Cần bảo vệ trẻ em tránh xa những clip độc hại trên YouTube – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hiện có nhiều bậc cha mẹ tạo riêng tài khoản mạng xã hội cho con em mình và thậm chí còn cho chúng thoải mái sử dụng máy tính, điện thoại để tham gia thế giới ảo mà không hề có một sự theo dõi, kiểm soát chặt chẽ nào. Chính điều đó đã khiến trẻ em đang ngày càng trở thành đối tượng dễ bị tấn công nhất trên không gian mạng.
Trách nhiệm lớn của phụ huynh
Theo ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), ngày nay trẻ em phải đối mặt với bốn nguy cơ chính, đó là: xâm hại thân thể – xâm hại tình dục; bạo lực học đường; tự xâm hại chính thân thể của mình; và sự xâm hại tư tưởng đến từ mạng xã hội.
Thế nhưng, các nhân tố gây mất an toàn cho trẻ ngày càng nâng cấp liên tục, trong khi đó, trẻ chưa có khả năng nhận thức về sự biến hóa khôn lường của các yếu tố gây nguy hiểm cho bản thân.
Ông Ngô Trần Vũ, giám đốc Công ty bảo mật NTS, hiện nay rất nhiều phụ huynh đang “thả cửa” cho con em chơi hè bằng cách giao cho máy tính và máy tính bảng để con khỏi nghịch, dễ quản lý.
“Cha mẹ cần phải quy định thời gian dùng Internet trong ngày của con, cho con đi dã ngoại hoặc tham gia các lớp huấn luyện kỹ năng sống. Phụ huynh nên cùng truy cập Internet với con, giám sát chặt chẽ nội dung con đang xem để tránh các nội dung nhạy cảm. Các phương tiện truyền thông miễn phí hiện nay có bộ lọc rất kém nên trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi nội dung không phù hợp” – ông Vũ nói.
ThS Trang Nhung cho rằng điều quan trọng là cha mẹ cần dạy trẻ biết cách thiết lập cho bản thân các giới hạn, cũng như hình thành “tường lửa thế giới quan” xuyên suốt từ lúc bé cho đến khi trưởng thành. Việc hướng dẫn con trẻ thiết lập ranh giới cá nhân là điều cha mẹ nên làm.
“Không chỉ cho trẻ thấy thế giới này chỉ toàn màu hồng hay màu xanh, hãy tập cho trẻ nhìn sự việc bằng đúng màu của từng sự việc, từ đó tư duy đa chiều sẽ hình thành” – bà Nhung nói.
Nguồn: Kaspersky Lab – Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Ông Yeo Siang Tiong – tổng giám đốc Hãng bảo mật Kaspersky Lab khu vực Đông Nam Á – cũng chia sẻ: “Với việc Internet ngày càng bùng nổ trong cuộc sống ngày nay, điều quan trọng là các bậc cha mẹ hiện đại nên tự tìm ra cho mình công cụ phù hợp nhất để bảo vệ con trẻ trước những nguy hiểm trực tuyến.
Cha mẹ phải tìm cách cân bằng được giữa việc là ‘huấn luyện viên’ nhưng cũng có thể cho trẻ được tự do trải nghiệm, từ đó tự nhận thức được điều gì nên và không nên khi trực tuyến cũng như trong cuộc sống hằng ngày”.
Không thể mãi “tỉa cành”
Liên tục thời gian gần đây, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử – Bộ Thông tin và truyền thông đã gửi công văn đến hàng chục nhãn hàng, thương hiệu yêu cầu dừng ngay quảng cáo trong các video phản động chống phá nhà nước trên mạng xã hội YouTube.
Song song đó, cục còn yêu cầu các doanh nghiệp phải chủ động rà soát, kịp thời cảnh báo đến các đối tác cung cấp dịch vụ nhằm bảo đảm hoạt động quảng cáo của công ty phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Những clip không thích hợp cho trẻ
Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm các video về giáo dục trên YouTube, thầy giáo dạy tin học Đinh Công Ninh (TP.HCM) cho rằng việc Nhà nước yêu cầu các trang mạng gỡ bỏ các video hoặc bài viết có nội dung không lành mạnh là cần thiết nhưng đó chỉ là cách “tỉa cành”, không giải quyết được bài toán “video độc hại”.
Theo thầy Ninh, việc xử lý như vậy sẽ là “không thể đếm xuể” nếu chỉ tính riêng ở VN, mỗi phút đã có hàng ngàn, hàng chục ngàn video được tải lên YouTube với tổng thời lượng video có thể đến… vài năm.
