Gửi kiến nghị đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cử tri tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ nghiên cứu, đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng để phù hợp với nhu cầu sống cơ bản của người lao động, đặc biệt là nhóm có tay nghề thấp và làm việc tại các vị trí không yêu cầu tay nghề cao. Thực tế, nhóm này lại là nhóm có số lượng đông nhất.
Theo cử tri, cần tăng lương tối thiểu vùng một cách hiệu quả, phù hợp, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, tăng tiền lương của người lao động phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin, theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên nhiều yếu tố.
Đó là, mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động, năm 2024, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã khuyến nghị với Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024, trong đó điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6%, thực hiện từ ngày 1/7 năm nay.
Sau điều chỉnh, mức lương tối thiểu theo tháng tại vùng I là 4,96 triệu đồng, vùng II là 4,41 triệu đồng, vùng III là 3,86 triệu đồng, vùng IV là 3,45 triệu đồng.
Mức lương tối thiểu theo giờ cũng tăng tương ứng, tại vùng I là 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nửa đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương đạt 8,4 triệu đồng/tháng, tăng 567.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập của lao động nam đạt 8,9 triệu đồng/tháng, trong khi đó lao động nữ thấp hơn, đạt 7,8 triệu đồng/tháng.
Lao động làm việc trong một số ngành kinh tế có tốc độ tăng thu nhập bình quân khá hơn so với cùng kỳ năm 2023, như: Hoạt hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; khai khoáng; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải.
Để chuẩn bị cơ sở cho việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu trong năm tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã lên kế hoạch điều tra lao động, tiền lương trong doanh nghiệp trong tháng 8 – 9 này.
Theo kế hoạch, việc điều tra sẽ được tiến hành tại 3.400 doanh nghiệp với 6.800 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh, thành phố, để làm cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2025. Hai địa phương có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là TP. Hà Nội và TP. HCM.
Việc điều tra sẽ tập trung vào tình hình doanh nghiệp điều chỉnh tiền lương khi Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng gần nhất; tác động về chi phí của doanh nghiệp; mức độ tuân thủ của doanh nghiệp.
Mức tiền lương bình quân, tiền lương làm thêm giờ, kết cấu tiền lương, mức lương thấp nhất của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2023, năm 2024.