TP.HCM kế hoạch đầu tư 44.000 tỷ đồng làm 5 dự án giao thông theo BOT
TP.HCM sẽ khởi công lần lượt 5 dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng theo hình thức BOT vào cuối năm 2025, đầu năm 2026.
Chủ tịch UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư 5 dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) trên địa bàn.
Việc ban hành kế hoạch này nhằm đầu tư các dự án theo hình thức BOT đã được HĐND TP thông qua hồi tháng 9/2023 theo các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và các quy định pháp luật có liên quan, qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo mục tiêu, phát huy hiệu quả đầu tư.
Kế hoạch này cũng giúp ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo quy định (công tác chuẩn bị đầu tư; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; hỗ trợ xây dựng công trình…); kêu gọi đầu tư, huy động, thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện dự án đảm bảo phát huy hiệu quả, công khai minh bạch.
Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh (TP.HCM) chưa được nâng cấp, mở rộng khiến giao thông kết nối với các tỉnh miền Tây thường xuyên ùn tắc.
|
Theo đó, 5 dự án được triển khai dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 44.592 tỷ đồng. Cụ thể gồm: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc – Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Theo UBND TP, nhu cầu vốn giai đoạn 2023 – 2025 khoảng 8.143 tỷ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị dự án, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng công trình…
Giai đoạn 2026 – 2030 nhu cầu vốn gần 36.449 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố khoảng 16.702 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư theo hợp đồng BOT khoảng 19.747 tỷ đồng.
Về tiến độ thực hiện, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thành phố sẽ tổ chức lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư dự án trong quý 2 và 3/2024; tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án, tổng hợp báo cáo kết quả trong quý 4/2024; hoàn thành lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án trong quý 1 và 2/2025.
Giai đoạn thực hiện đầu tư, thành phố sẽ hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án trong quý 3/2025, qua đó triển khai thực hiện hợp đồng dự án từ năm 2025-2028. Các công trình dự kiến khởi công xây dựng từ quý 4/2025 và quý 1/2026.
Dự kiến hoàn thành công trình và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2027-2028.
Quốc lộ 13 (TP Thủ Đức) cũng là điểm nóng ùn tắc ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM.
|
UBND TP giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tiếp tục đánh giá nhu cầu, tính cấp thiết đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT theo Nghị quyết 98 và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách; tham mưu UBND TP trình HĐND TP xem xét, ban hành Nghị quyết về bổ sung danh mục dự án làm cơ sở triển khai thực hiện.
Tuấn Kiệt