Nền kinh tế thế giới vừa trải qua quý 1-2024 với nhiều biến động phức tạp, khó lường, trong đó, căng thẳng địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự Nga-Ukraine cũng như ở Trung Đông tiếp tục tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Xung đột chính trị leo thang đã đẩy giá hàng hoá, dịch vụ, năng lượng tăng trở lại, giá vàng tăng kỷ lục. Cùng với đó, những bất lợi trong cuộc chiến chống lạm phát ở Mỹ, châu Âu đang làm chậm lại tiến trình bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Cạnh tranh thương mại – công nghệ, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng cùng với sự phân mảnh cũng là những yếu tố cản trở sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức đó, nền kinh tế Việt Nam quý 1-2024 vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng. Tăng trưởng kinh tế quý đầu năm đạt 5,66%, là mức tăng trưởng cao nhất các quý 1 kể từ năm 2020. Dù chưa bằng cùng kỳ năm 2018 và 2019, nhưng đây được đánh giá là kết quả đáng khích lệ trên con đường phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà khởi sắc từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý 1-2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%, một mức tăng trưởng tương đối cao trong bối cảnh hiện tại. Tiêu dùng tiếp tục đà phục hồi, du lịch tăng mạnh. Thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế quý 1-2024 vẫn tồn tại những gam màu xám. Hoạt động xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch của Việt Nam tiếp tục chịu áp lực từ các yếu tố biến động trên thế giới. Số lượng doanh nghiệp giải thể, rút lui khỏi thị trường vượt xa số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Tăng trưởng tín dụng chậm và thấp hơn so với giai đoạn trước do bối cảnh trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn yếu. Nợ xấu và tỷ giá dù vẫn trong tầm kiểm soát nhưng có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản phục hồi chậm.
Dự báo quý 2 và thời gian còn lại của năm 2024, nền kinh tế tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do những rủi ro và yếu tố bất định trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Nhằm nhìn lại bức tranh kinh tế trong nước những quốc tế, đồng thời đưa ra những dự báo và kiến nghị nhằm thúc đẩy tăng trưởng các quý còn lại của năm, Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp tổ chức Tọa đàm kinh tế Việt Nam và Thế giới với chủ đề: “Nhận diện kinh tế quý 1-2024: Mở lối cho kinh tế cả năm”.
Với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, tọa đàm gồm 2 phiên: tham luận và thảo luận.
Phiên tham luận gồm các bài trình bày:
– Bức tranh kinh tế thế giới quý 1-2024 (PGS.TS. Vũ Thanh Hương, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội);
– Tổng quan kinh tế Việt Nam quý 1-2024 (TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia);
– Kinh tế quý 1-2024: Những vấn đề đặt ra (TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương);
– Nhận diện dòng tiền đầu tư quý 1-2024 (TS. Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng).
Phiên thảo luận có sự tham gia của:
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, có sự tham gia của:
– Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
– Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Về phía chuyên gia, có sự tham gia của:
– TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia;
– TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương;
– TS. Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng;
– Ông Đào Ngọc Lâm, Chuyên gia kinh tế;
– TS. Vũ Thanh Hương, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội;
– TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế học, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về phía hiệp hội và doanh nghiệp, có sự tham gia của:
– Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam;
– Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam;
– Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam;
– Ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc Công ty Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating);
– Bà Thái Thị Quỳnh Như, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam – Đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp;
– Ông Nguyễn Vũ Michael, Giám đốc Boeing Việt Nam.
Phiên thảo luận được điều hành bởi TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy/Vietnam Economic Times và PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trân trọng kính mời quý vị theo dõi toạ đàm vào lúc 9h00 ngày 22/4/2024 trên vneconomy.vn và các nền tảng fanpage, youtube thuộc VnEconomy.