ĐHĐCĐ TVB: Kế hoạch lãi sau thuế 16 tỷ đồng, mua lại 5 triệu cp để giảm vốn điều lệ
Sáng ngày 17/06, phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Chứng khoán Trí Việt (HOSE: TVB) đã diễn ra. TVB đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế lần lượt 62 tỷ đồng và 16 tỷ đồng. Đồng thời, muốn mua lại 5 triệu cp quỹ để giảm vốn điều lệ.
ĐHĐCĐ thường niên 2023 Chứng khoán Trí Việt sáng ngày 17/06. Ảnh chụp màn hình
|
TVB cho biết dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023 ở mức 6.5% – 7%, thấp hơn năm 2022 là 8%. Tuy nhiên, với những tín hiệu không mấy tích cực từ nền kinh tế thế giới, thị trường chứng khoán toàn cầu và việc xử lý sai phạm trên diện rộng với nhiều ngành nghề, lĩnh vực và các vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp,…khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, dao động, dòng tiền chảy vào thị trường có xu hướng giảm.
TVB nhận định thị trường sẽ có sự thanh lọc sâu rộng hướng tới phát triển lành mạnh cũng như sẽ có một số nhịp điều chỉnh, tụt giảm về khối lượng mạnh so với năm 2022 trước khi có những nhịp bứt phá vào cuối năm 2023.
Mục tiêu thoát lỗ năm 2023, tập trung chủ yếu mảng dự doanh
Năm 2023, kế hoạch doanh thu và lãi sau thuế của TVB lần lượt ở mức 62 tỷ đồng (giảm 60% so với năm trước) và 16 tỷ đồng (năm 2022, Công ty lỗ 318 tỷ đồng).
Ban Tổng Giám đốc TVB xác định sẽ tập trung vào hoạt động đầu tư tự doanh, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023 do các điều kiện chính sách vĩ mô có nhiều thuận lợi.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng – Thành viên HĐQT của TVB, năm 2023 Công ty có kế hoạch thu hẹp phạm vi, tập trung vào hoạt động tự doanh để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và nguồn lực hiện có của công ty.
Về chiến lược phân bổ trong hoạt động tự doanh, bà Phạm Thị Thanh Huyền – Chủ tọa đại hội cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, TVB dự kiến phân bổ 90% vào các cổ phiếu bluechip, Large Cap và Mid Cap. Trong đó, từ 50-70% là đầu tư trung-dài hạn, 30%-50% là đầu tư ngắn hạn dưới 3 tháng và phân bổ 10% để lướt sóng đối với những cổ phiếu Mid Cap và penny có câu chuyện riêng và có khả năng có sóng.
Về phương án xử lý đối với khoản đầu tư vào cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG), bà Hằng thông tin Ban lãnh đạo đánh giá ở thời điểm hiện tại hoạt động kinh doanh của HPG đã có sự hồi phục tích cực so với quý 3, quý 4 năm trước với biên lãi gộp được cải thiện và không còn chịu tổn thất lớn do chênh lệch tỷ giá.
TVB cho rằng giá thị trường của HPG vẫn thấp hơn giá hợp lý, kỳ vọng giá cổ phiếu HPG có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ kết quả kinh doanh được cải thiện khi chi phí nguyên liệu đầu là quặng sắt và than cốc giảm đáng kể so với cuối năm 2022. Bên cạnh đó nhu cầu thị trường bất động sản có thể phục hồi vào cuối năm 2023 nhờ chính sách giảm lãi suất cũng như chính sách thúc đẩy đầu tư công của chính phủ. Do đó, với mục tiêu dài hạn, TVB xác định giá cổ phiếu HPG sẽ tiếp tục tăng, nên Công ty tiếp tục nắm giữ.
Như vậy, với mục tiêu kinh doanh như trên, mức chi trả cổ tức năm 2023 dự kiến tối đa không quá 10% vốn điều lệ, căn cứ vào kết quả kinh doanh và lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. TVB sẽ không thực hiện trích lập các quỹ và chia cổ tức năm 2022 do có kế quả kinh doanh lỗ và số dư lợi nhuận chưa phân phối đang là âm 182 tỷ đồng.
Đã khắc phục nguyên nhân khiến cổ phiếu bị hạn chế giao dịch
Tại đại hội, cổ đông đặt vấn đề về việc cổ phiếu TVB đang bị hạn chế giao dịch. Giải đáp cho vấn đề này, bà Huyền cho biết cổ phiếu TVB đã bị chế giao dịch, được giao dịch vào các buổi chiều trong tuần là do Công ty chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với quy định. Mà nguyên nhân là do Công ty chưa được UBCKNN thông qua hồ sơ thay đổi người đại diện pháp luật, để có được người đại diện ký báo cáo kiểm toán.
“Để đưa cổ phiếu ra khỏi diện hạn chế giao dịch thì cần phải khắc phục được nguyên nhân gây ra tình trạng hạn chế là đại diện pháp luật. Công ty đã làm việc với UBCKNN về việc thông qua hồ sơ thay đổi đại diện pháp luật của Công ty, vừa qua ngày 14/06/2023, UBCKNN đã ban hành giấy phép thông qua người đại diện pháp luật mới cho TVB. Trong đó, đại diện pháp luật của TVB đổi tên sang bà Trần Thị Rồng. Đến ngày 16/06/2023, Công ty đã hoàn thành báo cáo kiểm toán 2022, đồng thời thực hiện công bố thông tin trong cùng ngày”.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền trả lời câu hỏi của cổ đông. Ảnh chụp màn hình.
|
Như vậy, Công ty đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch và tiếp tục làm việc với Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) để sớm đưa cổ phiếu ra khỏi diện hạn chế giao dịch.
Về trách nhiệm của TVB trong việc đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Bà Huyền cho biết, việc cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch là do nguyên nhân khách quan không ai mong muốn. Công ty trong thời gian qua đã rất nỗ lực làm việc với UBCKNN để được chấp thuận việc thay đổi người đại diện pháp luật.
Muốn mua lại 5 triệu cổ phiếu giảm vốn điều lệ
Tại đại hội, ĐHĐCĐ thông qua việc mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ. TVB căn cứ vào diễn biến thị trường và tình hình thực tế hoạt động của Công ty, nhằm mục đích ổn định giá cổ phiếu, giảm bớt số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Số lượng cổ phiếu đăng ký mua tối đa 5 triệu cp, mục đích mua lại nhằm giảm vốn điều lệ. Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ căn cứ theo BCTC năm 2022 đã được kiểm toán.
Thời gian thực hiện do HĐQT quyết định, dự kiến trong năm 2023 sau khi được UBCKNN thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu.
Kha Nguyễn