Tại cuộc họp giao ban về dự án đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho dự án.
HOÀN THÀNH LỰA CHỌN NHÀ THẦU CHO 32/36 GÓI THẦU
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy tính đến thời điểm này, công tác chuyển mục đích sử dụng rừng dự án đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên đã hoàn thành, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phần móng cột đã bàn giao mặt bằng 434/468 vị trí móng cột (92,7%), còn 34 vị trí móng chưa bàn giao.
Về hành lang tuyến, EVNPMB1 đã hoàn thành công tác đo vẽ, cắm và bàn giao mốc cho địa phương 242/242 khoảng néo. Phê duyệt và bàn giao hồ sơ cho địa phương, trong đó các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã hoàn thành; tỉnh Yên Bái đã hoàn thành 10/23 xã, còn 13/23 xã EVNPMB1 đã trình hồ sơ để Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh xem xét, phê duyệt.
EVN cho biết đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu cho 32/36 gói thầu. Về công tác thi công xây dựng, hiện các nhà thầu đang khẩn trương thỏa thuận\đền bù, mở đường thi công và triển khai thi công đào đúc móng. Đến nay, đã mở đường cho 92 vị trí, đang thi công đường cho 24 vị trí; đang triển khai thi công 66/468 vị trí cột.
Tập đoàn đã huy động mọi nguồn lực về tài chính, nhân lực, máy thi công, tổ chức thi công đồng loạt, liên tục tại các vị trí được bàn giao mặt bằng, thi công xuyên Lễ, xuyên ngày nghỉ, thực hiện tối đa phương châm 4 tại chỗ gồm “chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ”; đẩy nhanh tiến độ gia công chế tạo cột thép, mua sắm vật tư thiết bị, đảm bảo đồng bộ với tiến độ thi công các giai đoạn của Dự án.
VƯỚNG MẮC Ở MẶT BẰNG
Theo báo cáo của EVN, hiện dự án vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể, phần móng cột còn 34/468 vị trí chưa bàn giao mặt bằng và 20/434 vị trí đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa được vào thi công. 10/12 huyện chưa hoàn thành công tác phê duyệt giá đất và 11/12 huyện chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư chính thức.
Phần hành lang tuyến công tác kiểm đếm/phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư vẫn còn gặp khó khăn, nhất là liên quan đến rừng…

Tại cuộc họp giao ban, các địa phương Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã báo cáo Bộ Công Thương về kết quả triển khai dự án. Theo báo cáo, các địa phương đều tích cực vào cuộc hỗ trợ chủ đầu tư và các nhà thầu giải quyết các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn chính, như việc xác định giá đất cụ thể để bồi thường ở các vị trí còn khác nhau, mức độ dao động từ mấy chục triệu đến trăm triệu. Một số địa phương chưa được EVN cung cấp hồ sơ, thông tin về những vị trí vướng mắc cụ thể để xác định phương án giải quyết triệt để.
Sau khi nghe báo cáo, các ý kiến của địa phương, bộ, ngành, phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng địa phương, các bộ, ngành, EVN và các nhà thầu, đơn vị liên quan đã tích cực triển khai công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và dự án đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được như Chủ đầu tư đã nêu, việc triển khai dự án vẫn còn còn nhiều khó khăn, đó là hiện toàn tuyến vẫn còn 34 vị trí móng cột chưa bàn giao, rải rác ở các địa phương. Toàn bộ hành lang tuyến qua 4 tỉnh chưa được bàn giao mặt bằng. Công tác phê duyệt giá đất, giá bồi thường vẫn chưa hoàn thành; việc mở đường tạm thi công, bãi tập kết nguyên vật liệu còn gặp nhiều vướng mắc.
Do đó, để đạt được tiến độ thi công và bảo đảm yêu cầu chất lượng công trình theo đúng tiến độ đã đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị các địa phương trong phạm vi dự án tập trung một số việc sau:
Thứ nhất, phải huy động toàn hệ thống vào cuộc giúp chủ đầu tư giải phóng mặt bằng cả vị trí cột và khoảng néo và đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Bộ trưởng cho biết theo báo cáo của Chủ đầu tư, nếu làm đúng theo quy trình quy định của luật pháp hiện hành chắc chắn việc thu hồi những vị trí kể cả hố móng và hành lang tuyến không đơn giản sẽ không kịp hoàn thành đúng thời gian Chính phủ giao, như vậy công tác tuyên truyền để có được mặt bằng là vô cùng quan trọng.
