Ứng dụng CCCD gắn chip vào hoạt động giao dịch của Agribank: Khách hàng “lợi đơn, lợi kép”
“Đến quầy giao dịch của Agribank, khách hàng đưa căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho giao dịch viên. Tiếp theo, nhân viên ngân hàng đọc thông tin từ CCCD của khách hàng trên thiết bị “đọc” được ngân hàng trang bị, từ đó kết nối với C06 của Bộ Công an để xác định các thông tin trên CCCD với căn cước gốc được lưu dữ tại Bộ Công an”.
Nếu sử dụng thiết bị đọc và xác thực thông tin CCCD và các phần mềm hỗ trợ liên quan theo quy trình kể trên, khách hàng chỉ mất từ 4-5 phút để hoàn tất giao dịch một giao dịch bất kỳ tại quầy giao dịch của ngân hàng, trong khi đó với phương thức giao dịch truyền thống, thời gian thực hiện trung bình khoảng 20-25 phút. Hơn nữa, các khách hàng đã đăng ký thông tin sinh trắc học, lần sau có thể giao dịch tại quầy hoặc tại Agribank Digital/CDM… mà không cần dùng thẻ vật lý hay bất kỳ loại giấy tờ nào.
Đây là ưu điểm khi ứng dụng CCCD gắn chip trong giao dịch với ngân hàng được Agribank giới thiệu tại sự kiện “Ngày chuyển đổi ngành Ngân hàng năm 2023” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào ngày 18/5. Điều này cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho các dịch vụ ngân hàng của Agribank.
Nói thêm về tính “ưu việt” của ứng dụng đang triển khai thí điểm này, ông Tô Đình Tơn – Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: Bên cạnh mô hình Ngân hàng số (Agribank Digital) đang triển khai, hiện nay, Agribank đang thử nghiệm và sẽ triển khai theo lộ trình ứng dụng CCCD gắn chip vào hoạt động giao dịch. Với hình thức này, khách hàng đến Agribank giao dịch chỉ cần chọn dịch vụ và ký duy nhất 1 chữ ký mà không cần viết hay điền bất kỳ thông tin gì bằng tay. Việc mở tài khoản, phát hành thẻ, đăng ký dịch vụ Agribank E-Mobile banking, cho đến vay vốn hay nộp tiền vào tài khoản… đều được thực hiện rất nhanh chóng, an toàn với độ chính xác cao do thông tin khách hàng được hệ thống “đọc” qua chip và được xác thực trực tiếp với cơ sở dữ liệu công dân của Bộ Công an.
“Công nghệ xác thực khách hàng bằng CCCD gắn chíp mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng và ngân hàng như: cắt giảm thủ tục và thao tác thủ công, rút ngắn thời gian giao dịch, nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng. Với các thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay) thu thập được sẽ giúp Agribank nhận diện và phân loại khách hàng để phục vụ được tốt hơn, hiệu quả hơn”, Phó Tổng Giám đốc Agribank nhấn mạnh.
Tham gia trải nghiệm, chị Lê Thanh (Hà Nội) bày tỏ “bất ngờ” với tốc độ xử lý thông tin và thời gian thực hiện giao dịch với ứng dụng này của Agribank. “Thời gian giao dịch rút ngắn còn khoảng 20% so với phương thức truyền thống trước đây. Hơn nữa, dữ liệu được đối chiếu với nguồn thông tin từ Bộ Công an, khách hàng như chúng tôi không còn phải lo lắng việc người khác dùng chứng minh thư giả mạo danh mình để mở tài khoản, thực hiện các giao dịch lừa đảo,…”, chị Thanh nói.
