạo cho gần 85.000 người hoạt động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) với 24 mô hình đào tạo tại sáu trung tâm đào tạo ở các thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt và Hải Phòng.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và công nghệ, đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và công nghệ số là rất quan trọng đối với sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, khoảng 98% doanh nghiệp tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và khu vực kinh tế quan trọng này chiếm đến 64% tổng số việc làm quốc gia và 45% GDP quốc gia.
Việt Nam cũng là quốc gia dẫn đầu trong số tất cả các nước ASEAN về thị phần kinh tế kỹ thuật số, với 9 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 4% GDP trong năm 2018. Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đã tăng gấp ba lần từ năm 2015 đến 2018 và được dự báo sẽ tăng thêm gấp ba lần vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm.
T. HÀ