Hạ tầng khang trang, những con đường rộng thênh thang, không gian sống chất lượng mang lại niềm vui an cư cho rất nhiều gia đình và hy vọng khởi đầu một cuộc sống đủ đầy, thịnh vượng.
Tết đầm ấm tại nơi ở mới
Chạy dọc khu tái định cư Long Bình – Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức) những ngày cận Tết, nơi đây nhộn nhịp hơn hẳn bởi rất nhiều hộ dân thuộc diện tái định cư của dự án vành đai 3 đã xây xong nhà cửa và bắt đầu một cuộc sống mới – khang trang, thịnh vượng, đầm ấm hơn. Khác hẳn hình ảnh những bãi đất trống cỏ mọc um tùm nhiều tháng trước, giờ đây khu tái định cư đã có rất nhiều tiện ích như chợ dân sinh, trường học, dân cư đông đúc.
Chúng tôi đến nhà ông Trần Văn Nhỏ, một trong những hộ dân phường Long Bình giải tỏa trắng cho dự án vành đai 3, được tái định cư tại đây.
Người đàn ông hơn 80 tuổi đang hì hục phụ các thợ xây hoàn thành những bước cuối cùng căn nhà mới của đại gia đình ba thế hệ. Ông Nhỏ nói mình may mắn có được căn nhà khang trang mà trước đây không dám mơ tới. Ông kể rằng khi chuẩn bị giải tỏa, tính toán ban đầu số tiền đền bù không đủ để gia đình tìm mảnh đất mới an cư. Lúc đó nỗi buồn ập đến, cả gia đình ai cũng “mất ăn, mất ngủ”.
Nhưng lo lắng chỉ thoáng qua, nhờ địa phương áp dụng các chính sách có lợi cho dân, gia đình ông đã được đền bù với giá cả hợp lý, hơn 4 tỉ đồng. Đồng thời có suất tái định cư ở khu tái định cư Long Bình – Long Thạnh Mỹ. Sau khi trả tiền cho nền tái định cư, ông Nhỏ vay mượn thêm để xây căn nhà tươm tất.
“Bây giờ được về ở trong căn nhà mới rộng rãi ai cũng vui, phấn khởi. Việc mình hy sinh giao đất cho Nhà nước làm dự án đã được hỗ trợ bồi thường hợp lý. Nay gia đình có cuộc sống hoàn toàn mới, một cuộc sống chất lượng hơn” – ông Nhỏ tâm tình và nhìn về Trường mầm non Long Bình đối diện nhà, nơi chắp cánh cho các mầm non tương lai, phía trên là những cánh én báo hiệu xuân đang về, an lòng về một tương lai tươi sáng của con cháu.
Người dân mong tiếp tục được đồng hành
Đi về phía huyện Hóc Môn, khu tái định cư vành đai 3 TP.HCM nằm ở mặt tiền đường Xuân Thới 21 và đường Võ Thị Hồi (xã Xuân Thới Đông) giờ đã khoác lên mình diện mạo hoàn toàn mới. Hạ tầng nơi đây được đầu tư hoàn chỉnh và thông thoáng, những ngôi nhà cao tầng mọc lên trong tiếng cười rộn ràng ấm áp, ngập tràn sắc xuân.
Lúc chúng tôi đến, ông Vũ Khắc Thành cùng một hàng xóm cũng là hộ dân thuộc diện tái định cư đang trò chuyện trong căn nhà mới xây xong. Cạnh nhà, khu công viên vui chơi được trang hoàng đèn lồng rực rỡ, tô điểm cho ngày xuân.
Ông Thành và người hàng xóm vui vẻ nói họ vừa đi qua công trình đường vành đai 3 TP.HCM, chứng kiến cầu cạn đã vươn mình bắc sang đường. Cả hai ông đều thấy rất mừng vì nơi mình dời đi giờ đây con đường đã nên hình dáng. Con đường được ví như “gà đẻ trứng vàng”, thúc đẩy thành phố phát triển ngày càng giàu mạnh.
Ông Thành kể rằng trước đây nhà cũ nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Sơn. Khi có chủ trương làm đường vành đai 3 TP.HCM, giá đền bù sát thị trường, gia đình ông đã đồng ý bàn giao mặt bằng, được địa phương hỗ trợ tiền thuê trọ trong thời gian xây nhà.
“Thấm thoắt căn nhà mơ ước đã xây xong, gia đình tôi vào ở mới cách đây vài tháng. Khu tái định cư này có vị trí đẹp, yên tĩnh, gần chợ, đi vào trung tâm lại thuận tiện. Cuộc sống nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”, ông Thành nói.
Ông Thành cho biết muốn giải phóng mặt bằng nhanh thì vấn đề cốt yếu là giá đền bù thỏa đáng. Cùng với đó là sự hỗ trợ kịp thời từ địa phương làm cho người dân hiểu, người dân tin. Mong địa phương tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân ngay cả sau thời gian tái định cư.
Bởi hiện nay trong số gần 30 hộ dân tái định cư vẫn còn một vài hộ đang có kiến nghị miễn giảm tiền sử dụng đất. “Nếu các hộ dân tiên phong bàn giao mặt bằng như chúng tôi được miễn giảm khoản tiền này thì việc tái định cư cho dự án vành đai 3 sẽ rất hoàn hảo”, ông Thành mong muốn.