Trong khi đó, các mạng xã hội khổng lồ như YouTube, Facebook nhận biết nội dung video chủ yếu bằng các thuật toán. Trên thế giới lại có nhiều ngôn ngữ khác nhau. Các thuật toán của Google, Facebook dù có tốt đến đâu, “thông minh” đến đâu vẫn không nhận biết được hết những video nào gọi là “xấu”.
“Vả lại, người đăng video cũng ngày càng hết sức tinh quái, họ có thể nghĩ ra nhiều kế để đánh lừa các thuật toán. Chẳng hạn có thể tiêu đề video là tích cực nhưng nội dung bên trong lại là phản cảm…” – thầy Ninh cho biết.
Những clip không thích hợp cho trẻ
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, VN dù đã có nghị định 72/2013 của Chính phủ về việc chịu trách nhiệm của các chủ thể khi đăng tải thông tin trên Internet, tuy nhiên những quy định trong nghị định này còn rất chung chung.
Trong khi đó, Luật An ninh mạng cũng đã có nhưng việc xử lý đối với chủ thể đăng tải các video bạo lực, gây hoang mang cộng đồng chưa thấy được xử lý nhiều. Sự kéo dài thời gian của các cơ quan điều tra và việc xét xử chậm trễ nhiều vụ việc cũng là một nguyên nhân không tạo được sự răn đe mạnh mẽ đối các chủ thể nói trên.
Phụ huynh nên làm gì?
Các chuyên gia an ninh mạng đã đưa ra những lời khuyên dành cho cha mẹ để giúp con mình được an toàn khi sử dụng Internet:
– Thường xuyên trò chuyện với trẻ – giúp trẻ biết cách sử dụng Internet an toàn. Chọn ra những trang web phù hợp cho trẻ và giải thích lý do lựa chọn chương trình này. Trẻ cũng cần biết rằng chúng có thể tin tưởng và tâm sự với người lớn nếu chúng gặp phải điều không tốt khi sử dụng Internet.
– Giúp trẻ hiểu rằng không nên trở thành bạn bè với bất cứ ai trên Internet mà chúng không biết ngoài đời thực. Những người trên mạng không phải lúc nào cũng trung thực về bản thân và những gì họ muốn.
– Kích hoạt cài đặt an toàn như: tắt chế độ tự động phát và có thể cài đặt các ứng dụng kiểm soát để ngăn trẻ em xem nội dung không phù hợp.
– Sử dụng các tính năng tắt tiếng, chặn và báo cáo – điều này sẽ bảo vệ trẻ khỏi nhiều nội dung nguy hại.
– Không bao giờ chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ… với những người mà trẻ không biết.
Những clip không thích hợp cho trẻ
Ông Lê Quang Tự Do (phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử – Bộ Thông tin và truyền thông): Người VN tự “hại” người dùng VN?
Theo báo cáo của YouTube gửi Bộ Thông tin và truyền thông, hiện có rất nhiều nội dung vi phạm đến từ VN, chủ yếu là gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng, cổ vũ cờ bạc, chơi ma túy, sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền, đặc biệt là nội dung gây hại cho trẻ em. Chúng tôi đã lưu ý đặc biệt khi trao đổi với YouTube.
Đó là những clip dành cho trẻ em nhưng vi phạm thuần phong mỹ tục, bạo lực, đâm chém hoặc gợi dục… Sai phạm trên YouTube chủ yếu đến từ 130.000 kênh tiếng Việt do YouTube đang trực tiếp quản lý.
Nguyên nhân là do cơ chế quản lý nội dung đăng tải lỏng lẻo của YouTube, bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả. Từ đó có kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm.
Cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian. YouTube cũng không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Hiện YouTube vẫn cho phép bật tính năng suggest (gợi ý) cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc dù chiếm tỉ lệ rất nhỏ trên YouTube (0,1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ.
Bộ Thông tin và truyền thông kiên quyết thực hiện những biện pháp quản lý đối với các nội dung xấu độc trên YouTube, Google, yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ với các clip, kênh vi phạm. Bộ đã yêu cầu YouTube bỏ tính năng suggest đối với các kênh mà bộ đã thông báo vi phạm và bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ trước đây.
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ lập danh sách các “nhà sáng tạo nội dung” chuyên nghiệp kiếm tiền trên YouTube để quản lý. Đối với các công ty đối tác quản lý đa kênh của Google tại VN (MCN), chúng tôi yêu cầu báo cáo toàn diện về hoạt động hợp tác với YouTube trong vai trò là MCN. Đồng thời cung cấp thông tin chi tiết của các kênh YouTube nằm trong mạng lưới của công ty.
Cục đã yêu cầu các MCN phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và truyền thông trong việc quản lý nội dung, quản lý quảng cáo, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước đối với những kênh YouTube trong mạng lưới. Chúng tôi cũng đang phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế… xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
T.HÀ ghi