Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn với vị trí địa lý chiến lược, chi phí sản xuất cạnh tranh và chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ.
Hàng loạt tên tuổi lớn ngành bán dẫn thế giới đã ‘nô nức’ đổ về Việt Nam. Tính đến cuối năm 2024, nhiều tập đoàn chuyển chuỗi sản xuất về Việt Nam, nước ta đã có 174 dự án FDI bán dẫn, tổng vốn hơn 11 tỷ USD.
Theo báo cáo được Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ và Boston Consulting Group, nhờ phần lớn vào các khoản đầu tư từ các công ty nước ngoài, Việt Nam dự kiến sẽ chiếm 8% – 9% công suất lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip (ATP) toàn cầu vào năm 2032, tăng từ mức chỉ 1% vào năm 2022.
Trong 15 công ty bán dẫn có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới – theo CompaniesMarketcap tại ngày 15/2/2025 – thì doanh nghiệp lớn nhất là NVIDIA (Mỹ) đã chiếm tới 45%, gần bằng tổng vốn hoá của 14 doanh nghiệp còn lại. 2 doanh nghiệp khác thuộc nhóm có giá trị trên 1.000 tỷ USD là Broadcom (Mỹ) và TSMC (Đài Loan).
Công ty bán dẫn lớn nhất thế giới NVIDIA trong năm vừa qua hoạt động rất sôi nổi tại Việt Nam.

Ngày 5/12, ông Jensen Huang – Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA đã và ký kết thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) (VRDC).
Trước đó, vào tháng 4/2024, Tập đoàn FPT và NVIDIA đã ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược, bao gồm việc đầu tư 200 triệu USD xây Nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory) tại Việt Nam. Ngày 13/11, FPT cùng với Nvidia ra mắt Nhà máy AI (AI Factory) tại Nhật Bản nhằm cung cấp các dịch vụ Trí tuệ nhân tạo (AI) và Điện toán đám mây (Cloud). Nhà máy AI của FPT góp phần phát triển AI có chủ quyền cho Nhật Bản.
NVIDIA cũng công bố mua lại cổ phần của VinBrain từ Vingroup.

Ông Jensen Huang – Nhà sáng lập, CEO của NVIDIA coi “Việt Nam như quê hương thứ hai”
Đối với công ty lớn thứ 3 là TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company), dù chưa có nhà máy sản xuất hoặc cơ sở chính thức tại Việt Nam tại Việt Nam nhưng vẫn có doanh thu từ việc cung cấp chip và dịch vụ thiết kế bán dẫn cho các công ty công nghệ hoạt động ở đây, như Samsung, LG, và các công ty sản xuất điện tử tiêu dùng khác.
Doanh nghiệp lớn thứ 5 trong danh sách – Samsung – chính là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư luỹ kế tính đến cuối năm 2022 là 20 tỷ USD.
Samsung đầu tư chính thức vào Việt Nam năm 2008 với việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh, vốn đầu tư 670 triệu USD. Sau đó, thông qua các hoạt động đầu tư liên tục tại Thái Nguyên, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hiện nay Samsung đang vận hành 6 nhà máy, 1 pháp nhân bán hàng, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Từ năm 2014 đến nay, Tập đoàn đã nâng tổng số lượng nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam lên 306 doanh nghiệp. Cùng với đó, Samsung Việt Nam thực hiện nhiều dự án hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ Việt Nam về cải tiến doanh nghiệp, phát triển nhà máy thông minh, đào tạo chuyên gia tư vấn, chuyên gia khuôn mẫu…
Năm 2024, doanh thu từ 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam là 62,5 tỷ USD. Trong cuộc gặp với thủ tướng vào tháng 5 năm 2024, Samsung dự kiến đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam.

Một tên tuổi lớn khác trong danh sách là Qualcomm. Tại Việt Nam, Qualcomm đã khai trương trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội vào năm 2020, đây cũng là trung tâm R&D đầu tiên của công ty tại Đông Nam Á. Nhà sản xuất chip của Mỹ Qualcomm đã đạt doanh thu 38,96 tỷ đô la trong năm tài chính 2024, trong đó Việt Nam là thị trường có doanh thu cao thứ 2 với 4,7 tỷ USD, chiếm 12% doanh thu của công ty này trên toàn cầu.
Intel đầu tư thêm 475 triệu đô la vào cơ sở tại Việt Nam vào cuối năm 2022, nâng tổng vốn đầu tư vào quốc gia này lên 1,5 tỷ đô la sau 16 năm hoạt động. Hơn nữa, nhà máy Intel Products Việt Nam hiện là nhà máy sản xuất lớn nhất trong lĩnh vực lắp ráp và kiểm thử khi so sánh với các địa điểm khác trên toàn thế giới.

