Đó là phát biểu của ông Lê Văn Tuấn – Phó Trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank tại Hội thảo “1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp”, do báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức.
Tình hình kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn do tác động của nhiều yếu tố, trong đó một trong những nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn của thị trường bất động sản.
Nhằm khuyến khích phát triển phân khúc bất động sản phục vụ cho nhu cầu ở thực của bộ phận cá nhân, hộ gia định có mức thu nhập trung bình, thu nhập thấp, trong tháng 3/2023, Chính phủ đã có Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đồng thời phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Đây cũng là quyết tâm của Chính phủ nhằm tháo gỡ cho thị trường bất động sản và hướng tới phát triển thị trường bất động sản lành mạnh.
Ngân hàng Nhà nước triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5 – 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank).
Ông Lê Văn Tuấn – Phó Trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Agribank đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó giảm lãi suất tối đa 3%/năm đối với các khoản vay kinh doanh bất động sản còn dư nợ đến thời điểm 31/01/2023.
Và ngay khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai Nghị quyết 33/NQ-CP, Agribank đã cùng các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tích cực tham gia xây dựng chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho phân khúc bất động sản nhà ở xã hội. Theo đó, Agribank dành 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất hỗ trợ 2% để cho vay đối tượng khách hàng là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố.
Từ khi triển khai chương trình đến nay, Agribank đã phê duyệt 01 Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc chi nhánh Quảng Ninh với hạn mức cấp tín dụng là 950 tỷ đồng (trong đó hạn mức cho vay là 750 tỷ đồng). Tuy nhiên, hiện tại tỉnh Quảng Ninh chưa công bố danh mục nhà ở xã hội, do đó khách hàng đang chờ quyết định của tỉnh để đủ điều kiện tham gia vào chương trình 120.000 tỷ đồng theo NQ 33 của Chính phủ.
Ngoài ra, Agribank đang tiếp cận một số dự án nhà ở xã hội như: Khu nhà ở xã hội phường Long Trường, TP Thủ Đức (do Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư); Khu nhà ở xã hội tại khu CC-09 thuộc Khu Đô thị Long Vân, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn (do Công ty IEC làm chủ đầu tư); Dự án NƠXH tại Hà Nam của Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD); Dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (do Công ty CP Đầu tư nhà An Bình làm chủ đầu tư),…
Cũng theo Phó Trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank, thời gian qua ngân hàng đã thực hiện tiết giảm chi phí để hỗ trợ cho các chi nhánh. Ngoài chính sách giảm lãi suất về 8,7% đối với doanh nghiệp và 8,2% đối với cá nhân mua nhà ở xã hội, với nội bộ trụ sở chính Agribank cũng tiết giảm chi phí để giảm tiếp 2% lãi suất cho các chi nhánh. Mục tiêu là để khuyến khích các chi nhánh tiếp cận các dự án. Khi các địa phương triển khai đồng bộ các dự án, trường hợp nhu cầu vay vốn vượt quá 30.000 tỷ đồng, Agribank dự kiến bổ sung và báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
“Trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhưng khó khăn đến mức nào, chúng tôi cũng quyết tâm thực hiện. Khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó, Agribank sẽ luôn đồng hành cùng với người dân, thành phần còn yếu thế trong xã hội tiếp cận được với nguồn vốn này”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ghi nhận nỗ lực rất lớn của ngân hàng thương mại như Agribank đã hy sinh lãi suất giảm 1,5 – 2% lãi suất cho vay, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng là tín dụng thương mại có ưu đãi, không phải tín dụng kinh tế nhân văn. Do đó, theo ông Lực cần phải tạo lập nguồn vốn ổn định để phát triển nhà ở xã hội, tránh việc áp dụng theo các gói, chương trình lẻ tẻ như hiện nay. Quỹ phát triển nhà ở xã hội như mô hình của Singapore, Hàn Quốc là một gợi ý hay. Nguồn vốn cho quỹ này có thể đến từ vốn mồi ngân sách; nguồn thu từ quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội; vốn góp từ các doanh nghiệp, tổ chức tài chính; phát hành trái phiếu Chính phủ, chính quyền địa phương; nguồn vốn quốc tế (ODA, vay ưu đãi, trợ cấp, tổ chức quốc tế khác…).
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì cho rằng: “Cần có cơ chế thiết thực hơn theo hướng ngân hàng thương mại vẫn cho vay theo lãi suất thương mại nhưng nhà nước đứng ra cấp bù lãi suất, điều này mới thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia”.