Vụ Tân Hoàng Minh: Cơ quan điều tra kiến nghị nhiều biện pháp bịt lỗ hổng kinh doanh trái phiếu
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ngoài việc đề nghị truy tố các bị can, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng kiến nghị các biện pháp nhằm bịt lỗ hổng trong phát hành trái phiếu và xử lý trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân.
Thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thẩm định giá
Đỗ Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Tân Hoàng Minh (trái) và một số đồng phạm. Ảnh: CACC
|
Cụ thể, trong kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và một số đơn vị liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước tiếp tục xem xét, điều chỉnh các quy định liên quan để hoàn thiện quy trình tổ chức và giám sát việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp một cách công khai, minh bạch. Đồng thời, kiểm tra và xác nhận tính chuyên nghiệp của những nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và ngăn ngừa các hành vi vi phạm và tội phạm liên quan.
Cũng theo đề nghị của cơ quan điều tra, cần áp dụng biện pháp xử lý nghiêm đối với các công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá, kiểm toán viên và thẩm định viên có sai phạm trong vụ án, bao gồm việc đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thẩm định giá, và thu hồi chứng chỉ hành nghề Kiểm toán viên, Thẩm định viên.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, và chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị kiểm toán, thẩm định giá, kiểm toán viên và thẩm định viên. Đồng thời, quản lý chặt chẽ chứng chỉ hành nghề, đăng ký con dấu pháp nhân, chữ ký kiểm toán viên, thẩm định viên để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và bảo vệ tính minh bạch trong quy trình kiểm toán và thẩm định giá.
CQĐT – Bộ Công an cũng cho rằng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, đặc biệt là về định giá tài sản hình thành trong tương lai và hồ sơ, thủ tục định giá tài sản để đảm bảo cho quá trình phát hành trái phiếu.
Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật tại các công ty chứng khoán trong việc cung cấp các dịch vụ tư vấn phát hành, đại lý đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhằm nâng cao vai trò và chịu trách nhiệm của các công ty chứng khoán trong việc phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành, và kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Đề nghị rà soát các ngân hàng thương mại cổ phần
Đỗ Anh Dũng (trái) và Đỗ Hoàng Việt, được cho là kẻ tung người hứng. Ảnh: CACC.
|
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát tổng thể các ngân hàng thương mại đang quản lý tài sản đảm bảo của các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Qua đó, yêu cầu đánh giá lại tính pháp lý và giá trị của tài sản để đảm bảo tính hợp lý và khả năng thanh toán, thanh khoản khi tổ chức phát hành không thể trả được gốc và lãi trái phiếu đến hạn.
Đề xuất các ngân hàng thương mại cần thiết lập quy trình và thủ tục chặt chẽ trong việc tiếp nhận tài sản đảm bảo của trái phiếu và mở tài khoản trái phiếu đảm bảo. Cần giám sát dòng tiền luân chuyển vào tài khoản trái phiếu, ngăn chặn việc chuyển tiền ra khỏi tài khoản trái phiếu không đúng mục đích phát hành và quy định trách nhiệm của các ngân hàng khi cung cấp các dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu.
“Yêu cầu các ngân hàng thương mại gồm VietinBank, VietcomBank tổ chức rà soát, kiểm điểm việc cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản, quản lý tài sản bảo đảm các gói trái phiếu riêng lẻ của Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông, trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm về mặt đảng và chính quyền đối với những cá nhân, đơn vị có liên quan”, kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra nêu rõ”.
Cần kiểm soát dòng tiền, chống rửa tiền
Bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng chỉ ra những “lỗ hổng” pháp lý và đề nghị bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật. Cụ thể, đề nghị cần xem xét và bổ sung quy định liên quan đến phòng, chống rửa tiền theo Luật, Nghị định 153/2020 và Nghị định 65/2022/NĐ-CP, cần tăng cường quy định về báo cáo về dòng tiền thanh toán qua tài khoản trái phiếu và tài khoản này chỉ dành riêng cho mục đích phát hành trái phiếu.
Đồng thời, cần đưa ra biện pháp giám sát dòng tiền trái phiếu và ngăn chặn hành vi “khống” dòng tiền để tạo lập giá trị “ảo” của trái phiếu.
CQĐT còn đề xuất bổ sung và hoàn thiện các quy định của Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 65/2022 theo hướng quy định và hướng dẫn về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có tài sản đảm bảo, nguyên tắc xác định giá trị tài sản đảm bảo, trách nhiệm của đơn vị thẩm định giá và quản lý tài sản đảm bảo. Yêu cầu mọi hoạt động mua bán, giao dịch trái phiếu phải được quản lý, giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin và tuân thủ quy định pháp luật.
Ngoài 15 bị can trong vụ án bị đề nghị truy tố, còn một số cá nhân với các hành vi vi phạm khác nhau, song chưa cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự. Dựa trên tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, Cơ quan điều tra đã đề nghị các cơ quan chủ quản xem xét, xử lý theo quy định của đảng và chính quyền.
|
Minh Đức