Ngày 30/6, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) công bố thông tin bất thường về việc Hội đồng quản trị (do ông Nguyễn Hữu Tới làm Chủ tịch) đã thông qua nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ 107,1 triệu cổ phần (tương đương 51% vốn điều lệ) tại CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex – Vinaconex ITC (UpCOM: VCR).
Theo nghị quyết, giá bán tối thiểu được ấn định là 48.000 đồng/cp và hình thức chuyển nhượng là đàm phán trực tiếp với nhà đầu tư quan tâm. HĐQT ủy quyền cho tổng giám đốc công ty triển khai các thủ tục liên quan.
Với mức giá tối thiểu trên, nếu giao dịch thành công, Vinaconex có thể thu về ít nhất 5.140 tỷ đồng.
Cổ phiếu VCG ngay lập tức tăng mạnh khoảng 4,3%, lên 23.000 đồng/cp. Hơn 20 triệu cổ phần đã được chuyển nhượng trong phiên 1/7. Trong 3 tháng qua, VCG đã tăng khoảng 35%.
Cổ phiếu VCR cũng tăng vọt khoảng 5,6%, lên 45.000 đồng/cp, so với mức 35.000 đồng/cp cách đây khoảng hai tuần.
Vinaconex ITC là doanh nghiệp đang phát triển Dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển Cát Bà Amatina (tên pháp lý: Khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà), có quy mô cả tỷ USD nhưng kéo dài hơn thập kỷ qua.

Đây là dự án từng rất được kỳ vọng của Vinaconex và công ty con Vinaconex – ITC.
Năm 2011, dự án Cát Bà Amatina được giới thiệu ra công chúng với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, tầm nhìn trở thành khu phức hợp nghỉ dưỡng biệt thự biển cao cấp, bến du thuyền, casino và công viên giải trí đẳng cấp quốc tế.
Nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới đảo Cát Bà, Hải Phòng và liền kề quần thể di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, dự án dự kiến được thực hiện theo hình thức chủ đầu tư chuyển nhượng đất có hạ tầng cho nhà đầu tư thứ phát để đầu tư các hạng mục biệt thự, khách sạn, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, trung tâm hội nghị quốc tế và nhiều hạng mục khác.
Tháng 5/2011, Vinaconex ITC từng tổ chức các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư tại hai khu biệt thự nghỉ dưỡng Fantasia và Azuria thuộc dự án Cát Bà Amatina.
Dự án sau đó đình trệ và bị thu hồi. Ba năm sau, dự án được chính quyền Hải Phòng đồng ý chủ trương để CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex tiếp tục triển khai thực hiện.
Từ năm 2020, Vinaconex ITC đã có những động thái vay vốn ngân hàng và phát hành riêng lẻ tăng vốn điều lệ để thực hiện dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá (Cát Bà Amatina – giai đoạn 1) tại Cát Bà, TP Hải Phòng.

Theo thiết kế, Cát Bà Amatina có 1.300 căn biệt thự đơn lập, song lập, liền kề; các tòa nhà cao tầng hỗn hợp; các tòa căn hộ dịch vụ; khu biệt thự nghỉ dưỡng hạng sang và khu khách sạn bao gồm: các khách sạn mini, các khách sạn 5 sao và các khách sạn siêu cao cấp; các khu vui chơi giải trí trong nhà, ngoài trời, trung tâm thương mại, bến du thuyền và nhiều hạng mục khác.
Dự án đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hồ sơ pháp lý.
Vinaconex ITC ghi nhận hàng chục quý thua lỗ, chỉ có một vài quý có lãi trong cả thập kỷ qua. VCR nhiều lần cho biết đơn vị không ghi nhận doanh thu trong nhiều quý do đang trong giai đoạn đầu tư dự án nên chưa có sản phẩm.
Trong quý I/2025, VCR không ghi nhận doanh thu, lỗ hơn 5,5 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng tài sản đạt hơn 5.260 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn gần 495 tỷ và nợ vay dài hạn gần 1.618 tỷ đồng.
Trong năm 2024, VCR ghi nhận hơn 3 tỷ đồng doanh thu, lỗ hơn 21,8 tỷ đồng. Trong năm 2023 lỗ gần 287 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới cuối năm 2024 là gần 540 tỷ đồng. Ông Dương Văn Mậu là chủ tịch VCR.
Hồi năm 2021, lãnh đạo Vinaconex từng cho biết doanh nghiệp sẽ chuyển hướng mạnh mẽ từ lĩnh vực xây lắp sang đầu tư bất động sản, với dự án chủ lực là Cát Bà Amatina.
Thế nhưng, dù từng được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận lên tới 1.000 tỷ đồng/năm trong 6 năm liên tiếp, đến nay dự án Cát Bà Amatina vẫn chưa thể tạo ra dòng tiền. Thế mạnh của Vinaconex vẫn là mảng xây lắp, lĩnh vực mà doanh nghiệp gần đây tiếp tục ghi dấu ấn, như gói thầu 1.620 tỷ đồng tại nút giao Vành đai 3,5 – Đại lộ Thăng Long.