Khủng hoảng nhà ở và sinh hoạt đã bao trùm châu Âu trong những năm gần đây, với lạm phát năm 2022 đạt mức cao nhất trong hơn bốn thập kỷ tại EU.
Những người sống ở thủ đô và các thành phố lớn có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn, vì khoảng cách chi phí nhà ở trong các quốc gia lớn hơn đáng kể ở những khu vực này so với các thành phố nhỏ hơn.
Báo cáo “Tổng quan về các khu vực và thành phố năm 2024” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới đây cho thấy sự khác biệt về chi phí nhà ở theo từng khu vực trong cùng một quốc gia, đồng thời đưa ra một số ví dụ từ khắp châu Âu.
Chỉ số này đặc biệt hữu ích vì nó phản ánh chi phí nhà ở theo tỉ lệ phần trăm thu nhập khả dụng.
Chi tiêu hộ gia đình cho nhà ở bao gồm tiền thuê nhà (thực tế và ước tính) và thế chấp, và bảo trì nhà cửa, bao gồm nước, điện, gas và các nhiên liệu khác, cũng như đồ đạc, thiết bị gia dụng và bảo trì thường xuyên ngôi nhà.
Chi phí nhà ở tạo gánh nặng đáng kể cho ngân sách hộ gia đình.
Trung bình, các hộ gia đình tại các khu vực OECD phải dành gần 1/5 thu nhập khả dụng cho nhà ở. Năm 2022, chênh lệch chi phí nhà ở giữa khu vực đắt đỏ nhất và rẻ nhất trong cùng một quốc gia lên đến khoảng 10 điểm phần trăm.
Con số này thậm chí còn cao hơn ở một số quốc gia, điển hình như Anh (16 điểm phần trăm) và Ý (14 điểm phần trăm).
Vương quốc Anh là quốc gia có chênh lệch chi phí nhà ở lớn nhất. Trong khi người dân chi trung bình 16,1% thu nhập khả dụng cho nhà ở, tại vùng London con số này lên đến 24,4%, cao hơn đến 51% so với mức trung bình cả nước.
Ngược lại, khu vực phía Bắc chỉ tốn 8,7% thu nhập cho nhà ở, tiếp theo là Scotland với 11,3%.
Như vậy, giữa vùng có chi phí nhà ở đắt đỏ nhất và vùng rẻ nhất có sự chênh lệch lên đến 15,7 điểm phần trăm. Tuy có chênh lệch lớn, Anh cũng là nước có bảy khu vực có chi phí nhà ở thấp nhất trong số các quốc gia được khảo sát.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Ý, nơi chi phí nhà ở chiếm trung bình 25% thu nhập khả dụng. Vùng Campania, với trung tâm Naples, ghi nhận tỉ lệ cao nhất 31,2%, trong khi Marche chỉ ở mức 17,1%, tạo ra khoảng cách 14,1 điểm phần trăm.
Tây Ban Nha cũng chứng kiến sự phân hóa đáng kể. Quần đảo Balearic, với thành phố lớn nhất là Mallorca, có chi phí nhà ở chiếm 30,4% thu nhập khả dụng, cao hơn 10,1 điểm phần trăm so với vùng Galicia (20,3%).
Các khu vực Murcia và Madrid cũng có chi phí nhà ở cao, với lần lượt 30,2% và 30%.
Tỉ lệ sở hữu nhà thấp hơn ở các khu vực có chi phí cao
Báo cáo của OECD chỉ ra rằng chi phí nhà ở và tỉ trọng của nó trong chi tiêu của hộ gia đình ở thành phố thường cao hơn. Điều này có nghĩa cùng một mức giảm tỉ lệ phần trăm về giá nhà, người dân nông thôn sẽ được lợi nhiều hơn người dân thành thị.
Báo cáo cũng chỉ ra mối liên hệ nghịch đảo giữa chi phí nhà ở và tỉ lệ sở hữu nhà. Ở hầu hết các quốc gia, tỉ lệ sở hữu nhà thấp nhất tại các khu vực có chi phí nhà ở cao nhất.
Vienna là một ví dụ điển hình, với tỉ lệ sở hữu nhà chỉ 19%, trong khi đây là nơi có chi phí nhà ở cao nhất ở Áo với 29,9% thu nhập khả dụng.