Theo đó, ông La Anh Tuấn, lãnh đạo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia và ông Đỗ Sơn Giang, Phó Tổng giám đốc FPT IS, Tập đoàn FPT – Nhà đầu tư đã đại diện nhận giải thưởng. Lễ trao giải nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Công nghệ Số Digital Trust Forum (ASOCIO Digital Summit). Sự kiện quy mô lớn diễn ra trong ba ngày từ 06-08 tháng 11, với hơn 600 đại biểu tham dự, trong đó có 400 đại biểu từ Nhật Bản và 200 từ quốc tế.
Tại Việt Nam, đấu thầu qua mạng chính thức được triển khai từ năm 2009, tuy nhiên đổi mới là yêu cầu cấp bách, việc nâng cấp hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới trở thành ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao năng suất và tính cạnh tranh trong tình hình Việt Nam ngày càng tham gia sâu, rộng vào thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trên thực tế, thế mạnh của Cục Quản lý đấu thầu là việc giám sát hoạt động đấu thầu, tham mưu các chính sách để áp dụng cho công tác đấu thầu trên cả nước nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực về công nghệ thông tin để thực hiện việc chuyển đổi số. Do đó, từ năm 2019, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để ký hợp đồng xây dựng và vận hành hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới, trong đó FPT IS – công ty thành viên thuộc Tập đoàn FPT là nhà đầu tư của dự án.
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia e-GP được xây dựng trong khuôn khổ Dự án “Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ” vận hành chính thức từ ngày 16/9/2022. Hệ thống e-GP đáp ứng toàn bộ yêu cầu quản lý thống nhất thông tin đấu thầu, chạy được trên đa trình duyệt và đáp ứng mục tiêu quản lý thống nhất thông tin cũng như thực hiện đấu thầu qua mạng trên cơ sở bảo đảm an toàn, cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Sau hơn hai năm, hệ thống đã cho thấy hiệu quả thông qua kết quả rõ nét.
Cụ thể, việc đưa vào áp dụng hệ thống đấu thầu từ ngày 16/9/2022 đã làm số lượng, giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng tăng đột biến về cả lượng và chất. Số gói đấu thầu chào hàng cạnh tranh trong nước (không tính gói thầu EPC) thực hiện qua mạng chiếm tới 99,99% tổng số gói thầu (tương ứng 136.547 gói) và tổng giá trị số gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng đạt 851.347 tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị các gói thầu.
Ông La Anh Tuấn, lãnh đạo đại diện Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia chia sẻ mục tiêu của hệ thống e-GP mới là đem lại lợi ích các đối tượng tham gia quá trình mua sắm công. Việc triển khai hệ thống mới giúp nâng cấp và tối ưu hoạt động đấu thầu qua mạng, giúp tăng tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu và hạn chế sự thông đồng trong đấu thầu, từ đó tạo lập một “sân chơi” bình đẳng, minh bạch giúp mang lại hiệu quả kinh tế, bảo đảm được quy luật cạnh tranh trong mua sắm theo cơ chế thị trường.
Hệ thống đấu thầu qua mạng mới có nhiều tính năng nổi trội như sử dụng chứng thư số công cộng thay cho chứng thư số chuyên dùng; thông tin về tổ chức, đơn vị đăng ký tham gia cũng như thông tin hồ sơ năng lực của nhà thầu/ nhà đầu tư được cập nhật kịp thời, xác minh trên cơ sở kết nối và liên thông với hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các hệ thống liên quan khác; mở rộng phạm vi hỗ trợ trong đấu thầu qua mạng đối với gói thầu nhiều phần/ lô lĩnh vực hàng hóa, sơ tuyển, đấu thầu hạn chế, chào lại giá… Toàn bộ quy trình đấu thầu qua mạng đều tối ưu và đơn giản hóa, từ bước lập, đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, chuẩn bị và nộp hồ sơ đến khi mở thầu, đánh giá và công bố kết quả.
Theo đó, các nhà thầu có cơ hội tiếp cận thông tin minh bạch, quy trình đơn giản, tiết kiệm chi phí khi tham gia đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; các thông tin liên quan đến hồ sơ năng lực kinh nghiệm như thông tin doanh nghiệp, năng lực tài chính, hợp đồng đã thực hiện… có thể được khai sẵn và lựa chọn sử dụng cho tất cả gói thầu.
Đặc biệt, Hệ thống e-GP cũng rất quan tâm tới việc tối ưu trải nghiệm với hàng loạt các tính năng, tiện ích được triển khai, điển hình là tìm kiếm nâng cao sử dụng công nghệ tìm kiếm thông minh (smart search). Đây được xem là bước ngoặt mở ra “cửa ngõ” thông tin đối với nhà thầu, giúp nhà thầu dễ dàng, nhanh chóng tìm kiếm kết quả mong muốn chính xác nhất.
Đối với chủ đầu tư và bên mời thầu, các thông tin như kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu đều kết nối với nhau. Hệ thống sẽ tự động điền biểu mẫu có các thông tin liên quan, giá dự thầu được tự động tính toán, cập nhật từ bảng chào giá chi tiết, góp phần hạn chế sai lệch, hiệu chỉnh lỗi số học đối với gói thầu điện tử.
Bên cạnh đó, chức năng giám sát hoạt động đấu thầu cùng các thông tin được công khai trên Cổng thông tin là công cụ hữu hiệu giúp cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí và xã hội thực hiện tốt nhất hoạt động giám sát quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng cho người dùng, Cục Quản lý đấu thầu thường xuyên phối hợp với nhà đầu tư FPT và đơn vị vận hành tiếp tục xây dựng và dự kiến sẽ đưa vào vận hành các tính năng mới như bảo lãnh điện tử, chào giá trực tuyến, phê duyệt E-HSQT, E-HSMST, E-HSMT, kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống, phê duyệt gói thầu không qua mạng, mua sắm trực tuyến và hợp đồng điện tử. Với việc thường xuyên nghiên cứu, cập nhật, bổ sung kịp thời các tính năng mới, Hệ thống e-GP ngày càng mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho các chủ thể liên quan, đưa đấu thầu qua mạng phát triển vượt bậc.
Ông Đỗ Sơn Giang, Phó Tổng giám đốc FPT IS, Tập đoàn FPT, đại diện nhà đầu tư dự án chia sẻ “Hệ thống e-GP mới với sự hợp lực từ Chính phủ và tập đoàn FPT theo mô hình hợp tác công tư tự hào mang lại những thay đổi cho bài toán lớn của quốc gia. Chúng tôi vui mừng vì hệ thống đi vào vận hành thực tiễn ổn định với những kết quả tích cực, đặc biệt đã hiện thực hoá được những nghiệp vụ đấu thầu quan trọng như đấu thầu thuốc, vật tư y tế, gói thầu nhiều phần,… từ đó thành công số hoá hầu hết các quy trình đấu thầu tại Việt Nam. Dự án hợp tác công tư này đồng thời là một minh chứng khẳng định và thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân cùng chung tay với các đơn vị Nhà nước xây dựng các hệ thống tầm cỡ quốc gia”.
Giải thưởng ASOCIO là giải thưởng Công nghệ thông tin thường niên được trao cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc và những đóng góp đặc biệt quan trọng cho sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại 24 nền kinh tế thành viên ASOCIO.