Chiều 27.11, Diễn đàn Mua bán Sáp nhập doanh nghiệp (M&A Việt Nam) 2024 với chủ đề “Nhộn nhịp thương vụ” do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra tại TP.HCM. Báo cáo M&A Việt Nam 2024 do KPMG Việt Nam công bố cho thấy đến tháng 9, quy mô thị trường M&A Việt Nam đạt 3,2 tỉ USD với 220 thương vụ. So với 9 tháng năm 2023, giá trị giao dịch M&A đã tăng 45,9% dù khối lượng giao dịch giảm 11,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thị trường M&A Việt Nam năm 2024 hiện thua xa đỉnh cao với 10,8 tỉ USD của năm 2021.
Trong số các thương vụ M&A thành công từ đầu năm đến nay thì 88% giá trị giao dịch đến từ ngành bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp. Một điểm nổi bật là sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt Nam. Trong 5 quốc gia có giá trị giao dịch lớn nhất, Việt Nam chiếm tới 1,707 tỉ USD, vượt xa Singapore (611 triệu USD), Mỹ (256 triệu USD), Hàn Quốc (93 triệu USD) và Trung Quốc (75 triệu USD). Các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò chính trong thị trường M&A Việt Nam, khi chiếm 53% tổng giá trị giao dịch được công bố, gần gấp đôi tổng giá trị đóng góp của 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cộng lại.
Một số thương vụ mua bán sáp nhập điển hình như nhóm 4 công ty Việt Nam chi 982 triệu USD mua lại 55% cổ phần Công ty Phát triển Đầu tư và Thương mại SDI; Becamex IDC chuyển nhượng dự án trị giá 553 triệu USD tại Bình Dương cho Sycamore Limited; Masan Group mua lại cổ phần trị giá 200 triệu USD tại VinCommerce từ SK South-East Asia Investment…
Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, việc thị trường M&A suy giảm hiện nay chủ yếu do xu hướng toàn cầu. Giá trị giao dịch M&A của Châu Á trong 9 tháng giảm đến 50%, trong đó thị trường Trung Quốc giảm đến 41% và Úc giảm 7%… Đối với khu vực Đông Nam Á, thị trường M&A giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số nước bị giảm mạnh như Thái Lan giảm đến 67,7%, Philippines giảm 18,6%… Thị trường Việt Nam tăng gần 46% do cùng kỳ năm trước chỉ đạt giá trị rất thấp. Nhìn chung, xu hướng M&A trên toàn cầu trong năm nay diễn ra giữa các nhà đầu tư trong nước nhiều hơn. Khi tiền đắt, lãi vay cao, thì nhà đầu tư không muốn mang tiền đi đầu tư ở nước ngoài. Trong 2025, dự báo sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn, với các giao dịch tạm hoãn trước đây có khả năng trở lại. Nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ – vốn từng dẫn đầu hoạt động M&A tại Việt Nam – dự kiến sẽ quay trở lại từ năm 2025…