Lãi sau thuế 9 tháng của Benthanh Group tăng 45% dù quý 3 chưa bằng nửa cùng kỳ
Tổng Công ty Bến Thành – TNHH MTV (Benthanh Group, BTG) – một “ông lớn” trong ngành thương mại – dịch vụ TPHCM công bố kết quả kinh doanh công ty mẹ quý 3/2023 không mấy khả quan khi mức lợi nhuận ròng chưa đến một nửa cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm của BTG. Đvt: Tỷ đồng
|
Cụ thể, doanh thu thuần của BTG trong quý 3 đạt gần 51 tỷ đồng, gấp 2.3 lần so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi chi phí, Công ty lãi gộp gần 11 tỷ đồng, tăng 33%.
Tuy nhiên, sự sụt giảm đã xuất hiện ở hoạt động tài chính khi doanh thu giảm tới 56%, còn hơn 24 tỷ đồng. Với việc doanh thu tài chính giảm mạnh, BTG chỉ lãi sau thuế công ty mẹ 24 tỷ đồng, giảm 55%, bất chấp chi phí bán hàng và quản lý giảm lần lượt 14% và 27%.
Dù vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm, BTG lãi sau thuế công ty mẹ hơn 142 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Kết quả này có được phần lớn là nhờ khoản doanh thu tài chính hơn 135 tỷ đồng, tăng 36%, chủ yếu là các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia bởi các công ty con từ kết quả kinh doanh năm trước.
Các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia bởi các công ty con của BTG trong 9 tháng đầu năm
Nguồn: BTG
|
Về “ông lớn” này, BTG được thành lập vào năm 1997. Sau nhiều lần tái cơ cấu, Công ty hiện đang tập trung đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại và những ngành nghề khác có liên quan như dịch vụ bất động sản…
BTG sở hữu lượng lớn công ty thành viên trải dài ở các ngành nghề kinh doanh kể trên.
Đối với lĩnh vực dịch vụ thương mại, BTG có mạng lưới kinh doanh đa dạng về hình thức và sản phẩm, từ hệ thống đại lý phân phối xe ô tô, xe máy, đến chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống bán lẻ các sản phẩm may mặc, đồ dùng, dụng cụ, thiết bị gia đình tại các chợ truyền thống, hệ thống các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, hệ thống các cửa hàng kinh doanh trang sức quý, xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản, dịch vụ in ấn, … Những cái tên tiêu biểu có thể kể đến là CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (HOSE: SVC) – nhà phân phối ô tô số 1 tại Việt Nam với 10% thị phần; CTCP Thương mại Dịch vụ Bến Thành (HOSE: BTT) – công ty quản lý chợ Bến Thành; Sài Gòn Ford,…
Đối với lĩnh vực dịch vụ du lịch, BTG sở hữu hệ thống lưu trú, nghỉ dưỡng trải dài từ Bắc Trung Bộ vào Nam gồm 25 khách sạn và resort với 2,337 phòng, được quản lý bởi các tập đoàn lớn trên thế giới như Accor, Marriott, Norfolk Group, Centara.
Đối với mảng dịch vụ bất động sản, hiện đang kinh doanh 76,460 m2 văn phòng; 298 căn hộ dịch vụ hạng A với tổng diện tích 28,995 m2 thông qua việc hợp tác với các thương hiệu quản lý như Accor, Ascott, Marriott, Norfolk Group; 120, 994 m2 sàn thương mại; 273,402 m2 hạ tầng khu công nghiệp.
Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ bất động sản tiêu biểu có thể kể đến như Somerset Chancellor Court Ho Chi Minh City, Norfolk Mansion, toà nhà văn phòng HanNam, trung tâm thương mại Savico Megamall Hà Nội, Lam Sơn Square Vũng Tàu, Khu Công nghiệp Bình Chiểu, toà nhà văn phòng 27 Nguyễn Trung Trực, quận 1,…
Đối với lĩnh vực cuối cùng là sản xuất công nghiệp, BTG đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm ốc vít, ren, trục và liên doanh với tập đoàn sản xuất nhôm định hình lớn nhất thế giới Sapa AB (Nauy) để sản xuất nhôm định hình cao cấp với 2 thương hiệu là Lidovit và Sapa BTG.
Hà Lễ