Trước đó, trong chuyến thăm Indonesia của Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 3/2025, hai tập đoàn đã ký bản ghi nhớ về chuyển giao công nghệ và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp toàn diện tại nước này. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ thành lập trung tâm R&D, triển khai mô hình vùng nguyên liệu mía kiểu mẫu 2.000ha với công nghệ canh tác hiện đại và từng bước xây dựng vùng nguyên liệu 20.000ha dừa hữu cơ, mục tiêu đạt 300 triệu lít/kg sản phẩm từ dừa tại Indonesia.
Chủ tịch TTC AgriS, bà Đặng Huỳnh Ức My, khẳng định: “Đây là bước tiến nâng tầm nông nghiệp bền vững Việt Nam – Indonesia, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 18 tỷ USD vào năm 2028”.
NÔNG NGHIỆP INDONESIA NHIỀU TIỀM NĂNG
Indonesia là nền kinh tế lớn nhất ASEAN (chiếm 35% GDP khu vực), có nền nông nghiệp giàu triển vọng với 57 triệu ha diện tích đất, chiếm 32% diện tích quốc gia – đứng đầu về quy mô và khả năng phát triển vùng nguyên liệu.
Theo khảo sát năm 2023 (CA2023), 68,1% nông dân đang canh tác ở quy mô hộ nhỏ và mới chỉ cơ giới hóa 30% khâu thu hoạch lúa, cho thấy dư địa lớn để ứng dụng công nghệ và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Báo cáo của BPS năm 2021 cũng chỉ ra gần 90% đất nông nghiệp có thể cải thiện tính bền vững, nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng đất.
Indonesia đang nhập khẩu lương thực khá nhiều để đáp ứng cho hơn 270 triệu dân. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ là chìa khóa nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Quốc gia này đang nỗ lực phát triển các giải pháp cải thiện năng suất một cách bền vững và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
GIẢI PHÁP TỪ NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Theo bà My, Việt Nam tuy có diện tích canh tác thấp hơn nhưng đạt năng suất cao nhờ công nghệ hiện đại và quản lý đất hiệu quả. Do đó, công nghệ và kinh nghiệm xây dựng vùng nguyên liệu, quản lý canh tác và sản xuất là những giải pháp TTC AgriS sẽ chia sẻ cùng Indonesia.

Việt Nam hiện đạt tỷ lệ cơ giới hóa 94% trong khâu làm đất và 50% trong thu hoạch lúa, vượt mức 30% tại Indonesia. Qua hợp tác với Sungai Budi, TTC AgriS sẽ thúc đẩy nông nghiệp Indonesia cơ giới hóa, ứng dụng canh tác chính xác và quản lý chuỗi cung ứng toàn diện – các yếu tố giúp TTC AgriS duy trì tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên đến 22% suốt 5 năm qua.
Cũng trong thỏa thuận hợp tác, TTC AgriS sẽ xây dựng Trung tâm R&D tại Indonesia, kết nối với hệ thống R&D toàn cầu, giúp tối ưu hóa sản xuất và đẩy mạnh chế biến sâu – lĩnh vực còn nhiều dư địa khai thác tại quốc gia vạn đảo.
Mạng lưới xuất khẩu rộng khắp 69 quốc gia cũng là lợi thế giúp TTC AgriS hỗ trợ nông nghiệp Indonesia phát triển thương hiệu nông sản đạt chuẩn quốc tế, mở rộng thị trường trên thế giới.
HỢP TÁC SONG PHƯƠNG THÚC ĐẨY NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG
Sở hữu chuỗi giá trị nông nghiệp toàn diện từ canh tác, sản xuất, đến khai thác, chế biến và phân phối trên nền tảng công nghệ cao, TTC AgriS sẽ triển khai chuỗi giá trị thương mại tuần hoàn AgriS Circular Commercial Value Chain ở Indonesia, đẩy mạnh hợp tác đa chiều trong chuỗi cung ứng để chia sẻ giá trị và thúc đẩy nông nghiệp bền vững.

Với lợi thế của tập đoàn nông nghiệp “trụ cột”, có diện tích vùng nguyên liệu lớn tại Indonesia, Giám đốc Tập đoàn Sungai Budi Oey Alfred khẳng định sự hợp tác đã thể hiện tinh thần đồng hành chiến lược của các doanh nghiệp hàng đầu khu vực, cùng hiện thực hóa tầm nhìn về chuỗi cung ứng nông nghiệp bền vững giữa Việt Nam và Indonesia.
Ông cho rằng bằng cách kết hợp nguồn lực, kinh nghiệm và uy tín thương hiệu, TTC AgriS và Sungai Budi không chỉ tạo ra giá trị vượt bậc cho cả hai tập đoàn mà còn góp phần nâng tầm nông nghiệp hai quốc gia, hướng tới thịnh vượng chung của khu vực.
Bà My nhấn mạnh, “nông nghiệp Indonesia đã vượt ra khỏi câu chuyện riêng họ khi đóng vai trò đóng góp to lớn cho an ninh lương thực ASEAN và thế giới. TTC AgriS tự hào mang đến các giải pháp công nghệ và mô hình phát triển bền vững, hướng tới xây dựng một tương lai nông nghiệp vững mạnh và dinh dưỡng hơn”.
Trong bối cảnh dân số toàn cầu gia tăng và khí hậu diễn biến phức tạp, hợp tác này mở ra cơ chế giao thương linh hoạt, đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời tạo nền tảng cho một hệ thống cung ứng lương thực ổn định và bền vững cho an ninh lương thực khu vực và trên toàn cầu.