Khảo sát tại tuyến phố cổ như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Khoai, Hàng Bông thuộc quận Hoàn Kiếm; các phố: Kim Mã, Nguyễn Thái Học thuộc quận Ba Đình hay các phố: Tôn Đức Thắng, Tây Sơn thuộc quận Đống Đa, nếu như trước nơi đây luôn sầm uất với nhiều loại hình kinh doanh như: thời trang, phụ kiện, ăn uống, khách sạn,… thì nay treo hàng loạt biển “cho thuê mặt bằng”.
Chị N., chủ quán món ăn Trung Quốc nằm gần vị trí giao giữa các con phố Hàng Mã, Hàng Khoai, Hàng Lược, cho hay: “Chỉ riêng giá thuê mặt bằng của quán đã 35 triệu đồng/tháng chưa kể chi phí khác như: nhân công cộng, điện nước… Quán vắng khách, ế ấm, phải bù lỗ liên tục, rất có thể tôi phải trả lại mặt bằng kinh doanh”.
Được biết, để giảm bớt khoản chi phí thuê mặt bằng, nhiều chủ cửa hàng xung quanh phố đó đã phải đóng cửa, hay sang nhượng lại để chuyển vào các con ngõ nhỏ kinh doanh hoặc chuyển sang hình thức kinh doanh online.

Ghi nhận ý kiến từ môi giới bất động sản cho thấy việc nhiều mặt bằng trên các tuyến phố trung tâm và phố cổ Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm là do nhiều nguyên nhân, nhưng lý do chính là giá thuê quá cao.
Chị Nguyễn Lan Hương, chủ cửa hàng kinh doanh trà, cà phê phố Cửa Bắc, quận Ba Đình, chia sẻ: Chị phải chi trả 15 triệu đồng/tháng cho cửa hàng có diện tích chưa đầy 18m2, chưa kể các khoản chi khác. Theo tính toán của chị Hương, cộng các khoản tiền như: Tiền thuê cửa hàng, tiền đầu tư cửa hàng, tiền nhân công, điện nước,… giá thành mỗi sản phẩm chị bán ra khoảng 50.000 đồng. Giá này không thể cạnh tranh nối với các sản phẩm tương tự bán trên online – chỉ khoảng 35.000 đồng/sản phẩm. Đây là lý do để chị Hương tính toán sẽ trả thuê mặt bằng để kinh doanh online.

Anh Minh, một môi giới bất động sản, cho biết giá cho thuê mặt bằng tại các tuyến phố trung tâm tăng khoảng 20% so với năm trước. Đơn cử tại phố Hàng Bông, cửa hàng có diện tích khoảng 40m2, giá cho thuê trung bình 30-50 triệu đồng/tháng. Mặt tiền nhỏ, diện tích từ 15 đến 22m2 ở phố Cửa Nam, giá cho thuê dao động 15-30 triệu đồng/tháng.
Còn giá thuê mặt bằng kinh doanh tại Quận Đống Đa phổ biến từ 5-10 triệu đồng/tháng cho diện tích từ 10-30m², 10-40 triệu đồng/tháng cho mặt bằng rộng từ 30m² trở lên tùy vị trí, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hầu hết những cửa hàng này đều phải rao thuê, tìm khách nhiều tháng nay và hiện vẫn đóng cửa.

Nói về nguyên nhân khiến nhà phố đang và sẽ gặp khó trong việc cho thuê, đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng giá thuê nhà quá cao, trong khi đó việc làm ăn kinh doanh khó khăn khiến nhiều người không dám chi trả một khoản tiền lớn vào chi phí mặt bằng. Muốn cải thiện tình trạng này, chủ nhà cần tham khảo mặt bằng chung để đưa giá thuê nhà về đúng giá trị thật.
Bên cạnh đó, việc phát triển của thương mại điện tử cũng khiến hoạt động mua sắm diễn ra đa dạng, linh hoạt hơn. Kể từ đại dịch Covid-19 đến nay, người dân đã dần hình thành thói quen và có xu hướng mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử nhiều hơn, vừa có giá ưu đãi hợp lý vừa tiện lợi nhanh chóng, ít mất thời gian đi lại. Sự chuyển dịch này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các cửa hàng bán lẻ, đặc biệt là tại các khu trung tâm, nơi có mật độ giao dịch cao.

Khi không thể thu hút đủ khách hàng đến cửa hàng, các doanh nghiệp bắt đầu phải cân nhắc đến việc trả lại mặt bằng thuê, đóng cửa hoặc chuyển sang mô hình kinh doanh online để tiết kiệm chi phí và đảm bảo hoạt động lâu dài.
Theo phân tích của chuyên gia Savills Hà Nội, hiện các nhãn hàng ngày càng khắt khe hơn khi tìm kiếm mặt bằng. Thay vì chọn vị trí trung tâm để đặt cửa hàng, các nhãn hàng còn phải tính toán tới nhiều yếu tố khác như: chỗ đỗ xe, có bị cấm đường giờ cao điểm hay không… Do vậy, các mặt bằng tại khu vực đông dân cư, nhiều lối tiếp cận, chỗ đỗ xe thuận tiện, vỉa hè thông thoáng, không bị hạn chế bởi các dự án hạ tầng đang xây dựng hay cấm đường giờ cao điểm… được ưu tiên hơn những khu “đất vàng” tuy sầm uất nhưng chật chội.
Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, trong thời gian tới khi kinh tế chuyển biến tích cực thì thói quen mua sắm của khách hàng cũng sẽ thay đổi. Báo cáo mới đây của nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric cho thấy người Việt chi cho mua hàng online trung bình 1 tỷ USD mỗi tháng. Trong đó, 32% người tiêu dùng mua sắm online vài lần một tuần. Do đó, những nhóm hàng như thời trang, phụ kiện,… vốn chuộng mặt bằng đẹp trước đây, có xu hướng giảm mạnh nhu cầu thuê nhà phố.
Trước vấn đề này, các chuyên gia bất động sản cho rằng giới chủ cho thuê cần thay đổi để thích nghi. Bên cạnh hoàn thiện hạ tầng, điều kiện cho thuê, bên cho thuê cần đưa giá thuê nhà về đúng giá trị thực, thay vì đua nhau tăng giá, gây khó cho người thuê.