Liên quan đến kiến nghị này, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn đã có đề xuất UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn và đơn vị có liên quan nghiên cứu, xem xét giải quyết nguyện vọng của các hộ dân theo quy định.
Từ nhà lụp xụp ven kênh… lên chung cư mới
Những tháng qua, gia đình bà Nguyễn Thị Lắm (61 tuổi) gồm 6 người (thuộc diện di dời để thực hiện dự án cải tạo rạch Xóm Củi) đã chuyển đến khu tái định cư ở khu căn hộ 35 Hồ Học Lãm (quận Bình Tân). Ghé thăm căn hộ của bà Lắm ngày cuối năm, không khí Tết đã ngập tràn với bàn thờ được bày biện đầy đủ bánh mứt, chuẩn bị đón xuân.
Căn hộ của bà Lắm có phòng khách, hai phòng ngủ, gian bếp và đủ không gian để kê đồ đạc.
Bà xúc động nói: “Cả đời sống trong căn nhà lụp xụp bên rạch Xóm Củi, có mơ cũng không nghĩ sẽ được sống trong căn hộ chung cư khang trang sạch sẽ như vậy”.
Hồi tưởng lại quá khứ, bà Lắm kể trước năm 1999 gia đình mua căn nhà ven rạch Xóm Củi bằng giấy sang tay. Nhà rộng 3m, dài 5m, để hai chiếc xe máy và một ít đồ đạc là đã chật cứng. Mọi người phải ngủ dưới sàn nhà, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Khi căn nhà bị giải tỏa, bà nhận hơn 800 triệu đồng tiền đền bù và được bố trí căn hộ tái định cư giá khoảng 1,1 tỉ đồng. Gia đình bà đóng trước 780 triệu đồng, số còn lại trả góp 15 năm, mỗi tháng chưa đến 3 triệu đồng. Nhờ có nhiều thành viên trong gia đình đang tuổi lao động, tiền trả góp hằng tháng cũng trả đều đều, không mấy áp lực.
Cũng cùng chung cư, căn hộ của hai mẹ con chị Vũ Thị Phương Khanh (44 tuổi) chiều tối đã rực rỡ ánh đèn. Chị Khanh chia sẻ nhà cũ ven rạch của gia đình chị không có giấy tờ hợp pháp. Khi chính quyền địa phương xác minh pháp lý đất, xét thấy trường hợp của chị đã ở rạch Xóm Củi hơn 30 năm nên được đền bù, cấp suất tái định cư.
Sắp xếp lại đồ đạc chuyển qua từ nhà cũ, chị Khanh cho biết qua sống ở chung cư, cuộc sống của gia đình như bước sang trang mới.
“Hồi đó ở căn nhà vừa nhỏ vừa xuống cấp, dòng kênh ngập rác ô nhiễm, lâu lâu triều cường lại dâng ngập đường. Không chỉ vậy, bên Xóm Củi cũng lộn xộn, hay xảy ra cãi vã và sợ nhất là hàng xóm hát karaoke tới khuya. Cuộc sống quá áp lực”, chị Khanh kể.
Khu chung cư tái định cư cho người dân rạch Xóm Củi nằm cạnh đại lộ Võ Văn Kiệt rộng rãi, phía trước có chợ, siêu thị… Từ khi dọn về đây, hai mẹ con chị Khanh nghỉ việc ở Khu chế xuất Tân Thuận, mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm công nghệ.
Căn hộ chị Khanh có giá gần 1,2 tỉ đồng, chị trả trước 700 triệu, phần còn lại trả góp hằng tháng. Dù phải lo khoản trả góp, chị cho biết cuộc sống hiện tại thoải mái, ấm áp hơn nhiều. Ngày cuối năm, hai mẹ con chị tranh thủ dọn dẹp nhà, mua thêm đồ đạc, sắm bộ sofa mới để tiếp bạn bè vào dịp Tết.
Chị cười mãn nguyện: “Cuộc sống như vậy là hạnh phúc rồi”.
Nhờ đồng thuận, kênh Hàng Bàng mới sạch đẹp
Đoạn kênh Hàng Bàng qua quận 5 có 127 hộ dân phải giải tỏa trắng. Nhờ sự đồng thuận bàn giao mặt bằng của người dân, đoạn kênh dài 250m đã khánh thành ngày 17-1 sau 6 tháng thi công, sớm hơn 3 tháng so với tiến độ đề ra.
Chủ đầu tư xem đây là món quà ý nghĩa dành tặng người dân trước thềm xuân mới. Giờ đây, người dân trong khu vực có thể tận hưởng thành quả khi nhìn thấy một dòng kênh sạch đẹp, có không gian vui chơi giải trí, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Cao Lê Minh Tâm (chủ tịch UBND phường 5, quận 8):
Cán bộ đưa dân xem “người thật việc thật”
Giai đoạn đầu khi vận động di dời, tái định cư các hộ dân thuộc dự án rạch Xóm Củi, nhiều người dân không muốn nhận suất tái định cư vì sợ áp lực nợ nần. Cán bộ phường đã đưa người dân đến trực tiếp chung cư 35 Hồ Học Lãm để xem nhà.
