Sẵn sàng ‘phá cọc’, ôm đất chờ giá lên
Từ khi thông tin tuyến đường sắt đô thị Hà Nội – Hòa Lạc dài hơn 38km nối Văn Cao – Hòa Lạc sẽ khởi công vào cuối năm nay, thị trường bất động sản tại khu vực gần các nhà ga – đặc biệt là ga cuối tại xã Yên Bài, Ba Vì và Tiến Xuân, Thạch Thất – bất ngờ trở thành điểm nóng, được giới đầu tư bất động sản săn đón ráo riết.
Trong đó, khu tái định cư Đồng Doi (xã Yên Bài) và khu Bãi Dài (xã Tiến Xuân) là hai địa bàn dẫn đầu làn sóng tăng giá đất chỉ trong vài tuần.
Tại Đồng Doi, giá đất đã nhảy vọt từ mức 22-25 triệu đồng/m2 lên tới 32-35 triệu đồng/m2 chỉ trong vòng một tháng.
Còn ở khu Bãi Dài, nơi nằm sát ga cuối, mức giá hiện dao động từ 30-35 triệu đồng/m2, tăng hơn 30% so với hồi giữa tháng 3. Những con số này cho thấy một “cơn bão” đầu cơ chưa từng có đang tiến về vùng đất từng bị xem là xa trung tâm.
Anh Nguyễn Văn Phú, một môi giới dày dặn kinh nghiệm ở xã Tiến Xuân, cho biết: “Chưa khi nào tôi thấy thị trường ở đây sôi động đến thế. Từ giữa tháng 3 đến nay, ngày nào cũng có nhà đầu tư về khảo sát, mua đất. Nhiều người chỉ cần xem qua sổ đỏ và vị trí đất là đặt cọc ngay. Có lô đất khách đặt hôm thứ Hai, đến thứ Sáu đã sang tay cho người khác, lãi hơn 300 triệu đồng”.

Theo anh Phú, hiện tượng “lướt sóng”, mua nhanh, bán nhanh để ăn chênh, là nguyên nhân chính khiến giá đất tăng vọt.
“Có khách tôi biết mua đất chỉ vài ngày đã lãi vài trăm triệu. Bởi vậy, người ta đổ xô vào đây như đi săn vàng. Nhưng tăng nhanh thế thì không bền”, anh nói.
Một môi giới khác, chị Lê Thanh Hòa ở khu vực Đồng Doi, chia sẻ: “Giá lên quá nhanh nên không chỉ nhà đầu tư mà chính chủ đất cũng đổi ý.
Có nhiều trường hợp nhận cọc rồi, nhưng thấy giá thị trường nhảy vọt 3-5 triệu đồng/m2 trong vòng vài ngày đã phá cọc, trả lại tiền. Thậm chí, có trường hợp chủ đất sẵn sàng đền gấp đôi tiền cọc, miễn là giữ lại đất chờ giá cao hơn nữa”.
‘Lướt sóng’ bất thành
Tuy nhiên, không phải ai cũng kịp “lướt sóng” thành công. Anh Nguyên Hải Đăng, một môi giới khác ở khu vực ga cuối, cho rằng thị trường đang có dấu hiệu chững lại.
Anh nhận xét: “Giá tăng ảo quá. Nhiều người thấy đất tăng 10 triệu đồng/m2 chỉ trong vòng một tháng nên nghĩ là cứ mua là thắng. Nhưng giờ thì không ai mua nữa. Mức giá 35 triệu đồng/m2 ở Tiến Xuân hiện quá cao so với hạ tầng thực tế”.
Anh Hải Đăng nhận xét, nhiều nhà đầu tư đã bị “kẹt hàng”, không bán được dù vốn bỏ vào lên tới vài tỷ đồng. “Không ít người ôm đất kỳ vọng một tháng xoay vòng một lần, nhưng giờ thành người giữ đất bất đắc dĩ”.
Anh Trần Tuấn Vũ, một nhà đầu tư đến từ Cầu Giấy, Hà Nội, thừa nhận anh đã phải chấp nhận bỏ cọc 100 triệu đồng cho một lô đất ở khu Bãi Dài sau khi giá lên quá đến đỉnh và có dấu hiệu chậm lại.
Anh Vũ chia sẻ: “Trong thời gian chờ nhận sổ, tôi tranh thủ tìm khách mua để kiếm chênh lệch, nhưng nhiều nhà đầu tư đến hỏi đều bỏ về vì giá lên quá cao. Nhận thấy rủi ro nên tôi chấp nhận bỏ cọc”.
Trong khi đó, chị Bạch Thị Hương, một nhà đầu tư “non tay” đến từ Bắc Ninh, lại không kịp thoát hàng khi thị trường bắt đầu trầm lắng.
“Tôi bỏ tiền mua hai lô đất ở Tiến Xuân với kỳ vọng lướt sóng nhanh trong hai tuần. Nhưng sang tuần thứ ba, thị trường hạ nhiệt đột ngột, gần như không có ai hỏi mua. Giờ chỉ biết để đó, chờ đến khi nào thị trường nóng lại”.
Sức hút từ hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến Metro Hà Nội – Hòa Lạc, đang khiến vùng ven đô trở thành tâm điểm đầu cơ. Tuy nhiên, làn sóng “sốt đất” ngắn hạn đã bộc lộ nhiều rủi ro, từ phá cọc, lướt sóng bất thành cho đến hiện tượng thị trường chững lại vì giá bị đẩy quá xa so với thực tế.