Thứ hai, tiếp tục phương châm 4 tại chỗ để ủng hộ chủ đầu tư, ủng hộ các nhà thầu có thể triển khai thuận lợi nhất. Thông qua việc triển khai dự án này tình hình kinh tế – xã hội, việc làm tại các địa phương, khu vực sẽ có nhiều biến chuyển tích cực, điều này sẽ khiến trách nhiệm của họ tại các công trình tốt hơn.
Thứ ba, địa phương cần khẩn trương phê duyệt giá đất cụ thể, ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư các vị trí móng cột trước ngày 31/3, hoàn thành công tác kê kiểm, lập phương án bồi thường và hỗ trợ tái định cư đối với hành lang tuyến trước ngày 15/4. Đây cũng là cam kết của lãnh đạo chủ chốt các địa phương t với Thủ tướng, đồng thời bảo đảm tiến độ đã đưa ra.

Thứ tư, tuyên truyền, vận động người dân bàn giao các vị trí móng cột còn lại trong tháng 3/2025 để kịp thời bàn giao toàn bộ hành lang tuyến toàn bộ trước ngày 30/4. Nếu không tiến độ dự án sẽ không đảm bảo.
Thứ năm, yêu cầu và chỉ đạo các chủ rừng hoàn thành lập phương án khai thác tận thu lâm sản trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 31/3.
Thứ sáu, đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ cho chủ đầu tư, các nhà thầu thi công trong việc đạt thỏa thuận đường vào thi công, mở đường tạm, bãi tập kết nguyên vật liệu.
Về phần công việc của dự án liên quan đến tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ trưởng đề nghị tỉnh phối hợp với Bộ Quốc phòng và Binh chủng Tăng thiết giáp khẩn trương thực hiện thủ tục thu hồi đất và bàn giao mặt bằng vị trí 462 thuộc Trung tâm huấn luyện tổng hợp tăng thiết giáp quản lý trong tháng 3/2025.
Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo Công ty TNHH MTV thủy lợi Tam Đảo phối hợp, hỗ trợ Chủ đầu tư và nhà thầu thi công hoàn thiện hồ sơ cấp phép hoạt động thi công vị trí cột VT455 trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (hồ đập Bàn Long) để trình cấp có thẩm quyền cấp phép thi công trước ngày 5/4/2025.
Bộ trưởng đề nghị các bộ liên quan phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Bộ Tài chính sớm có ý kiến đối với các vấn đề liên quan để UBND các tỉnh có căn cứ thực hiện thủ tục thu hồi đất, bàn giao mặt bằng và phê duyệt Phương án tạm sử dụng rừng phục vụ thi công.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Vườn Quốc gia Tam Đảo khẩn trương lập, trình phê duyệt phương án khai thác tận thu lâm sản trước ngày 31/3/2025, đồng thời xem xét việc cho phép các nhà thầu thi công kiểm đếm, chặt hạ cây trong phạm vi mở đường tạm, bãi tạm, vị trí móng cột và tập kết về địa điểm tập trung để có mặt bằng thi công.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu: Tiếp tục phối hợp với các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi trả tiền cho người dân và vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Đôn đốc, yêu cầu các nhà thầu/đơn vị thi công tăng cường nhân lực, vật tư, thiết bị để thi công ngay khi có mặt bằng và đủ điều kiện thi công. Tận dụng điều kiện thời tiết tốt hiện nay để đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường.
“Phải thống nhất với địa phương về phương thức chi trả bồi thường giải phóng mặt cho người dân phương” – Bộ trưởng yêu cầu và lưu ý, “Hai tháng tới, thời tiết ở miền Bắc bước vào mùa mưa sẽ gây nhiều bất lợi cho công tác thi công, do đó EVN cần tăng cường nhân lực, huy động vật tư nguyên nhiên vật liệu, tính trước vị trí đặt cột , sứ, dây, … để chủ động.
Đồng thời, EVN phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu còn lại bảo đảm công khai minh bạch, đúng pháp luật.
Bộ trưởng cũng đồng tình với ý kiến kiến nghị của các địa phương, đó là chủ đầu tư, nhà thầu thi cần công hết sức chú ý đến việc bảo vệ môi trường, hạn chế mức thấp nhất, ảnh hưởng môi trường đến điều kiện sống của người dân, cải thiện cơ sở hạ tầng cho các vùng phụ cận sau khi hoàn trả mặt bằng và hoàn thành công trình.
Dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên có tổng mức đầu tư khoảng 7.411 tỷ đồng, với chiều dài khoảng 229,5km đi qua địa phận 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái. Mục tiêu của dự án là đảm bảo truyền tải điện mua từ Trung Quốc, giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng ở mức 2 con số trong những năm tiếp theo. Dự án khởi động từ tháng 2/2025 và khởi công chính thức từ ngày 16/3/2025.