ĐHĐCĐ STG: Hợp tác với nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới PSA, không chia cổ tức 2023
Ngày 21/06, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của CTCP Kho vận Miền Nam (HOSE: STG) đã thông qua kế hoạch doanh thu, lợi nhuận kỷ lục trong năm 2023, cùng với đó là chia sẻ của lãnh đạo Công ty về việc hợp tác chiến lược với PSA – nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của STG. Ảnh: Thanh Tú
|
Kế hoạch doanh thu, lợi nhuận kỷ lục
Kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023, Sotrans đặt mục tiêu tổng doanh thu 2,990 tỷ đồng tăng 13%; lợi nhuận sau thuế 388 tỷ đồng, tăng 53% so với thực hiện năm 2022. Nếu thực hiện thành công, đây là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất của Sotrans từ khi niêm yết trên HOSE tháng 03/2010.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp nhất năm 2023 của STG
Nguồn: STG
|
Ông Đặng Vũ Thành – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc STG cho biết, năm 2022 vừa qua là một năm rất khó khăn, Sotrans không đạt được kế hoạch đề ra. Tuy nhiên công ty vẫn giữ được hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận; theo tiến độ phát triển Công ty vẫn làm theo đúng kế hoạch, tái cấu trúc và tập trung vào các hoạt động cốt lõi, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.
Về hoạt động đầu tư, STG đưa vào hoạt động một cầu cảng mới tại Cảng Sowatco Long Bình với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 5 ngàn tấn. Ông Thành cho hay, dự án Cầu cảng số 1 hoàn thành góp phần nâng cao hình ảnh cảng Sowatco Long Bình, ICD hiện đại nhất khu vực TPHCM, nâng cao vị thế, sức cạnh tranh cho Sowatco và giảm áp lực quá tải cho hệ thống hạ tầng hiện hữu.
Công ty đóng mới hai tàu vận chuyển với tải trọng 300 teu có chân vịt mũi là tàu Sowatco Master và Pioneer, Sowatco tiếp tục đầu tư 2 tàu vận chuyển mới với có cùng khả năng vận chuyển và công nghệ.
Ngoài ra, STG còn nâng cấp hệ thống trang thiết bị, cần cẩu tại Cảng Sowatco Long Bình; đầu tư sà lan 86 m tại Vietranstimex để tập trung phát triển mảng lắp đặt cầu thép; phát triển hệ thống phần mềm quản lý cảng, hoạt động logistics, kế toán…
Trong năm 2023, STG tiếp tục chuyển đổi mô hình kinh doanh, tập trung phát triển mảng giao nhận vận chuyển quốc tế, nội địa và kinh doanh kho bãi, khai thác cảng và vận chuyển đường thủy tại Việt Nam; tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh ở khu vực miền Bắc, ông Thành chia sẻ.
Vì sao năm 2023 không chia cổ tức?
Đại diện ban lãnh đạo, ông Thành cho biết, dưới góc độ một cổ đông, một cá nhân thì ai cũng mong muốn được chia cổ tức càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, có một số điểm cần phải cân nhắc kỹ về lợi ích lâu dài của Sotrans, hiện nay Công ty đang có khá nhiều dự án đầu tư vào dài hạn, vào cơ sở hạ tầng như phát triển giai đoạn 2 của Cảng Long Bình. “Đây là cảng đẹp nhất, hiện đại nhất xanh nhất, hiệu quả nhất của Việt Nam hiện nay”, ông Thành nhận xét.
Ông Đặng Vũ Thành – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc STG. Ảnh: Thanh Tú
|
HĐQT cũng đã chấp nhận chủ trương việc đầu tư vào hệ thống hạ tầng vào cảng và sà lan để phát triển khu vực miền Bắc. Do đó, Sotrans còn khá nhiều dự án đầu tư khác.
Cuối năm nay Công ty có khoảng 400 tỷ đồng, đủ sức để trả cổ tức cho cổ đông, nhưng hiện nay việc tiếp cận vốn vay không đơn giản, vô cùng khó khăn và tốn nhiều thời gian. Mặt khác, thời điểm này, Sotrans đang có nhiều cơ hội đầu tư tiềm năng rất tốt. Do vậy, để thực hiện tốt những mục tiêu lâu dài, Sotrans giữ tiền lại để hỗ trợ hoạt động đầu tư thay vì chia cổ tức.
Hợp tác đầu tư với PSA nhà khai thác cảng lớn nhất thế giới
Sau gần hai năm đàm phán, PSA – nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới đã trở thành cổ đông chiến lược của Sotrans. Đi cùng với đó, Sotrans nhận thấy nhiều cơ hội phát triển về lĩnh vực cảng biển cũng như logistic sau khi hợp tác với PSA, ông Trần Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT chia sẻ.
“Trong các năm tới, cơ hội đầu tư của Sotrans sẽ rất nhiều và sẽ trở thành một đơn vị có ưu thế và quan trọng tại Việt Nam. Do đó, Sotrans mong muốn các cổ đông đồng hành cùng ban quản trị trong các chặng đường phát triển tiếp theo và cây sẽ cho trái ngọt sớm trong dài hạn và ổn định, đó cũng là lý do Sotrans tìm kiếm và hợp tác chiến lược được với PSA”, ông Tuấn Anh nói thêm.
Ông Trần Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT. Ảnh: Thanh Tú
|
Port of Singapore International (PSA) là nhà khai thác cảng container có trụ sở tại Singapore, được thành lập vào năm 1964. PSA là nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới theo Tạp chí hàng hải Lloyd’s List (Vương quốc Anh) công bố năm 2022; bảng xếp hạng của tạp chí dựa trên các tiêu chí như sản lượng container, tốc độ tăng trưởng và mở các dự án mới.
Năm 2021, PSA International có công suất khai thác cảng khoảng 123.6 triệu TEU với mạng lưới gồm 60 cảng tại 26 nước trên thế giới. Khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng của PSA International năm 2021 là 91.5 triệu TEU, trung bình với một cảng khoảng 1.53 triệu TEU. Năm 2022, khối lượng hàng container thông qua cảng PSA International đạt khoảng 90.9 triệu TEU, giảm nhẹ so với năm 2021.
|
Bổ sung thành viên HĐQT sau khi hợp tác với PSA
Sau khi PSA trở thành cổ đông chiến lược tại STG, HĐQT đã thông qua bổ sung thêm hai thành viên từ 5 lên 7 người trong HĐQT nhiệm kỳ năm 2023 – 2028.
Được biết, ông Phay WenFu, Daniel hiện đang là trợ lý Phó Chủ tịch PSA International Pte Ltd; Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám Đốc Công ty TNHH PSA Cargo Solutions Việt Nam; Thành viên HĐQT CTCP Tân Cảng Quế Võ.
Còn bà Seow Hwee hiện là trưởng phòng Cảng và Kinh doanh Đông Nam Á của PSA Corporation Limited, Chủ tịch và Giám đốc Asia Automobile Terminal (Singapore) Pte. Ltd, Chủ tịch và Giám đốc PSA Cargo Solutions (SEA) Pte. Ltd, Giám đốc Portnet.com Pte Ltd; Chủ tịch Ủy viên PT PSA Cargo Solutions Indonesia.
Hai thành viên trên được cổ đông lớn là CTCP Giao Nhận và Vận Chuyển Indo Trần và Công ty TNHH North Star Logistics đang nắm giữ 72.7 triệu cổ phần, tương đương 74.03% đề cử.
Bà Seow Hwee và ông Phay WenFu, Daniel vị trí thứ 4 và 5 từ trái qua. Ảnh: Thanh Tú
|
Thành Nguyễn