KCN Thịnh Phát hơn 1.4 ngàn tỷ đồng của cựu Thành viên HĐQT LHG được chấp thuận đầu tư
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng có quy mô sử dụng đất 112.87 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1,443 tỷ đồng.
Ngày 12/03, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 226/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng. Đồng thời, chấp thuận nhà đầu tư là CTCP Đầu tư Kinh doanh Tổng hợp Thịnh Phát.
Dự án thực hiện tại xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An với quy mô sử dụng đất 112.87ha. Tổng vốn đầu tư hơn 1,443 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 268.5 tỷ đồng (chiếm gần 19%).
Thời hạn hoạt động dự án từ ngày 11/03/2024 đến ngày 28/11/2055 (gần 32 năm).
UBND tỉnh Long An chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế Long An và các cơ quan có liên quan rà soát, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng đã được phê duyệt.
Về phía nhà đầu tư, Công ty Thịnh Phát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sử dụng vốn góp chủ sở hữu theo đúng cam kết để thực hiện dự án và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 02/2022/NĐ-CP khi thực hiện hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Chỉ được thực hiện dự án sau khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
CTCP Đầu tư Kinh doanh Tổng hợp Thịnh Phát thành lập ngày 14/01/2016, trụ sở chính tại TP. Thủ Đức, TPHCM. Công ty hiện do ông Võ Tấn Nhựt giữ chức Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Theo thông tin đăng ký thay đổi vào tháng 12/2020, Thịnh Phát tăng vốn từ 167 tỷ đồng lên 315 tỷ đồng.
Lãnh đạo Công ty Thịnh Phát có mối liên hệ với CTCP Long Hậu (HOSE: LHG). Cụ thể, ông Võ Tấn Thịnh – Thành viên HĐQT LHG (từ tháng 06/2021 – 04/2022) là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Thịnh Phát trong thời gian này.
Nguồn: Báo cáo thường niên 2021 của LHG
|
Cùng thời gian bổ nhiệm và miễn nhiệm với ông Thịnh, bà Đỗ Thị Kim Thi – Cựu Thành viên Ban kiểm soát LHG, đồng thời là kế toán trưởng tại Công ty Thịnh Phát.
Ông Võ Tấn Thịnh và Võ Tấn Nhựt năm 2020 nổi tiếng với thương vụ bán CTCP Cáp điện Thịnh Phát cho Tập đoàn Stark của Thái Lan, trị giá 240 triệu USD (tương đương 5,600 tỷ đồng lúc bấy giờ).
Cáp điện Thịnh Phát (ThiPha Cable) ra đời năm 1987, là một trong những thương hiệu sản xuất dây, cáp điện lớn hàng đầu trên cả nước. Pháp nhân CTCP Cáp điện Thịnh Phát thành lập năm 2019 vốn ban đầu 170 tỷ đồng; trong đó cổ đông sáng lập gồm ông Thịnh nắm 99.98% vốn, ông Nhựt nắm 0.01%, còn lại ông Nguyễn Thành Tâm nắm 0.01%. Thời điểm người Thái “nuốt trọn”, Cáp điện Thịnh Phát có vốn điều lệ 560 tỷ đồng.
|
Thanh Tú