“Tiếp sức” doanh nghiệp du lịch trở lại “đường đua”

Ngày 15/3 tới đây có thể coi là ngày hội đặc biệt của ngành du lịch Việt Nam cho phép ngành công nghiệp không khói trở lại “đường đua” tăng trưởng.

Theo đó, 15/3 là thời gian Chính phủ ấn định sẽ mở cửa toàn bộ ngành du lịch, đồng thời mở cửa toàn bộ bầu trời, không hạn chế các chuyến bay quốc tế. Sau gần 2 năm “chết lâm sàng”, ngủ đông, kiệt sức, thì cuối cùng, những người trong ngành du lịch đã có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Doanh nghiệp khó trở lại “đường đua”

19 tháng đóng cửa là quãng thời gian quá dài, vượt xa sức tưởng tượng của bất cứ lãnh đạo doanh nghiệp nào, dù lớn, dù nhỏ. Không ai có thể đủ tài lực, nhân lực để ứng phó với đợt khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này.

19 tháng không có doanh thu, cơ bản không có kinh phí hỗ trợ để cầm cự, rất nhiều những nhân sự giỏi, tâm huyết trong giới hướng dẫn viên, đầu bếp, buồng, phòng… đã phải nghỉ việc để chuyển sang một công việc mới, thích hợp hợp để tồn tại.

Tuy nhiên cũng không thể lạc quan tếu, các doanh nghiệp du lịch đều xác định đây mới là giai đoạn đầu của quá trình phục hồi. Để quay lại tốc độ tăng trưởng như năm 2019 và các năm trước đại dịch, cần thêm từ 1-2 năm nữa.

Do đó, để nhanh chóng đưa doanh nghiệp trở lại “đường đua” cần những điều kiện đi kèm như dịch bệnh được kiểm soát và các chính sách phát triển ngành du lịch được đưa ra đúng hướng và bắt kịp với sự thay đổi của thị trường.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) hiện nay, chúng ta chưa có nghiên cứu nào về nhu cầu và xu hướng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu được các tổ chức quốc tế công bố gần đây cho thấy xu hướng du lịch sau đại dịch Covid-19 đã có sự thay đổi rõ rệt.

Một khảo sát về xu hướng du lịch của du khách Anh sau đại dịch cho thấy, du khách Anh có nhu cầu du lịch quốc tế dài ngày hơn, ít di chuyển hơn và có xu hướng đi theo nhóm nhỏ với bạn bè hay gia đình.

“Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu những thay đổi này để việc mở cửa thực sự hiệu quả. Bởi chỉ khi hiểu được những thay đổi của nhu cầu của khách hàng sau Covid-19, chúng ta mới có sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp với thị trường”, ông Chính đề xuất.

Vị chuyên gia cho rằng, hiện, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn khó khăn và lúng túng trong việc tìm hiểu nhu cầu của các thị trường trọng điểm. Vì vậy, các cơ quan nghiên cứu, cơ quan chuyên trách cần vào cuộc để đưa ra những thông tin hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại trước tình trạng thiếu hụt nhân lực sau giai đoạn phải tạm dừng hoạt động vì Covid-19 khi nhiều nhân viên đã rời bỏ và chuyển ngành.

“Đáng tiếc, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy một kế hoạch tổng thể hỗ trợ cho doanh nghiệp được triển khai. Với nguồn lực tài chính khó khăn, nhân lực chưa đủ, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thử thách để quay trở lại “đường đua” du lịch”, ông Chính nhận định.

Đề xuất tiếp sức

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel đưa ra kiến nghị, thời điểm này hầu hết doanh nghiệp đã cạn lực, vì thế để giữ chân người  lao động các doanh nghiệp rất cần được Chính phủ tiếp sức về tài chính đồng thời có chính  sách hỗ trợ lao động thất nghiệp để họ không bỏ ngành.

Do đó, doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp với gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động để duy trì nguồn  nhân lực của doanh nghiệp

Ông Kỳ cũng hy vọng có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm để không bị đứt gãy lao động  trong ngành công nghiệp xanh này. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc vì lực lượng lao động du  lịch có tính đặc thù và chuyên biệt, được đào tạo và cấp thẻ hành nghề.

Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT Vietravel cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc, nghiên cứu thêm phương án hỗ trợ dựa trên chi  phí, thay vì dựa trên số thuế phải nộp (giảm thuế suất), để hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp không có lợi nhuận.

Với tình hình kinh doanh của khu vực doanh nghiệp hiện nay, nên triển khai chính sách hỗ trợ dựa trên chi phí lao động để góp phần thu hút  lao động quay trở lại làm việc.

Chính sách này có thể thực hiện thông qua việc cho  phép doanh nghiệp trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng, được trừ chi  phí lao động cao hơn mức chi trả thực tế. Chi phí lao động được khấu trừ cao hơn có thể là các khoản chi mang tính chất tiền lương, thưởng… Trong trường hợp doanh nghiệp có chi thêm các khoản bồi dưỡng, hỗ trợ người lao động vì dịch bệnh, thì có  thể cho phép ưu đãi khấu trừ ở mức cao hơn để giữ chân lao động trong ngành.

Nguồn: DĐDN

Đăng ký nhận cập nhật mới nhất về các bài viết cùng chủ đề.

Bài viết liên quan

Bài viết sau

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng bạn trở lại!

Đăng nhập vào Tài khoản bên dưới

Lấy lại Mật khẩu

Vui lòng nhập Tên đăng nhập hoặc Email để đặt lại Mật khẩu.