ĐHĐCĐ BCM: Cần tăng vốn điều lệ lên 20 – 30 ngàn tỷ, hướng tới vốn hóa 10 tỷ USD
Ngày 29/06, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (HOSE: BCM) diễn ra ĐHĐCĐ thường niên 2023 với kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2,263 tỷ đồng và mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 20 – 30 ngàn tỷ đồng.
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của BCM diễn ra tại Khách sạn Becamex, ảnh: Thanh Tú
|
Kế hoạch 2023 lợi nhuận sau thuế tăng 32%
Năm 2023, BCM đặt kế hoạch tổng doanh thu 9,460 tỷ đồng, tăng 19%. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,263 tỷ đồng, tăng 32% so với 2022. Dự kiến trả cổ tức năm 2023 là 9%.
Kế hoạch kinh doanh hợp nhất của BCM năm 2023
Nguồn: BCM
|
Ông Phạm Ngọc Thuận – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nhận định, tình hình kinh doanh năm 2023 còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tác động lên khả năng thu hút đầu tư, kế hoạch huy động vốn và tiến độ triển khai các dự án mới. Với hệ sinh thái công nghiệp – đô thị và dịch vụ đã xây dựng nhiều năm, Becamex định hướng nguồn lực đầu tư các dự án về thương mại, dịch vụ, sản xuất thông minh trong giai đoạn 2023 – 2025.
BCM đang trình chủ sở hữu Đề án sắp xếp các đơn vị thành viên trong hệ thống giai đoạn 2023 – 2025. Bên cạnh đó, BCM tiếp tục đầu tư các dự án hiện hữu, dự kiến huy động nguồn lực để đầu tư các dự án thương mại dịch vụ, hoàn thiện pháp lý và đưa vào kinh doanh khu công nghiệp Cây Trường, khởi công dự án Vòng xoay A1, khánh thành Tòa nhà A9, đầu tư các dự án thành phần thương mại – dịch vụ trong khu đô thị mới Thành phố mới Bình Dương, đầu tư hoàn thiện dự án mở rộng Quốc Lộ 13.
Ông Thuận cũng cho biết, Chính phủ đề nghị BCM tiếp tục đầu tư, mở rộng theo mô hình công nghiệp, dịch vụ và đô thị trong Bình Dương và tỉnh thành khác. Bên cạnh đó, các đối tác mới mong muốn hợp tác nhiều hơn với BCM trong quá trình triển khai phát triển.
Ông Thuận cũng nhấn mạnh việc đầu tư cổ phiếu BCM, không nên nhìn vào lợi nhuận trước mắt mà phải nghĩ tới giá trị tài sản, giá trị thương hiệu BCM lâu dài.
Vì sao cần tăng vốn?
Trong nhiệm kỳ từ 2023 – 2028, ông Thuận chia sẻ, Becamex xác định 5 mục tiêu chính. Thứ nhất, phát triển hạ tầng giao thông. Hiện nay, định hướng các tuyến đường kết nối liên vùng ngoài đường Quốc lộ 13, Mỹ Phước – Tân Vạn, có đường vành đai 3, vành đai 4, đường kết nối qua Tây Ninh… Đây là những tuyến đường huyết mạch đi ngang xuyên suốt tỉnh Bình Dương, không chỉ vận chuyển giao thông hàng hóa tỉnh Bình Dương mà còn vận chuyển cả khu vực Tây Nguyên, Tây Ninh. Vì vậy khi hệ thống giao thông này phát triển đồng bộ, thuận lợi thì việc lưu thông hàng hóa sẽ thuận tiện, giá trị kinh tế được nâng lên, đất đai có giá trị cao hơn, tỉnh Bình Dương sẽ được hưởng lợi, trong đó có Becamex.
Thứ hai, phát triển đô thị – dịch vụ, mục tiêu trong 5 năm tới xây dựng trung tâm đô thị mới tại Thành phố mới Bình Dương hoàn chỉnh. Do đó BCM cần tăng cường đầu tư, tích lũy tài sản. Việc đầu tư này cần rất nhiều vốn để BCM hoạt động.
