Dĩ nhiên con người không thể chối bỏ các tiện ích công nghệ, vậy đâu là cách “sống chung với lũ”, sống trong công nghệ mà không bị công nghệ “cám dỗ”?
Từ 2.000 năm trước, hai triết gia vĩ đại Socrates và Aristotle được cho là đã tranh luận về akrasia – trạng thái tinh thần ta biết không tốt mà vẫn làm chỉ vì thiếu ý chí.
Các triết gia Hi Lạp cổ đại cho rằng chúng ta rất dễ mất tập trung, sao nhãng, hay bị “cám dỗ” bởi nhiều thứ khác, bởi phàm là người ai cũng có thiếu sót.
Từ hàng ngàn năm trước đã thế thì ngày nay biết phải sống làm sao, phải “đủ ý chí” đến mức nào trước muôn vàn cám dỗ?
Smartphone (mà ai cũng có bên người) cứ lăm le đổ chuông vì có người gọi, hay tít tít liên hồi vì có email/tin nhắn SMS/tin nhắn chat/thông báo ứng dụng mới và muôn vàn thứ khác. Mạng xã hội – biết lắm thị phi nhưng khó cưỡng. YouTube đầy ắp các video. Netflix vừa ra loạt phim mới.
Ví dụ có thể đã vừa diễn ra trước mắt người đang đọc bài viết này. Giả thử bạn thấy tiêu đề bài viết này khá tò mò và định sẽ đọc.
Nhưng đang đọc đến dòng trên thì điện thoại lại “ting” một cái – có thông báo mới. Bạn có một tin nhắn Messenger, một cái mail cần trả lời gọn chỉ vài câu. Bạn buông tờ báo xuống, vớ lấy điện thoại. Và thế là xong, bạn đã bị smartphone kéo xa khỏi việc mình đang làm.
Phân tâm trong thời đại số đơn giản chỉ là ta cứ nhìn vào điện thoại kiểm tra thông báo mới, ngay cả khi đang trò chuyện với gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp; đang hoàn thành báo cáo trên máy tính nhưng lại thỉnh thoảng kiểm tra email, lên mạng xã hội; xem phim tại gia mà kè kè điện thoại, thấy thông tin gì cũng lên mạng tra cứu ngay.
Sự phân tâm không chỉ khiến ta không hoàn thành việc muốn làm, mà còn gây ra nhiều tác động tiêu cực khác. Ta cứ mất tập trung thì khó duy trì tư duy và óc sáng tạo. Ta cứ xem điện thoại khi giao tiếp thì dễ mất bạn bè, ảnh hưởng tình cảm gia đình và các mối quan hệ khác.
“Sống chung với lũ”
Sẽ rất dễ để đổ tại smartphone mà ta chểnh mảng, lơ là công việc. Nhưng làm sao sống thiếu smartphone và các tiện ích công nghệ ngày nay. Nir Eyal – hiện đang dạy tại Trường Thạc sĩ kinh doanh, Đại học Stanford – cho rằng không nên đổ lỗi cho cái khiến ta phân tâm, mà phải rèn cho mình kỹ năng bất khả cám dỗ, không thể bị làm phân tâm.
Eyal đã bàn sâu về sự phân tâm và kỹ năng chống mất tập trung trong quyển sách vừa in Indistractable: How to Control Your Attention and Choose Your Life (tạm dịch: Không thể mất tập trung: Làm cách nào để kiểm soát sự chú ý của bạn và sống đời bạn muốn).
Điều thú vị là chính Eyal trước đó, vào năm 2014, đã viết một cuốn sách với trọng tâm khác hẳn – làm sao thiết kế sản phẩm công nghệ khiến người dùng đã đụng là dính luôn, không buông bỏ được (tựa đề: Hooked: How to Build Habit-Forming Products, đã dịch ra tiếng Việt với tựa Dẫn dắt người dùng).
Có lý do cho sự thay đổi 180 độ này. Như Eyal viết trong quyển sách mới nhất và trả lời trong nhiều bài phỏng vấn báo chí, các sản phẩm công nghệ, từ smartphone đến các dịch vụ như mạng xã hội, Netflix, thật sự phải hấp dẫn người dùng, không thể trách hay đổ lỗi sự mất tập trung của ta cho chúng được.
Mặt khác, không thể chối bỏ ta cần, thậm chí rất thích, những thứ khiến ta phân tâm, bỏ bê việc lẽ ra phải làm. Theo Eyal, mất tập trung có thể không phải lỗi của bạn, nhưng nó là trách nhiệm của bạn. Chúng ta có thể bất lực trong việc từ bỏ Facebook hay YouTube, nhưng ta hoàn toàn có thể lựa chọn để tránh khỏi sự phân tâm.
“Chờ các công ty công nghệ thay đổi sản phẩm có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn bạn có thể đợi – Eyal viết trong quyển Indistractable – Đã đến lúc ta học cách kiểm soát sự sao nhãng của mình”.
Khi sống trong thời đại kết nối 24/24 giờ, thiết bị di động và thiết bị điện tử luôn bên người, chiếm lấy sự tập trung của ta, vấn đề quan trọng là làm sao “tận dụng được tốt nhất các thiết bị công nghệ mà không để chúng chi phối cuộc sống của ta”.
Eyal gọi khả năng không bị sao nhãng là “thứ siêu năng lực duy nhất mà tôi muốn có” cũng như “kỹ năng quan trọng nhất thế kỷ 21”.
