Vay vốn ngân hàng đầu tư vườn – ao – chuồng, nông dân thu lãi lớn
Trò chuyện cùng PV Dân Việt, anh Nguyễn Trọng Nghĩa ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, 4 năm trước, anh đi làm công nhân, tiền lương không đủ trang trải cuộc sống. Anh Nghĩa bàn với vợ rời đồng bằng lên huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam lập nghiệp.
Nghĩ là làm, gia đình anh Nghĩa mạnh dạn vay ngân hàng Agribank 1 tỷ đồng thuê đất và lập 2 trại nuôi gà. Đến nay, trang trại gà của anh Nghĩa có gần 20 nghìn con, mỗi năm bán 4 lứa, trừ chi phí, lãi hơn 600 triệu đồng.
“Trước đó cuộc sống khó khăn, bếp bênh nhưng nhờ ngân hàng Agribank tạo điều kiện cho vay vốn phát triển kinh tế, làm ăn cũng có lãi nên cuộc sống khấm khá hơn”, anh Nghĩa chia sẻ.
Sở hữu cơ ngơi hàng chục tỷ đồng, ít ai biết rằng cách đây 15 năm vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng (ở thôn Trầm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa) chỉ khởi nghiệp với số vốn ban đầu 30 triệu đồng vay từ Agribank.
“Khoe” với chúng tôi, chị Hằng cho biết vợ chồng chị cũng giống như bao cặp vợ chồng trẻ khác, sau khi lập gia đình đều phải lo phát triển kinh tế riêng để chăm sóc con cái. Năm 2008, vợ chồng chị chỉ mua đi bán lại hàng nông sản. Công việc thuận lợi, kinh tế dần ổn định, có lãi nên vợ chồng chị bắt đầu xây dựng cơ sở chế biến cà phê.
Sau 5 năm, đến nay cơ sở sản xuất và kinh doanh cà phê của chị Hằng có diện tích hơn 2.000m2, hàng năm thu mua hơn 3.000 tấn cà phê quả tươi của bà con nông dân, xuất bán ra thị trường khoảng 20 tấn sản phẩm gồm cà phê bột và cà phê hạt rang mang thương hiệu Cà phê Khe Sanh. Sản phẩm cà phê của cơ sở chị Hằng đã được xếp hạng OCOP 4 sao năm 2021.
“Gia đình tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Agribank. Thực sự Agribank là “phao cứu sinh” cho vợ chồng tôi, không chỉ thời điểm khởi nghiệp mà còn trong cả giai đoạn dịch Covid-19. Hiện nay, cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê của tôi có doanh thu khoảng 25 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 2 tỷ đồng mỗi năm” – chị Hằng phấn khởi cho hay.
Cũng có tới hơn 20 năm gắn bó với nguồn vốn từ ngân hàng của nhà nông – Agribank, từ hai bàn tay trắng, cùng với bao tâm sức cải tạo đất đai, mày mò học hỏi, đến nay, người lính Nguyễn Văn Thành trở thành ông chủ trang trại Thành Thoa ở thôn Ngọc Thu, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum. Trang trại của người lính Cụ Hồ này rộng 10ha trồng cà phê, hồ tiêu và trang trại 120 heo nái. Liên tiếp mấy năm nay, lợi nhuận thu được đạt từ 1,8 – 2,2 tỷ đồng/năm.
Nhớ lại, ông Thành cho biết, khi rời quân ngũ năm 1998, nếu không có 15 triệu đồng vốn vay của Agribank Kon Tum hỗ trợ thì chắc chắn ông Thành rất khó có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Từ khoản vay 15 triệu đồng, tăng dần theo các chu kỳ và cao điểm lên tới 12 tỷ đồng, nguồn vốn không chỉ giúp gia đình ông Thành có của ăn của để mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động trong thôn.
Ông Nguyễn Văn Thành tâm sự, làm nông nghiệp vất vả đã đành mà rủi ro rất lớn. Lúc được mùa thì mất giá, lúc được giá thì mất mùa, rồi dịch bệnh, thiên tai… nhưng nhờ đồng vốn vay của Agribank, người nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn đủ ăn và làm giàu chân chính. “Agirbank giữ vai trò bà đỡ của người nông dân chúng tôi. Vì ngoài việc được giải ngân kịp thời, khách hàng còn được khoanh nợ, miễn, giảm lãi suất nếu không may gặp rủi ro như dịch bệnh, thiên tai khi vay”, ông Thành nói. Với những thành tích đạt được, ông Nguyễn Văn Thành đã vinh dự nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.
Agribank sẻ chia…
Gắn bó với tam nông như một định mệnh, Agribank là nhà băng duy nhất luôn dành tới 70% tỷ trọng dư nợ cho khu vực này và luôn dành tất cả tâm huyết cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đóng góp một phần không nhỏ cho những đổi thay rõ nét của từng miền quê. Thủy chung với tam nông, Agribank đã dành những sản phẩm dịch vụ và chính sách ưu đãi riêng cho khách hàng khu vực này.
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết, hiện nay tổng nguồn vốn của Agribank đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn chiếm khoảng 30% tổng nguồn vốn đầu tư tín dụng trong lĩnh vực này của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.
Ngoài các dự án lớn mà Agribank phối hợp với Bộ NN&PTNT (liên quan đến hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, cho vay theo chuỗi giá trị…) có giá trị đầu tư trên 2.700 tỷ đồng, Agribank cũng đang triển khai gói tín dụng ưu đãi quy mô 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD (áp dụng đến hết tháng 6/2023) để cho vay đối với các doanh nghiệp lĩnh vực tam nông với lãi suất thấp hơn từ 1-1,5%/năm so với các khoản vay thương mại khác.
Được biết, chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank đã có tới 5 lần giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Đối với tín dụng ngắn hạn, Agribank cũng đang triển nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất, mức thấp nhất chỉ từ 4,5% /năm tùy theo kỳ hạn vay và đối tượng vay vốn.
Trong thời gian qua, Agribank đồng thời triển khai các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN; miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng trả nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch; tích cực triển khai hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của Quốc hội, Chính phủ.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tư lệnh ngành Ngân hàng thừa nhận, là ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Agribank có một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank luôn chiếm thị phần lớn nhất hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (khoảng 14%); chủ lực trong đầu tư phát triển tam nông và triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách và 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Agribank luôn đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước, đồng thời là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô.
Để đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của Agribank trong đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, góp phần giảm nghèo cũng như góp phần tích cực vào quá trình thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Dù đang chờ bấm nút thông qua trong ngày cuối cùng của kỳ họp Quốc hội lần này (cuối tháng 6/2023), song về cơ bản chủ trương tăng vốn cho Agribank nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Kinh tế, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế,… Đây cũng chính là một sự khẳng định về vai trò, vị thế của Agribank đối với sự phát triển của kinh tế xã hội nước nhà, đặc biệt là trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ở đâu có tam nông, ở đó có Agribank!