Theo đó, các công ty điện lực thành viên EVNSPC tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam đã hoàn tất báo cáo về tình hình cung cấp điện, công tác sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng trên địa bàn của đơn vị và gửi đến các Đoàn ĐBQH địa phương, trong đó tập trung các nội dung như sau:
Rà soát kết quả thực hiện các cam kết với địa phương, với cử tri. Báo cáo kết quả cung ứng điện, đầu tư phát triển lưới điện, kinh doanh và dịch vụ khách hàng năm 2022 và 9 tháng năm 2023 của đơn vị; Báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình điện trên địa bàn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Báo cáo tình hình khai thác trang thông tin https://sudungdien.evn.com.vn theo dõi mức sử dụng điện của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn, kiến nghị các giải pháp phối hợp với địa phương thực hiện các chỉ tiêu tiết kiệm điện (theo Chỉ thị số20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo); Báo cáo các nội dung kiến nghị và kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực hoạt động Điện lực trên địa bàn.
Tính đến ngày 20/10, hầu hết các Công ty Điện lực tại khu vực 21 tỉnh, thành phố phía Nam đều đã tham gia tiếp xúc cử tri và tổ chức làm việc, báo cáo với các Đoàn ĐBQH tỉnh nhà.
Qua các buổi làm việc, báo cáo trực tiếp, nhiều Đoàn ĐBQH tại các tỉnh thành phía Nam đánh giá cao những nỗ lực của ngành Điện trong quá trình xây dựng hệ thống điện, đảm bảo cung cấp điện góp phần phát triển kinh tế – xã hội và đời sống Nhân dân; đồng thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cung ứng điện tại địa phương và có cơ sở để đóng góp ý kiến trong việc hoàn thiện các văn bản, quy định liên quan đến ngành Điện tại kỳ họp Quốc hội sắp tới và khẳng định sẽ chuyển thông tin đến các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn cho Ngành Điện.
Tại các buổi tham gia tiếp xúc cử tri cùng Đoàn ĐBQH tỉnh nhà, ghi nhận 52 ý kiến của cử tri, gồm: Bình Phước (9), Long An (7), Đồng Tháp (6), Bến Tre (3), Kiên Giang (6), Bà Rịa-Vũng Tàu (2), Sóc Trăng (9), Ninh Thuận (3), Bạc Liêu (4) Đồng Nai (3).
Trong đó, hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện, cấp điện khu vực nông thôn, vùng sâu/xa, thu hồi đất làm công trình điện được cử tri quan tâm nhiều nhất (24 ý kiến); Giá điện/kinh doanh lỗ của ngành Điện, thanh tra EVN (11 ý kiến); An toàn điện, bảo hiểm tai nạn điện (6 ý kiến); Nâng cấp cải tạo lưới điện, di dời trụ điện (4 ý kiến);…
Tại các địa phương, lãnh đạo các đơn vị điện lực cũng thường xuyên liên hệ, làm việc với Trưởng/Phó đoàn, Chánh Văn phòng, hoặc đại diện đoàn ĐBQH để tìm hiểu, nắm bắt, giải quyết thỏa đáng và trả lời dứt điểm các kiến nghị của cử tri và ý kiến của Đoàn ĐBQH, kể cả các đại biểu không sinh sống và làm việc tại địa phương.