Thứ ba, phát triển khu công nghiệp thế hệ mới. Thời gian qua Becamex phát triển theo mô hình công nghiệp đô thị, cho tới nay mô hình này đã tới điểm giới hạn, cần phải thay đổi thành mô hình mới công nghiệp đô thị và dịch vụ. Các khu công nghiệp mới này là khu công nghiệp sinh thái thông minh. Bằng chứng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết với thế giới rằng, Việt Nam tới 2050 sẽ phát thải CO2 bằng 0. Cho nên, Nghị định 35 của Chính phủ ra là bước đầu cho sự cam kết đó. Chuyển các khu công nghiệp truyền thống qua các khu công nghiệp sinh thái thông minh theo nghị định 35. Chính phủ cũng kêu gọi BCM xuất khẩu mô hình phát triển công nghiệp đô thị và dịch vụ ra các tỉnh thành khác, và đón nhận nhà đầu tư mới, do có thể xuất khẩu được hàng hóa qua các nước phương tây. Vì vậy, BCM cần vốn từ các cổ đông cũng như sự hỗ trợ từ chính quyền cho kế hoạch thay đổi này.
Thứ tư, phát triển nhà ở xã hội là việc Becamex bắt buộc phải đầu tư mặc dù lợi nhuận có giới hạn, khiêm tốn.
Cuối cùng là đầu tư mở rộng ra các tỉnh thành khác. Thời gian qua, tính cả Bình Dương BCM đã đầu tư được 11 tỉnh, trong nhiệm kỳ này sẽ đầu tư thêm 9 tỉnh thành nữa, nâng tổng số lên 20 tỉnh thành.
Như vậy, với 5 mục tiêu trên, Becamex dự kiến cần tăng vốn lên từ 20 đến 30 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, BCM sẽ phấn đấu quy mô vốn hóa trên thị trường chứng khoán từ 7 -10 tỷ USD theo kỳ vọng của chính quyền. Trong nhiệm kỳ này, BCM phải phấn đấu đạt được, ông Thuận nhấn mạnh.
Giải pháp để Becamex thực hiện được vốn hóa 7 – 10 tỷ USD
Ông Thuận chia sẻ, nếu có sự đồng thuận của Chính phủ thì khả năng cao sẽ đạt được. Hiện tại vốn hóa trên thị trường chứng khoán của Becamex khoảng 83 ngàn tỷ đồng, xấp xỉ 4 tỷ USD với vốn điều lệ hơn 10 ngàn tỷ đồng. Do đó, BCM tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn để gia tăng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán.
Để đảm bảo lợi ích cổ đông, Becamex đưa ra nhiều giải pháp tăng cường vốn, tham mưu của Chính phủ, tham mưu của Nhà nước giảm sở hữu xuống để BCM huy động vốn, tăng vốn điều lệ lên.
Với vốn hiện tại, đầu tư và vay tiền đều hết sức khó khăn. Mặt khác kế hoạch đầu tư BCM rất lớn, cần rất nhiều vốn, việc cần tăng lên 20 – 30 ngàn tỷ đồng là cần thiết, qua đó thị trường chứng khoán cũng phản ánh giá trị Công ty, theo ông Thuận dự đoán khoảng 7 – 8 tỷ USD khi tăng vốn thành công.
Về việc không phát hành trái phiếu riêng lẻ, ông Thuận cho biết, thời gian qua phát hành trái phiếu riêng lẻ hầu như bị dừng lại, trong năm 2022, BCM củng cố là chính.
Nếu vừa chia cổ tức và vừa trả lãi thì thực sự rất khó khăn. Do đó Công ty tạm dựng huy động vốn bằng trái phiếu. Khi có điều kiện tốt, Becamex sẽ tiếp tục huy động, bổ sung vốn điều lệ để đầu tư trong thời gian tới, ông Thuận cho hay.
Mặt khác, trong 9 tỉnh thành đầu tư sắp tới Becamex sẽ đầu tư mới và đầu tư trực tiếp thay vì đi mua đi bán lại dự án.
Về dự án hợp tác với CapitaLand, ông Thuận cho biết, BCM đã ký hợp đồng, hiện đang làm thủ tục chuyển nhượng, dự kiến cuối tháng 7 này sẽ hoàn thành và ghi nhận doanh thu trong năm nay.
Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình được thông qua.
Thành Nguyễn