Hà Nội thông qua chủ trương đưa huyện Gia Lâm lên quận
Trong kỳ họp thứ 13 sáng ngày 22/09/2023, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm.
Theo Trang thông tin Đại biểu Nhân dân TP. Hà Nội, quận Gia Lâm sẽ được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên là 116.64 km2, quy mô dân số hơn 300,000 người và thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm.
16 phường thuộc quận Gia Lâm gồm Trâu Quỳ, Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng và Kim Đức.
Trong đó, 6 phường được thành lập trên cơ sở chuyển nguyên trạng từ xã gồm: Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang và Lệ Chi.
4 phường được thành lập trên cơ sở 4 xã, thị trấn có sự điều chỉnh địa giới hành chính gồm phường Trâu Quỳ (trên cơ sở thị trấn Trâu Quỳ có điều chỉnh địa giới với xã Đa Tốn, Dương Xá), phường Đa Tốn (trên cơ sở xã Đa Tốn có điều chỉnh địa giới với thị trấn Trâu Quỳ, các xã Dương Xá, Đa Tốn), phường Kiêu Kỵ (trên cơ sở xã Kiêu Kỵ có điều chỉnh địa giới với xã Đa Tốn, Dương Xá) và phường Dương Xá (trên cơ sở xã Dương Xá có điều chỉnh địa giới với thị trấn Trâu Quỳ, các xã Kiêu Kỵ, Đa Tốn).
6 phường được thành lập trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính của 12 xã, thị trấn gồm phường Yên Viên (trên cơ sở nhập thị trấn Yên Viên và xã Yên Viên), phường Phù Đổng (trên cơ sở nhập xã Trung Mầu và xã Phù Đổng); phường Thiên Đức (trên cơ sở nhập xã Đình Xuyên và xã Dương Hà), phường Phú Sơn (trên cơ sở nhập xã Kim Sơn và xã Phú Thị), phường Bát Tràng (trên cơ sở nhập xã Bát Tràng và xã Đông Dư) và phường Kim Đức (trên cơ sở nhập xã Văn Đức và xã Kim Lan).
Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Gia Lâm có cơ hội tăng cường thu hút đầu tư, tiếp tục cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khai thác tốt hơn tiềm năng của các xã, thị trấn, nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân; góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh – quốc phòng của thành phố; đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội nói chung và huyện Gia Lâm nói riêng.
Ban Pháp chế cũng đề nghị UBND thành phố giải trình làm rõ về kế hoạch, tiến độ, thời gian cụ thể đối với từng nhiệm vụ công việc sau khi được thông qua chủ trương thành lập quận Gia Lâm để hoàn thiện hồ sơ và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Đồng thời, UBND thành phố cần làm rõ hơn về công tác quy hoạch cùng với việc xây dựng huyện thành quận, xã thành phường, đặc biệt là việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính các xã dự kiến thành lập phường; việc quản lý, bố trí các trụ sở, các thiết chế văn hóa – xã hội… của các xã thành phường đảm bảo theo quy hoạch và quy định.
Đối với các xã, thị trấn còn tiêu chuẩn chưa đạt (Trâu Quỳ còn 1/13 tiêu chí chưa đạt về đất công trình giáo dục; Dương Quang còn 1/13 tiêu chí chưa đạt về mật độ đường cống thoát nước chính; Lệ Chi, Thiên Đức còn 1/13 tiêu chí chưa đạt về cơ sở thương mại), UBND thành phố cũng cần xây dựng giải pháp, cân đối nguồn lực để thực hiện đạt; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất Ban Chỉ đạo xây dựng phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội có giải pháp tháo gỡ trước khi báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hà Lễ