Khoản tài trợ trị giá 15 triệu USD (tương đương khoảng 384 tỉ đồng) từ ngân hàng FMO là khoản cho vay lãi suất ưu đãi và không cần thế chấp. 100% khoản tiền này sẽ được đầu tư xây dựng nhà máy Phúc Sinh Đắk Nông. Tính đến hiện nay, tổng nguồn vốn tài trợ Phúc Sinh nhận được từ các tổ chức tài chính quốc tế có giá trị hơn 1.000 tỉ đồng. Trong đó, 80% các nguồn tài trợ được sử dụng cho mục đích xây dựng nhà xưởng, công nghệ mới thực hiện các dự án xanh phù hợp với chiến lược phát triển bền vững (ESG) mà Phúc Sinh đã theo đuổi trong hơn một thập kỷ qua.

Phúc Sinh nhận tài trợ 15 triệu USD từ ngân hàng FMO của Hà Lan
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, cho rằng triển bền vững không chỉ là xu hướng, mà là con đường tất yếu nếu doanh nghiệp muốn đi xa. Khoản tài trợ từ FMO không chỉ giúp Phúc Sinh nâng cao năng lực sản xuất mà còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư vào các dự án phát triển nông nghiệp bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến vào chuỗi cung ứng và gia tăng giá trị cho sản phẩm cà phê Việt Nam, thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế, hướng đến mô hình kinh doanh xanh và phát triển bền vững.
Khi áp dụng ESG, Phúc Sinh không chỉ cải thiện nội lực mà còn mở ra cánh cửa hợp tác với các quỹ đầu tư tài chính châu Âu. Chỉ sau 6 tháng, Phúc Sinh đã chứng minh rằng nông nghiệp bền vững không chỉ là lý thuyết, mà là một mô hình thực tiễn, mang lại lợi ích thực sự cho cả doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam và đó là lý do thuyết phục được ngân hàng FMO.
Đại diện FMO, bà Ammarens – Giám đốc Kinh doanh nông nghiệp châu Á – cho hay, Phúc Sinh phù hợp với kế hoạch chiến lược của ngân hàng và chiến lược nông nghiệp, thực phẩm và lâm nghiệp. Đó là thông qua việc tạo ra giá trị địa phương, tạo việc làm tại địa phương, hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trả lời xoay quanh đánh giá tác động của chính sách thuế đối ứng Mỹ vừa công bố lên 46% đối với Việt Nam, bà cho rằng trong lĩnh vực sản xuất cà phê, vấn đề quan trọng nhất là biến đổi khí hậu chứ không phải là thuế quan. Vì vậy, việc các doanh nghiệp phát triển bền vững là con đường để thích ứng tốt nhất cũng như đối phó với những biến động về khí hậu, môi trường trong tương lai.
Hiện Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt 5,48 tỉ USD trong năm 2024. Ngành cà phê tiếp tục đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam và là một trong những lĩnh vực xuất khẩu nông sản tăng trưởng nhanh nhất của đất nước. Liên minh châu Âu (EU) vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024.