ĐHĐCĐ VNDirect: Cần nhiều thời gian để tìm nhà đầu tư chiến lược
Chiến lược tăng vốn là một trong những nội dung thảo luận chính được cổ đông quan tâm trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Chứng khoán VNDirect (HOSE: VND) tổ chức sáng ngày 17/06.
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của VND tổ chức sáng ngày 17/06. Ảnh: Chụp màn hình
|
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Vũ Long cho biết, cơ hội của thị trường vốn nhiều, mở rộng nguồn vốn là điều kiện tiên quyết để duy trì cạnh tranh, trước áp lực của thị trường và các công ty chứng khoán khác có vốn của ngân hàng.
Cụ thể, VND trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ Công ty với 4 phương án phát hành thêm cổ phiếu, gồm chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (hơn 243.5 triệu cp); phát hành cổ phiếu ESOP (hơn 24.3 triệu cp); phát hành cổ phiếu thưởng (gần 12.1 triệu cp); và chào bán hơn 234.5 triệu cp cho cổ đông hiện hữu.
Song song đó, VND dự kiến phát hành gần 61 triệu cp trả cổ tức cho cổ đông năm 2022, tỷ lệ 5%. Đây cũng là năm đầu tiên sau 6 năm, Công ty không trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Lần gần nhất, ngày 10/06/2022, VND đã chi gần 609 tỷ đồng trả cổ tức 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%.
Nếu thực hiện thành công các đợt tăng vốn trên, VND dự kiến phát hành thêm gần 585 triệu cp mới, qua đó nâng vốn điều lệ từ hơn 12,178 tỷ đồng lên trên mức 18,000 tỷ đồng.
Với mức tăng vốn này, VND có thể trở thành “quán quân” vốn điều lệ nhóm công ty chứng khoán. Hiện, công ty chứng khoán có vốn điều lệ cao nhất SSI với hơn 15,011 tỷ đồng, ngay sau là VPBank Securities với 15,000 tỷ đồng (tính tới thời điểm cuối quý 1/2023).
Thảo luận với cổ đông, ông Long cho biết với phương án phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, VND cần một đối tác chiến lược, có thể là các quỹ đầu tư đã có những kinh nghiệm đầu tư ở Việt Nam hay nước ngoài trên thị trường vốn, qua đó kiện toàn và nâng cao năng lực quản trị.
Đối với phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, VND luôn duy trì tỷ lệ phát hành từ 10-20% mỗi năm. Đây cũng là chiến lược để duy trì sức tăng trưởng của nguồn vốn ổn định, thay vì phát hành riêng lẻ, Công ty sẽ mất nhiều thời gian để tìm hiểu và lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược.
Về việc phát hành ESOP, đây là năm đầu tiên sau giai đoạn tái cấu trúc, bộ máy công nhân viên cốt lõi đã tương đối rõ ràng, HĐQT và Ban lãnh đạo cho rằng đây là điều cần thiết nhằm gắn kết với tổ chức và người lao động. Trước đó, VND có ý định nhưng chưa thực hiện do có nhiều thay đổi nhân sự, và cần thời gian để kiện toàn bộ máy.
Cuối cùng, với phương án chia cổ tức, VND luôn muốn trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, tuy nhiên trong bối cảnh thị trường khó khăn năm 2022 và biến động của 2023, Công ty xin ý kiến cổ đông trả cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu như thị trường hồi phục, VND sẽ điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh.
Chủ tịch HĐQT VND Nguyễn Vũ Long phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Chụp màn hình
|
Mục tiêu lãi sau thuế 1,600 tỷ, quý 1 thực hiện 9%
ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế và sau thuế năm 2023 lần lượt 2,000 tỷ đồng, và 1,600 tỷ đồng, tương ứng tăng 16% và 17% so với thực hiện năm 2022.
Đối với từng mảng kinh doanh chính, VND đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh ở mảng dịch vụ đầu tư nguồn vốn với doanh thu dự kiến 480 tỷ đồng, tăng 182%.
Dịch vụ đầu tư tài chính vẫn sẽ giữ vai trò chủ đạo với doanh thu dự kiến 1,620 tỷ đồng, nhích nhẹ so với năm trước. Doanh thu dịch vụ ngân hàng đầu tư dự kiến tăng 4% lên 200 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ chứng khoán ước giảm 35% xuống 860 tỷ đồng.
Lãi sau thuế các năm trước và kế hoạch 2023 của VND
(Đvt: Tỷ đồng)
|
Kết thúc quý 1/2023, VND ghi nhận doanh thu hoạt động 1,290 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ cho vay ký quỹ và hoạt động môi giới chứng khoán giảm mạnh, đạt lần lượt 249 tỷ đồng (giảm 46%) và 146 tỷ đồng (giảm 68%).
Sau khấu trừ các chi phí, Công ty báo lãi sau thuế 140 tỷ đồng, thấp hơn 82% so với cùng kỳ, và chỉ mới thực gần 9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Thoái vốn một công ty quản lý quỹ
Tại Đại hội, cổ đông cũng chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Đầu tư Chứng khoán I.P.A (Công ty IPAAM). Phần vốn góp chuyển nhượng tương đương 100% vốn điều lệ của IPAAM. Giá chuyển nhượng do HĐQT quyết định nhưng không thấp hơn 160 tỷ đồng.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ cũng thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên Ban kiểm soát đối với bà Nguyễn Thị Minh Hạnh đã nộp đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Đồng thời, bà Nguyễn Ngọc Mai được bầu vào vị trí bà Hạnh để lại.
Thế Mạnh