Báo cáo đánh giá tác động của chính sách khi xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết tổng thu tài chính công đoàn tăng qua các năm. Nguồn tài chính của tổ chức công đoàn được dành cho công đoàn cơ sở là chủ yếu.
THU TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN MỖI NĂM TĂNG BÌNH QUÂN 12%
Năm 2021, tỷ lệ phân phối cho các cấp công đoàn như sau: Nguồn thu tại cấp công đoàn cơ sở được sử dụng bao gồm 71% nguồn thu kinh phí công đoàn, 60% nguồn thu đoàn phí, 100% nguồn thu khác. Tại công đoàn cấp trên cơ sở trở lên, sử dụng phần còn lại của nguồn thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn.
Từ năm 2022, tỷ lệ phân phối cho các cấp công đoàn như sau: Nguồn thu tại cấp công đoàn cơ sở được sử dụng bao gồm 75% nguồn thu kinh phí công đoàn, 60% nguồn thu đoàn phí, 100% nguồn thu khác. Tại công đoàn cấp trên cở sở trở lên sử dụng phần còn lại của nguồn thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn.
Trong 9 năm (từ năm 2013 đến năm 2021), tổng thu tài chính công đoàn là 143.999 tỷ đồng, trong đó đoàn phí công đoàn là 35.516 tỷ đồng, chiếm 24,66% tổng số thu; kinh phí công đoàn là 90.836 tỷ đồng, chiếm 63,08% tổng số thu.
Cùng với đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 517 tỷ đồng, chiếm 0,35% tổng số thu. Các khoản thu khác là 17.129 tỷ đồng, chiếm 11,91% tổng số thu.
Thu tài chính công đoàn trung bình mỗi năm tăng 12%. Tổng thu tài chính công đoàn năm 2021 so với năm 2012 tăng 2,5 lần, trong đó thu kinh phí công đoàn tăng 2,69 lần, đoàn phí công đoàn tăng 2,4 lần, thu khác tăng 1,54 lần.
Nguyên nhân tăng thu tài chính công đoàn là do quỹ tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí và kinh phí công đoàn tăng (do lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, số lao động tại các cơ quan đơn vị tăng dần qua các năm).
Tổng Liên đoàn đã đổi mới công tác thu tài chính công đoàn như: Giao dự toán kịp thời, đúng quy định; phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam lập dự toán thu cho các đơn vị theo số liệu lao động và quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội, từ đó làm căn cứ xây dựng dự toán số thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn.
Về chi tài chính công đoàn, từ năm 2013 đến năm 2021, tổng số chi tại các cấp công đoàn là 110.553 tỷ đồng.
Trong đó, số chi tập trung nhiều nhất tại cấp công đoàn cơ sở là 81.199 tỷ đồng, chiếm 73,45 % tổng chi; số chi tại cấp quận, huyện là 16.443 tỷ đồng, chiếm 14,87% tổng chi; số chi tại cấp tỉnh, ngành 11.695 tỷ đồng, chiếm 10,58% tổng chi.
Tại cấp Tổng Liên đoàn là 807 tỷ đồng, chiếm 0,73% tổng chi; đơn vị sự nghiệp là 409 tỷ đồng, chiếm 0,37% tổng chi.
Như vậy sau khi có Luật Công đoàn 2012, Công đoàn Việt Nam đã điều chỉnh giảm tỷ trọng chi tại các cấp trên, để tập trung nguồn tài chính cho cấp công đoàn cơ sở sử dụng nhằm mục tiêu chi chăm lo, bảo vệ lợi ích cho đoàn viên, người lao động.
DUY TRÌ NGUỒN THU KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN ĐỂ CHĂM LO CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Đánh giá về nguồn thu kinh phí công đoàn 2%, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết trong phân phối các nội dung chi theo quy định, nguồn kinh phí công đoàn cơ bản dành cho phúc lợi, chăm lo, bảo vệ, đào tạo đoàn viên và người lao động chiếm 84,14% trong tổng chi hoạt động tại 4 cấp.
Đối với doanh nghiệp, kinh phí công đoàn được tính vào chi phí của doanh nghiệp, được hạch toán vào giá thành sản phẩm. Kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp, mức khoảng 0,2% đối với doanh nghiệp gia công, 0,14% đối với doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, việc sử dụng mang lại lợi ích cho cả người sử dụng lao động và người lao động, góp phần tạo lập quan hệ lao động hài hòa, ổn định, người lao động được chăm lo tốt hơn, yên tâm làm việc.
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2023, số dư nguồn tài chính công đoàn tích lũy khoảng 43.211 tỷ đồng (tính theo niên độ tài chính).
Tại dự thảo Luật, Tổng Liên đoàn đề xuất vẫn quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Thảo luận tại Quốc hội tại phiên họp hôm 18/6, nhiều đại biểu cũng ủng hộ việc tiếp tục giữ mức đóng 2% kinh phí công đoàn.
Thống nhất với quy định này, song đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hoá đề nghị cần có chế tài đủ mạnh để thực hiện nghiêm túc việc đóng quỹ công đoàn, tránh tình trạng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nợ quỹ này.
“Tôi đề nghị trường hợp doanh nghiệp khi gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng”, đại biểu Hải nói. Đồng thời, theo đại biểu quy định không có khả năng đóng kinh phí mới xem xét miễn hoặc giảm, tạm dừng là không kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Thay vào đó, nên xem xét quy định cho các doanh nghiệp khi gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm đơn hàng, sa thải lao động. Nên quy định mức độ khó khăn để xem xét miễn hay giảm, tạm dừng đóng.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đoàn Bình Dương cũng cho rằng bản chất của kinh phí 2% là sự đóng góp, chung tay của đơn vị sử dụng lao động trong các hoạt động của công đoàn cơ sở, góp phần cùng tổ chức công đoàn chăm lo an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Do đó, việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn cũng cần được công khai, minh bạch từ cấp cơ sở, để kết hợp với số hóa trên các phương tiện thông tin truyền thông. Qua đó, giúp người lao động được biết và đồng thuận, tránh không để phát sinh tiêu cực về quản lý tài chính công đoàn.
Tài chính công đoàn được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, gồm: Đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng; Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng; Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; Các khoản thu khác, trong đó, có thu từ hoạt động kinh tế công đoàn. Việc thu kinh phí công đoàn 2% đã được duy trì ổn định từ năm 1957 cho tới nay.