“Thù trong giặc ngoài” và hành động của chúng ta
Trong quyển sách của mình, Eyal “chỉ mặt” 4 yếu tố liên quan đến việc ta mất tập trung và đề ra 4 giải pháp để cân bằng các yếu tố này.
Đầu tiên là cặp phạm trù “distraction” và “traction”. “Distraction” bao gồm cả sự phân tâm (quá trình sự chú ý bị gián đoạn) hay yếu tố gây phân tâm (một yếu tố kích thích hay lôi kéo sự chú ý của ta ra khỏi việc chính mà ta đang quan tâm), còn “traction”, theo định nghĩa riêng của Eyal, là bất kỳ việc nào mà ta thực sự làm như ý mình muốn.
Nếu ngồi vào bàn và quyết tâm viết xong báo cáo, ta sẽ có “traction” nếu thực sự làm được như vậy, thay vì làm dở dang, đang làm thì bỏ ngang, lên “phây”.
Hai yếu tố quan trọng khác có thể gọi nôm na là “thù trong giặc ngoài”. “Giặc ngoài’ (external trigger) là các yếu tố ngoại tác có thể thôi thúc ta phải làm gì đó, chẳng hạn tiếng chuông báo giục ta phải cầm lấy điện thoại để kiểm tra email, trả lời tin nhắn, còn “thù trong” (internal trigger) là các yếu tố từ chính chúng ta – các cảm xúc tiêu cực buộc ta phải tìm kiếm sự giải thoát, chẳng hạn đói thì muốn ăn, cô đơn thì muốn tìm bạn giải sầu, hay làm việc căng thẳng thì… muốn lên Facebook.
Bốn yếu tố trên liên hệ mật thiết với nhau. Cả yếu tố chủ quan (cảm giác của ta) và khách quan (tác động bên ngoài) đều có thể kéo sự chú ý của ta sang hai hướng – tập trung và mất tập trung. Công thức của Eyal gồm 4 bước: kiểm soát “thù trong”, chống “giặc ngoài”, dành thời gian làm việc hữu ích và hạ quyết tâm ngăn mất tập trung.
Các nghiên cứu tâm lý học chỉ ra đừng nên cố cưỡng lại các thôi thúc từ bên trong bản thân. Càng ngăn sự thèm muốn thì càng thôi thúc nó lớn hơn. Tương tự, khi bị ngoại lực tác động, ví dụ có tin nhắn hay thông báo mới, giữ mình không đọc còn gây phân tâm hơn là đọc ngay vì ta làm việc mà cứ luôn phải nghĩ đến nó, không biết tin nhắn gì, có quan trọng không.
Vì thế, thay vì cố cưỡng lại, Eyal cho rằng ta cần thấu hiểu các cảm xúc tiêu cực khiến ta có hành vi lơ là, chểnh mảng khỏi công việc, ví dụ nhận định điều gì khiến ta cứ phải vớ lấy điện thoại thay vì tập trung vào công việc. Khi có cảm xúc tiêu cực, tâm lý con người thường có xu hướng tìm sự giải thoát. Trò chơi điện tử, mạng xã hội và smartphone là các “lối thoát” thường bị lạm dụng.
“Ta không thể kiểm soát cảm xúc của mình, nhưng có thể học cách phản ứng chúng có lợi cho sức khỏe hơn – Eyal viết – Càng nắm rõ cảm xúc nào sẽ dẫn đến hành vi gì, ta sẽ càng kiểm soát chúng tốt hơn”.
Trong khi đó, cách để biến smartphone bớt cám dỗ với ta là xóa hẳn các app không cần thiết, không cài các app “gây nghiện” lên di động, mà chỉ cài trên máy tính, giấu các app khiến ta phải kiểm tra điện thoại thường xuyên (mạng xã hội, email) ra khỏi màn hình chính của điện thoại và tùy chỉnh để chỉ hiển thị thông báo thật sự cần thiết.
Ngoài ra, cần tăng thời gian làm việc hữu ích – lên kế hoạch rõ ràng cụ thể với cố gắng làm theo và quan trọng nhất, đặt ra các “thỏa ước”, tự cam kết với bản thân để đảm bảo chính mình sẽ không sa vào những thứ làm mất tập trung.
“Thế giới có hai loại người: những người để mặc sự chú ý và đời sống của mình cho kẻ khác quyết định, và những người tự hào gọi mình là bất khả cám dỗ” – Eyal viết.
Khi đã tự mình “luyện” thành công bí kiếp chống phân tâm, ta có thể truyền cảm hứng cho người khác: đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, con cái, để ai ai cũng có kỹ năng cần thiết nhất trong thời đại ngày nay và cả trong tương lai.
Mỗi lần ta phân tâm đều tưởng chừng vô hại: đang làm việc thì lướt qua email một chút, hay đang họp mệt mỏi thì tranh thủ lên Facebook giải lao, rồi quay lại với công việc chính ngay. Thoạt nhìn chỉ có cảm giác ta lãng phí vài phút nhưng theo nghiên cứu của Đại học California, Irvine (Mỹ), trung bình mỗi người mất 23 phút mới lấy lại sự tập trung sau khi bị xao lãng khỏi công việc chính đang làm.
Điều này có nghĩa mỗi lần kiểm tra điện thoại, đọc một bài báo mạng hoặc lên mạng xã hội khi đang làm việc hay họp hành sẽ làm ta mất gần nửa giờ chỉ để lấy lại sự tập trung, sự chú ý và năng suất làm việc như cũ.