Khi người dân thấy căn hộ khang trang, sạch sẽ họ cũng “ưng bụng”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn về món nợ phải góp hằng tháng. Khi đó cán bộ phường giải thích căn hộ tái định cư có giá khoảng 1,2 tỉ đồng, rất rẻ so với mặt bằng chung, người dân được trả góp trong vòng 15 năm.
Điều quan trọng đây là khoản trả góp có giá trị tương lai, nhà có giấy tờ hợp pháp, không phải lo giải tỏa nữa, con cái có nơi khang trang để ở. Sau đó, người dân thấy được lợi ích nên rất đồng thuận.
Quả ngọt từ sự đồng thuận
Cận Tết Nguyên đán 2025, người dân TP phấn khởi khi loạt công trình rộn ràng về đích.
Chỉ trong một năm có tới 20 gói thầu và công trình được đưa vào khai thác, bổ sung những mảnh ghép còn thiếu cho bức tranh giao thông tổng thể của TP.
Để có những quả ngọt này, đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết công tác giải phóng mặt bằng là yếu tố then chốt và quyết định 50% sự thành công của một dự án. Bởi trên thực tế hầu hết các công trình khi được bàn giao sớm mặt bằng 100% thì các nhà thầu đều thi công rất nhanh, thậm chí có dự án còn về đích sớm hơn mong đợi.
Để công tác giải phóng mặt bằng được người dân đồng thuận cao, theo đại diện Ban Giao thông, cần rất nhiều yếu tố. Đó là sự vào cuộc và phối hợp nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó là sự đeo bám, đồng hành của chủ đầu tư từ lúc xây dựng phương án, trình duyệt đơn giá cho đến quá trình hỗ trợ người dân.
Yếu tố quan trọng nữa là phải có nền đất tái định cư tại chỗ. Như tại dự án vành đai 3, các hộ dân được tái định cư tại địa phương, được nhìn thấy nơi mình sinh sống từng ngày đang phát triển.
Đại diện Ban Giao thông cho hay năm 2025 TP.HCM sẽ triển khai hàng loạt dự án lớn như vành đai 2, đường cao tốc Mộc Bài, vành đai 4, cầu đường Nguyễn Khoái và 5 dự án BOT cửa ngõ… Khối lượng công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng và tái định cư là rất lớn nhưng có nhiều thuận lợi khi áp dụng Luật Đất đai 2024.
Như quy định tái định cư phải hoàn thành trước khi tiến hành thu hồi đất. Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các địa phương rà soát xây dựng các khu tái định cư khang trang trong khu vực.
“Với kinh nghiệm và cách làm như thời gian qua, cộng với những cơ chế mới, chúng tôi tin rằng 2025 sẽ là năm của lòng dân, năm của sự đồng thuận. Chúng ta sẽ chuẩn bị tốt nhất về chính sách, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện một cuộc cách mạng trong công tác giải phóng mặt bằng” – đại diện Ban Giao thông khẳng định.
Cũng theo Ban Giao thông, công tác điều tra xã hội học sẽ được thực hiện trước, trong và sau khi dự án hoàn thành nhằm lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết những vướng mắc và nguyện vọng củangười dân. Việc triển khai t rên tinh thần không để bà con cảm thấy đơn độc, bỏ lại phía sau ngay cả khi dự án đã hoàn thành.
Lo Tết đủ đầy cho người dân
Bà Nguyễn Thị Thanh Luận, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức cho biết năm nay trên địa bàn TP Thủ Đức có nhiều dự án trọng điểm với số hộ dân thuộc diện phải di dời, bàn giao mặt bằng khá lớn. Do đó địa phương đã có những chính sách chủ động chăm lo đối với 2.521 hộ dân bị ảnh hưởng.
TP Thủ Đức đã tổ chức các hoạt động để huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia chăm lo. Mục đích nhằm đưa Tết đến với mọi nhà, mọi người dân một cách đầy đủ nhất.
Quý bạn đọc thân mến!
Hôm nay (24-1), nhật báo Tuổi Trẻ ra số tất niên chia tay năm con rồng và nghỉ Tết. Tuổi Trẻ vẫn duy trì dòng chảy tin tức thời sự, những câu chuyện hấp dẫn ngày Tết kịp thời trên tuoitre.vn. Mời bạn đọc đón xem.
Nhật báo Tuổi Trẻ sẽ trở lại với bạn đọc vào ngày 3-2 (mùng 6) bằng một số báo tân niên có nhiều nội dung phong phú, nóng bỏng, bất ngờ để khởi đầu năm Ất Tỵ có nhiều chuyển biến tích cực, mới mẻ.
Nhân dịp năm mới, Tuổi Trẻ kính chúc quý bạn đọc dồi dào sức khỏe, cùng vui đón Tết hạnh phúc và chuẩn bị nhiều ý tưởng mới, kế hoạch mới cho một năm “mã đáo thành công”.
TUỔI TRẺ