UBND tỉnh Thanh Hoá vừa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11 năm 2024, theo thông tin tại kỳ họp trên, ước cả năm 2024, tỉnh này có 23/25 chỉ tiêu chủ yếu được Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá quyết nghị hoàn thành và vượt kế hoạch.
Theo số liệu đánh giá sơ bộ lần 1 của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 của tỉnh Thanh Hoá ước đạt 11,72%, vượt kế hoạch đề ra là 11%, đứng thứ 3 cả nướcn, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,31%; công nghiệp – xây dựng tăng 16,84% (công nghiệp 20,09%; xây dựng 8,85%); dịch vụ tăng 8,51%; thuế sản phẩm tăng 5,07%. Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2024 ước đạt 318.752 tỷ đồng, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 của tỉnh Thanh Hoá ước tăng 19,25%; các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ, như: quần áo may sẵn tăng 19,1%; giày thể thao tăng 27%; xăng các loại tăng 31,5%; xi măng tăng 7,6%; sắt thép các loại tăng 16,9%; điện sản xuất tăng 18,8%; thức ăn cho gia súc tăng 8,2%…
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Thanh Hoá tăng mạnh so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu ước của tỉnh này đạt 6.293 triệu USD, bằng 104,9% kế hoạch, tăng 23,4%, giá trị nhập khẩu ước đạt 10.042 triệu USD, tăng 20,3%.
Tổng lượng khách du lịch năm 2024 của Thanh Hoá ước đạt 15,3 triệu lượt khách, vượt 10,9% kế hoạch, tăng 22,5% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 719.000 lượt, tăng 16,7%. Tổng thu du lịch của tỉnh này ước đạt 33.815 tỷ đồng, vượt 4,4% kế hoạch, tăng 38% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước Thanh Hoá ước đạt 54.341 tỷ đồng, vượt 52,8% dự toán, tăng 25,9% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá thành lập mới 3.107 doanh nghiệp, bằng 103,6% kế hoạch, tăng 5,7% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 8 cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công luôn trong nhóm đầu cả nước; giải phóng mặt bằng vượt kế hoạch, cao hơn 1,2 lần so với cùng kỳ; bàn giao mặt bằng sớm, góp phần hoàn thành dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh Hoá vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh này có sản lượng thấp so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ như: ô tô tải, dầu và mỡ bôi trơn, bia… Số lượt khách du lịch tuy tăng mạnh, song tỷ trọng khách lưu trú thấp.
Thanh Hoá chưa thu hút được nhiều dự án công nghệ cao, tiến độ của một số dự án đầu tư lớn, trọng điểm của tỉnh, các dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 của một số địa phương tại Thanh Hoá chưa sâu sát, quyết liệt, một số đơn vị tư vấn, nhà thầu, ban quản lý dự án có năng lực kém…
Thanh Hóa đặt mục tiêu năm 2025, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 11% trở lên, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3% trở lên; công nghiệp – xây dựng tăng 15% trở lên, dịch vụ tăng 8% trở lên; thuế sản phẩm tăng 10% trở lên. GRDP bình quân đầu người đạt 3.750 USD trở lên. Thu ngân sách nhà nước đạt 45.492 tỷ đồng trở lên…