Việc đưa ứng dụng CCCD gắn chip trong hoạt động ngân hàng khẳng định sự quyết tâm của Agribank trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tầm nhìn đến năm 2030, Agribank trở thành ngân hàng hiện đại, hàng đầu về chuyển đổi số và bán lẻ tại Việt Nam
Là Ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước với gần 2.300 điểm giao dịch trên toàn quốc kể cả biên giới hải đảo, với hơn 20 triệu khách hàng sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán, hơn 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ điện tử và 4 triệu khách hàng vay vốn. Với nguồn vốn hiện đạt 1,86 triệu tỷ đồng, trong đó 1,42 triệu tỷ đồng cho vay Nông nghiệp nông thôn. Để góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen đặc biệt trên địa bàn Nông nghiệp, Nông thôn, đưa ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ngân hàng đến mọi miền Tổ quốc. Ban lãnh đạo Agribank luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghệ, của chuyển đổi số.
Theo đó, nhà băng này đã xây dựng chiến lược thực hiện từ rất sớm nhằm thực hiện tốt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động ngân hàng để phục vụ và gia tăng sự hài lòng của khách hàng.
Trong những năm qua, Agribank đã không ngừng ưu tiên đầu tư cho công nghệ, chuyển đổi số với tầm nhìn đến năm 2030 để Agribank trở thành ngân hàng hiện đại, hàng đầu về chuyển đổi số và bán lẻ tại Việt Nam, ổn định và phát triển bền vững, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình kinh doanh mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Trụ sở chính, hoạt động kinh doanh của các chi nhánh; nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên cơ sở hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ ngân hàng số đột phá, liền mạch và bảo mật. Đặc biệt, trong năm 2022, Hội đồng Thành viên Agribank đã ban hành Đề án chiến lược phát triển công nghệ thông tin và Kế hoạch Chuyển đổi số tại Agribank là cơ sở để Agribank tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chuyển đổi số.
Thời gian qua, Agribank đã triển khai Dự án Agribank Digital. Đây là Dự án đầu tư trang bị giải pháp phần mềm và thiết bị phần cứng nhằm ứng dụng ngân hàng số phục vụ khách hàng tự động của Agribank; Là mô hình giao dịch 24/7, giúp Agribank định danh, nhận diện khách hàng bằng công nghệ sinh trắc học (bao gồm cả khuôn mặt và vân tay) và thực hiện trực tuyến (Online) các dịch vụ ngân hàng số, như: Đăng ký thông tin khách hàng (CIF), đăng ký mở tài khoản trực tuyến, đăng ký phát hành thẻ trực tuyến, đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử (Agribank E-Mobile Banking) trực tuyến, dịch vụ đăng ký nhu cầu vay vốn mà không cần phải đến quầy giao dịch.
Bên cạnh đó, giải pháp được tích hợp với Hệ thống thẻ hỗ trợ nhận diện và cho phép khách hàng giao dịch tại ATM/CDM (bao gồm: Vấn tin, chuyển khoản, rút tiền, gửi tiền, mở sổ tiết kiệm, v.v…) bằng khuôn mặt và vân tay mà không phải sử dụng thẻ vật lý.
Cùng với các nền tảng công nghệ ngân hàng số hiện đại, việc kết hợp với ứng dụng CCCD gắn chip và các thông tin sinh trắc học của khách hàng (Ảnh khuôn mặt, vân tay) sẽ góp phần giúp hoạt động ngân hàng trở nên an toàn, nhanh chóng và thuận tiện hơn. Đây là cơ sở tiền đề để phát triển nhiều tiện ích và giá trị gia tăng cho khách hàng, ngân hàng. Hiện nay, Agribank đã nghiên cứu thành công và chuẩn bị triển khai ứng dụng CCCD gắn chip vào chuyển đổi số trong giao dịch tại quầy.
Với hơn 20 triệu khách hàng sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán, hơn 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ điện tử và 4 triệu khách hàng vay vốn, Agribank luôn tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình kinh doanh mới, nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên cơ sở hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ ngân hàng số đột phá.
Những nỗ lực của Agribank đã được đánh giá cao. Tại sự kiện “Ngày chuyển đổi ngành Ngân hàng năm 2023”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trao tặng bằng khen cho Agribank vì đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Trong thời gian tới, Agribank cho biết sẽ tiếp tục triển khai, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và gia tăng sự hài lòng của khách hàng.