Doanh nghiệp lao đao với giá cà phê trong mơ
Giá cà phê đang tăng bất thường. Đó là đánh giá của nhiều đại diện doanh nghiệp (DN) kinh doanh cà phê hiện nay. Trong khi đó, cà phê nguyên liệu bị đứt nguồn khiến DN chới với khi những đơn hàng xuất khẩu đã ký kết dài hạn…
Ngựa bất kham
Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More (huyện Hóc Môn, TPHCM), cho biết, DN của ông bị ảnh hưởng rất nhiều vì giá nguyên liệu cà phê tươi tăng theo ngày. Cách đây vài hôm, giá mới 86.000 đồng/kg, hôm sau đã lên 91.000 đồng/kg…
Hiện nay giá là 95.000 đồng/kg. “Ngày này năm ngoái, giá cà phê chỉ 41.000 đồng/kg, nay đã vọt lên gần cả 100.000 đồng/kg. Giá cà phê như con ngựa bất kham, DN trở tay không kịp” – ông Luận ví von.
Theo ông Luận, từ giữa tháng 6/2023, cà phê đã có dấu hiệu tăng giá từ 40.000 – 45.000 đồng/kg, sau đó lên 50.000 đồng/kg. Mỗi lần thay đổi giá đều duy trì trong vài tháng. Nhưng sau Tết, giá tăng nhanh và cao bất thường. Tuy giá cao nhưng nông dân không được hưởng lợi vì không có cà phê để bán, họ bán tại vườn ngay sau khi thu hoạch, chứ không dự trữ chờ tăng giá.
Đại diện Công ty Meet More cho biết chỉ có thể cầm cự đến tháng 6 nếu giá cà phê tiếp tục tăng cao. Ảnh: U.P
|
Ông Luận cho hay, khi giá nguyên liệu tăng cao, Meet More cũng như các nhà sản xuất, chế biến cà phê khác bị ảnh hưởng rất nhiều đến những đơn hàng xuất khẩu đã ký trước đó.
Thông thường, thời gian từ lúc ký hợp đồng đến lúc giao hàng khoảng 7 tháng. Giá tăng nhanh và đột biến khiến DN không thể tích trữ được nguyên liệu, nếu có cũng không nhiều. Ông Luận nói rằng có hai lý do khiến DN không thể tăng giá với đối tác. Đó là tỷ giá USD đang lên, cước phí vận chuyển logistics cũng tăng, nếu còn tăng thêm giá hàng hóa thì gần như sẽ không bán được hàng. Vì vậy DN phải cắt giảm toàn bộ lợi nhuận, thậm chí bù lỗ cho những đơn hàng lớn đã ký trước đó.
“Chúng tôi chỉ có thể mua nguyên liệu nhỏ giọt để hoàn thành đơn hàng. Từ đầu năm đến nay có nhiều đối tác ngoại đến mua hàng nhưng chúng tôi đều từ chối, vì nhận nhiều sẽ càng thêm lỗ, trừ khi đối tác chịu tăng giá” – ông Luận nói. Theo ông, chỉ có thể cầm cự đến khoảng tháng 6.
Công ty Real Bean Coffee xoay xở bằng cách chốt đơn theo thời điểm. Ảnh: NVCC
|
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, giá cà phê đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đây là mức giá trong mơ của người nông dân. Theo ông Nam, lý do khiến giá cà phê tăng cao là do nguồn cung thế giới đang thiếu và gần như Việt Nam đang “một mình một chợ”.
Bên cạnh đó, việc EU quy định cà phê muốn xuất khẩu vào thị trường này phải đáp ứng quy định chống phá rừng (EUDR) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê hiện nay. Trong khi đó, nhiều nước vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục đáp ứng yêu cầu về quy định trên, còn với Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được, vì vậy khách hàng lựa chọn cà phê Việt.
Chốt giá theo thời điểm
Bà Văn Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH Real Bean Coffee (TP Thủ Đức), cho biết, hiện trung bình mỗi tháng DN này chỉ còn xuất khẩu 2 – 3 container cà phê, giảm 50% so với giai đoạn trước. Giá nguyên liệu cà phê lên cao nhưng lại không có đủ nguồn cung. DN của bà Loan xoay xở bằng cách không ký hợp đồng dài hạn với đối tác ngoại mà chốt giá theo thời điểm. Đồng thời chấp nhận hòa vốn để giữ mối.
Với giá cà phê quá cao như hiện nay, bà Loan cho rằng đây không phải là giá thực. Giá cả nông sản có lên có xuống, khi đạt đỉnh rồi sẽ phải hạ xuống. Khoảng tháng 4, tháng 5 tới, khi thị trường Brazil, Indonesia vào hàng trở lại, khả năng thị trường sẽ có sự điều chỉnh.
Nhiều DN xuất khẩu nông sản cho rằng với mức giá đạt đỉnh lịch sử như hiện nay, họ không mua được hàng, chưa kể một số nhà cung ứng không giao hàng do giá cả biến động.
Với các bạn hàng nhập khẩu, do đầu ra gặp khó, họ cũng không thể nào nâng giá bán cho người tiêu dùng theo mức giá mới này. Thị trường chưa chấp nhận và chưa theo kịp, vì vậy, cả các nhà xuất khẩu và nhập khẩu đều đang gặp rủi ro.
Theo ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng cơ quan phụ trách phía Nam, Hội Làm vườn Việt Nam, việc thiếu hụt cà phê không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà trên toàn cầu, từ đó đẩy giá lên cao.
Ở Tây Nguyên, người thu mua đến vườn và chấp nhận mua cả những loại cà phê trước đây bị chê. Sản lượng giảm tương đối nhiều.
“Tôi cho rằng trong thời điểm này, từng DN phải có phương án cho riêng mình. Chúng ta phải chấp nhận chờ đợi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại”, ông Mười nói.
Chủ quán lo cà phê “đắng”
Nhiều chủ quán cà phê đứng ngồi không yên khi mặt hàng này tăng giá dựng đứng. Chị Nguyễn Thị Hà, chủ quán cà phê Hà Minh (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM) cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị cung cấp cà phê đã hai lần thông báo tăng giá, mỗi lần từ 5.000 – 10.000 đồng/kg (tùy loại).
“Sau khi tăng, cà phê có giá mới từ 135.000 – 155.000 đồng/kg. Dù giá tăng nhưng quán không thể tăng giá lên ly cà phê bởi khách đã giảm đi rất nhiều” – chị Hà nói.
Kinh doanh cà phê mang đi với giá chỉ từ 10.000 – 15.000 đồng/ly, anh Trần Văn Bình (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) rất đau đầu khi giá đã tăng nhiều lần trong 3 tháng qua.
“Tôi cố gắng giữ giá bán để giữ khách, tuy nhiên nếu đà tăng nguyên liệu tiếp diễn thì mình buộc phải tăng giá theo khoảng 2.000 – 3.000 đồng/ly” – anh Bình nói.
Giá cà phê bột nguyên chất pha phin hiện đã tăng lên mức 200.000 – 250.000 đồng/kg tùy loại, thậm chí nhiều nơi báo giá đến 300.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) chuyên cung cấp cà phê đóng gói cho biết, đã tìm đến nhiều nông hộ ở Gia Lai, Đắk Lắk… mua nguyên liệu nhưng đều không có.
Muốn phát triển bền vững, DN cần phải đẩy mạnh chế biến, nâng cao giá trị, sản xuất theo chuỗi. Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, ngành cà phê cần phải tiếp tục đẩy mạnh khâu chế biến. “Chúng ta cần nhìn nhận thẳng vấn đề là không thể mãi kinh doanh theo kiểu thương mại thuần tuý mà cần xây nhà máy, đầu tư chế biến sâu và năm nào cũng phải quan tâm đến công nghệ, đến khả năng chế biến sâu hơn nữa. Đó là điểm mấu chốt, lợi thế giúp Việt Nam có thể xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao hơn” – ông Thông nhận định.
|
Uyên Phương