Lam Research đang lên kế hoạch đầu tư từ 1-2 tỷ USD tại Việt Nam trong giai đoạn đầu, hợp tác với công ty Seojin (Hàn Quốc), đơn vị đã có nhà máy tại Bắc Ninh và Bắc Giang. Khoản đầu tư nhằm phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn.
Các công ty khác trong top15 công ty bán dẫn lớn nhất thế giới chưa có cơ sở trực tiếp hoặc chưa có thông tin chính thống về một khoản đầu tư rõ ràng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bán dẫn nằm trong top20 đã có hoạt động tại Việt Nam. Synopsys chính thức tham gia vào thị trường vi mạch Việt Nam thông qua việc mua lại một phần của eSilicon Corporation năm 2020.
Không những vậy, Việt Nam là một trong những điểm đầu tư chiến lược tại Châu Á – Thái Bình Dương của Synopsys. Synopsys Việt Nam đã mở rộng đến bốn văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, thu hút gần 500 kỹ sư có năng lực. Synopsys đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ đào tạo nhân tài thiết kế vi mạch tại Việt Nam với Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, trong đó Synopsys tài trợ 30 giấy phép trị giá 20 triệu USD cho hoạt động này.
Marvell Technology đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2013 và đã đầu tư đáng kể vào việc phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu và thiết kế chip. Tính đến nay, Marvell có gần 400 nhân viên tại Việt Nam, phần lớn là kỹ sư thiết kế vi mạch. Công ty đặt mục tiêu biến trung tâm tại Việt Nam trở thành một trong ba trung tâm thiết kế vi mạch lớn nhất của tập đoàn, chỉ sau Mỹ và Ấn Độ.
MediaTek nắm giữ gần 49% thị phần chip di động tại Việt Nam. Tuy nhiên các báo cáo của Meditek không cho thấy rõ phần doanh thu tại Việt Nam. MediaTek hợp tác với các công ty Việt Nam như Bkav và SUN Electronics để phát triển các giải pháp công nghệ; phối hợp với Saigon Hi-Tech Park để xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm, đào tạo kỹ thuật, và hỗ trợ các kỹ sư Việt Nam trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ; hợp tác với các đối tác Việt Nam để sản xuất các thiết bị “Make in Vietnam,” bao gồm chip và thiết bị điện tử nhằm thúc đẩy công nghiệp bán dẫn trong nước.
Apple – doanh nghiệp đứng thứ 22 về giá trị vốn hoá trong nhóm ngành bán dẫn – Apple và các công ty cung ứng chính cho hãng này đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Việt Nam, trong đó có thể kể tới Luxshare và Foxconn.
Ngày 19/2, với đa số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết cũng nêu rõ việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng dự án nhà máy đầu tiên được lựa chọn để chế tạo chip quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chip bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam.
Cụ thể, doanh nghiệp trên được hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án trực tiếp từ ngân sách trung ương trong trường hợp nhà máy nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31/12/2030. Tổng mức hỗ trợ không vượt quá 10.000 tỷ đồng.
Theo Trung tâm thông tin và thống kê KH&CN TP.HCM, hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn hoạt động tại Việt Nam với hàng loạt tên tuổi lớn như: Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)…
Trong đó, có những dự án quy mô lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD như dự án của Intel, Amkor, Hana Micron. Bên cạnh đó, một số công ty trong nước cũng đã xông xáo gia nhập thị trường công nghiệp bán dẫn như Viettel, FPT, VNChip…
Amkor Technology – công ty có trụ sở chính tại Hoa Kỳ năm ngoái đã công bố kế hoạch trị giá 1,6 tỷ USD để xây dựng một nhà máy rộng 200.000 m2 (2,2 triệu feet vuông) mà họ cho biết sẽ trở thành cơ sở rộng lớn và tiên tiến nhất tại Việt Nam.