“Vua cá tra” một thời Hùng Vương muốn bán loạt công ty con để trả nợ
HĐQT CTCP Hùng Vương (UPCoM: HVG) vừa thông qua nghị quyết chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến bằng văn bản về chủ trương tái cơ cấu nợ của Công ty. Ngày đăng ký cuối cùng là 05/03. Thời gian gửi văn bản và nhận phản hồi từ cổ đông từ 11/03-11/04. Thời gian thực hiện kiểm phiếu và công bố kết quả từ 12-19/04.
HĐQT sẽ trình cổ đông phương án tổng quát thoái toàn bộ vốn góp tại 4 công ty thành viên nhằm huy động nguồn vốn để thanh toán, xử lý triệt để các khoản nợ vay của Công ty.
Theo đó, HVG sẽ tìm đối tác phù hợp để bán toàn bộ cổ phần tại CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF). Công ty con này có vốn điều lệ hơn 281 tỷ đồng, trong đó HVG nắm 79.58%.
Công ty cũng sẽ bán toàn bộ 50.38% cổ phần sở hữu tại CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF) và dùng toàn bộ số tiền thu được cho việc xử lý nợ. VTF có vốn điều lệ hơn 1,045 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HVG cũng lên phương án bán hết 89.99% vốn tại CTCP Thức ăn Thủy sản Hùng Vương Vĩnh Long (vốn điều lệ 80 tỷ đồng). Trong đó, HVG sở hữu trực tiếp 39% và sở hữu gián tiếp 50.99% qua công ty con là CTCP Nuôi trồng Thủy sản Hùng Vương Miền Tây (HVG nắm 99.98%).
Cuối cùng, về phương thức thoái vốn tại Công ty TNHH Hùng Vương Châu Á (vốn điều lệ 360 tỷ đồng, HVG nắm 85%), Hùng Vương sẽ bán toàn bộ công ty hoặc kho lạnh là tài chính thuộc sở hữu của Công ty.
Nhìn lại kết quả kinh doanh, từ 2008-2014 là giai đoạn tăng tốc của HVG khi doanh thu tăng liên tục từ 2,985 tỷ đồng lên 14,902 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2011, HVG bứt phá khi ghi nhận lãi ròng kỷ lục 418 tỷ đồng, gấp đôi năm trước và doanh thu cũng tăng mạnh 73% lên 7,689 tỷ đồng.
Song, năm 2016, kết quả kinh doanh của Công ty lao dốc, lỗ ròng gần 49 tỷ đồng, dù doanh thu vẫn tăng so với năm trước. Đến năm 2017, “vua cá tra” lỗ ròng 713 tỷ đồng và doanh thu bắt đầu sụt giảm; và chứng kiến mức lỗ hơn ngàn tỷ đồng vào 2 năm sau đó (năm 2019 lỗ ròng 1,075 tỷ đồng).
Kết quả kinh doanh của HVG | ||
|
Đến đầu tháng 1/2020, THADI – một đơn vị thuộc CTCP Ô tô Trường Hải (tiền thân của CTCP Tập đoàn Trường Hải ngày nay) – đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với HVG.
Nguồn: Website Thaco
|
Theo nội dung thỏa thuận hợp tác chiến lược, THADI sẽ đầu tư vào HVG với tỷ lệ 35% cổ phần, đồng thời tham gia hỗ trợ HVG trong các hoạt động tái cấu trúc, chấn chỉnh lại chiến lược, cũng như hỗ trợ những khó khăn về tài chính trong thời gian sắp tới và đầu tư 65% vào liên doanh THADI – HVG trong mảng sản xuất heo giống. Liên doanh này có vốn đầu tư 2,000 tỷ đồng.
Nhờ đó, HVG kỳ vọng thoát tình trạng thua lỗ triền miên. Nhưng, kết quả không như mong đợi. Cổ phiếu HVG còn bị buộc hủy niêm yết trên HOSE vào ngày 05/08/2020. Các cổ đông cá nhân và tổ chức có liên quan đến Thaco cũng thoái gần hết vốn khỏi HVG sau hơn 1 năm đầu tư.
Hiện, cổ phiếu HVG đang trong diện bị đình chỉ giao dịch trên UPCoM do tổ chức đăng ký giao dịch không có biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch theo quy định tại Luật Chứng khoán, đồng thời bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin theo quyết định của HOSE ngày 29/07/2020.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng có quyết định duy trì diện đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu HVG với các lý do nêu trên vào đầu tháng 12/2023. Cơ sở xem xét là tổ chức đăng ký giao dịch chưa công bố BCTC kiểm toán các năm 2020, 2021, 2022.
Cổ phiếu HVG còn trong diện bị hạn chế giao dịch do tổ chức đăng ký giao dịch không họp ĐHĐCĐ thường niên 2 năm tài chính gần nhất trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính theo quy định của Luật Doanh nghiệp; chậm nộp BCTC bán niên 2022, 2023 đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định.
Kha Nguyễn