Dự kiến bão số 1 sẽ đổ bộ vào đất liền từ Quảng Ninh đến Thái Bình vào chiều tối ngày 18/7. Mặc dù đây là cơn bão đầu tiên của năm 2023 nhưng được dự báo là cơn bão mạnh đổ bộ vào đất liền khu vực phía Bắc.
Với tinh thần nghiêm túc triển khai các biện pháp ứng phó cơn bão số 1 (TALIM), Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành các Công điện số 4067, 4068, 4083 chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ tập trung ứng phó với bão số 1 năm 2023 và mưa lũ sau bão. Trong đó, EVN yêu cầu tạm dừng các hoạt động chưa cần thiết; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan đến ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h, tuyệt đối không được chủ quan và cần tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai. Phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí để cung cấp, đăng tải thông tin đầy đủ, chính xác. Chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất. Tăng cường, chủ động phương án thông tin liên lạc, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác kiểm tra, diễn tập, chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó.
Một số nhiệm vụ cụ thể cũng đã được EVN yêu cầu các đơn vị lưu ý thực hiện nghiêm như sau:
– Các Công ty thủy điện trực thuộc, các Tổng công ty Phát điện/ Công ty thuỷ điện: (i) Tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn, chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai &TKCN tỉnh để tuyên truyền, vận hành đảm bảo an toàn, hiệu quả; (ii) Tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; (iii) Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập, vùng hạ du hồ chứa, đặc biệt là các điểm xung yếu; (iv) Bố trí lực lượng để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp.
– Các Công ty/ Nhà máy nhiệt điện trực thuộc, các Tổng công ty Phát điện/ Công ty nhiệt điện tăng cường kiểm tra hệ thống mái che, hệ thống thoát nước mặt, kho nhiên liệu, bãi thải xỉ đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, không làm ảnh hưởng đến môi trường. Lưu ý dự phòng nhiên liệu cho sản xuất điện khi các địa phương thực hiện lệnh cấm biển.
– Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia/ Công ty Truyền tải điện: (i) Tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, đường dây, trạm điện và có phương án xử lý kịp thời; đối với các trạm điện có nguy cơ bị ngập úng cần có phương án trực vận hành và phòng chống phù hợp, đảm bảo vận hành an toàn, liên tục; (ii) Các đơn vị trong vùng bị ảnh hưởng tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ; (iii) Khẩn trương gia cố các điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở của các đợt mưa bão trước; khắc phục những tồn tại khiếm khuyết của lưới điện tại khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng.
– Các Tổng công ty Điện lực: (i) Tiếp tục chỉ đạo củng cố lưới điện, xử lý các tồn tại, gia cố các điểm xung yếu có nguy cơ bị sự cố; đối với các trạm điện có nguy cơ bị ngập úng cần có phương án trực vận hành và phòng chống phù hợp để đảm bảo an toàn, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra; (ii) Khi có ảnh hưởng của thiên tai gây sự cố mất điện cần nhanh chóng tổ chức xử lý, khắc phục, sớm khôi phục điện đảm bảo an toàn cho các khách hàng đặc biệt là các phụ tải quan trọng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn; (iii) Khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, tổ chức cắt tỉa cây xanh, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; (iv) Chỉ đạo các đơn vị thủy điện/ thủy điện nhỏ (nếu có) thực hiện theo đúng yêu cầu chung; (v) Các đơn vị trong vùng bị ảnh hưởng tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ.
– Các Ban Quản lý dự án kiểm tra công trường, theo dõi sát diễn biến của thiên tai, tổ chức ứng phó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị trên công trường.
– Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia/ các Trung tâm điều độ miền theo dõi sát diễn biến của thiên tai. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, nhanh chóng chỉ huy khắc phục khi sự cố xảy ra.
– Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ Thông tin đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ điều hành.
– Đối với đơn vị bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai phải báo cáo cập nhật thông tin, số liệu hàng ngày. Trường hợp xảy ra sự cố, thiệt hại lớn do thiên tai gây ra, đơn vị cần khẩn trương báo cáo nhanh về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn EVN.
EVN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của cơn bão số 1 (TALIM) và cập nhật thường xuyên về tình hình ảnh hưởng tới việc vận hành nguồn và lưới điện cũng như ảnh hưởng đến cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện.