Thúc đẩy “xanh hóa” nền kinh tế, tăng trưởng xanh không chỉ là mục tiêu mà còn là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
CHUYỂN ĐỔI XANH MANG LẠI LỢI ÍCH LÂU DÀI CHO DOANH NGHIỆP
Hiện nay Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ireland…
Tại tọa đàm về “tăng trưởng xanh- xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu” vừa diễn ra, ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương, nhấn mạnh rằng những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này đều có cam kết về tỉ lệ xóa bỏ những thuế quan nhập khẩu đối với những nước tham gia Hiệp định có thể lên đến 100%.
Điều này sẽ tạo ra thách thức đối với những nước phát triển trong bảo vệ nền sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh về giá thành sản xuất từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vốn có lợi thế về giá nhân công thấp hơn, về chi phí năng lượng thấp hơn cũng như những tiêu chuẩn môi trường. Các nước này dựng lên và áp dụng thêm hàng rào kỹ thuật, trong đó có liên quan đến những yếu tố như chất lượng hàng hóa, xuất xứ nguồn gốc hay những tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, từ đó hạn chế sản phẩm giá rẻ từ những nước đang phát triển.
Với những mức thuế nhập khẩu tại các nước tham gia Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới có thể về đến 0%. Đây sẽ là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra thế giới.
Điều này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải quyết liệt đổi mới tư duy, đổi mới chiến lược để đáp ứng những yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các doanh nghiệp cần phải lưu ý các yếu tố liên quan đến chất lượng hàng hóa và những tiêu chuẩn về môi trường và phải tuân thủ luật chơi của các nước phát triển
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội tiềm năng, tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh còn gặp rất nhiều thách thức. Chia sẻ điều này, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng thách thức đó đến từ môi trường chung cũng như từ các doanh nghiệp. Nhận thức của doanh nghiệp liên quan đến tăng trưởng xanh cũng cần phải củng cố trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu kỹ càng hơn về các chính sách mà Nhà nước đang dành ưu đãi về phát triển và tăng trưởng xanh.
Nhiều doanh nghiệp hiện nay thực hiệp quá trình chưa được chuẩn xác liên quan đến các chứng nhận, chứng chỉ về môi trường và về tăng trưởng xanh. Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải xác định hệ thống, cơ chế chính sách để có thưởng phạt phân minh, tức là ưu đãi cho những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn và có chế tài áp dụng cho những doanh nghiệp làm ăn chưa đúng.
Điều này đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều ngành và lĩnh vực để không bỏ sót những doanh nghiệp xứng đáng được hưởng ưu đãi cũng như không bỏ sót doanh nghiệp phải chịu chế tài khắt khe của hệ thống chính sách pháp luật của chúng ta cũng như công luận.
Không những thế, theo ông Lê Việt Anh, chuyển đổi xanh đòi hỏi chi phí đầu tư tương đối lớn. Nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ cũng như đầu tư đổi mới trong dài hạn, đảm bảo tiêu chuẩn về phát thải khí nhà kính hoặc các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.
Do đó, Nhà nước cần phải có cơ chế chính sách rõ ràng để hỗ trợ các doanh nghiệp này trong quá trình chuyển đổi. Tất nhiên, từ phía doanh nghiệp cũng phải xác định rõ về mặt dài hạn, chuyển đổi theo hướng xanh mang lợi lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp cần phải nhận thức rằng lợi nhuận trong ngắn hạn sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi những cơ chế chính sách tiến bộ toàn thế giới hiện nay đang áp dụng”, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Trước các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, chuyên gia này khẳng định “đây là cuộc chơi toàn cầu, chúng ta cần phải đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn toàn cầu mới tồn tại được trong thế giới biến động liên tục ngày nay”.
Điển hình như Liên minh châu Âu đã ban hành cơ chế kiểm soát carbon xuyên biên giới (CBAM). Với cơ chế này chỉ trong một vài năm tới, các doanh nghiệp không tìm hiểu rõ quy trình, quy chế, quy định để đảm bảo hàng hóa, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
CẦN TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC, DÀI HẠN
Theo các chuyên gia, trong tiến trình tăng trưởng xanh, ngoài vai trò hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước thông qua cơ chế chính sách thì tính chủ động nắm bắt và vươn lên của doanh nghiệp hết sức quan trọng.
Từ phía cơ quan nhà nước xác định rõ những nội dung sẽ tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cụ thể về cơ chế chính sách phải nhanh chóng, kịp thời được ban hành đầy đủ để hỗ trợ phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Cùng với đó phải huy động đủ nguồn lực tài chính để các tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đủ nguồn lực để triển khai và hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt cần tăng cường nâng cao nhận thức cho cả khối doanh nghiệp và người dùng. Khi người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường sẽ tạo ra động lực để doanh nghiệp tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh.
“Sản phẩm xanh hiện nay cơ bản có giá thành cao hơn so với các sản phẩm thông thường. Khi chúng ta đã huy động và đảm bảo sự tham gia của người dân trong tiêu dùng các sản phẩm xanh sẽ là động lực quan trọng để doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tiếp tục triển khai tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh”, ông Lê Việt Anh nhấn mạnh.
Chia sẻ điều này, ông Đông chỉ rõ về cơ chế, chính sách, cần có những nhận định, phân tích, đánh giá, đồng thời phải có sự ghi nhận, cổ vũ và hỗ trợ để tăng cường nhận thức và định hướng cho việc tiêu dùng và sản xuất bền vững, hướng tới hàng hoá, dịch vụ xanh, sạch. Cần tạo động lực cho doanh nghiệp đi đầu, tiên phong, giữ những vị trí dẫn dắt, từ đó lan toả để thu hút các doanh nghiệp khác đi theo.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ, ngành cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng với bối cảnh, tình hình mới của thế giới, đồng thời bảo vệ những lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và hạn chế rủi ro.
Hiện nay, với doanh nghiệp vừa và nhỏ, để phát triển theo hướng xanh, bền vững, việc thay đổi, chuyển đổi cũng như nâng cao, cải thiện dây chuyền công nghệ sản xuất là rất cần thiết.
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ cần hỗ trợ để khai thác tối đa nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có những nguồn tài chính mới như tài chính xanh hoặc thị trường carbon để tạo thêm các nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.
Tầm nhìn và chiến lược của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế, vẫn mang tính thời vụ, ngắn hạn và trước mắt. Do đó, theo ông Đông, để chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững, vươn mình ra thế giới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, bảo đảm lợi ích lâu dài, bảo đảm tính cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hoá và đáp ứng xu thế chung của toàn cầu. Nếu không thực hiện điều này thì việc chuyển đổi sẽ trở thành xa vời.