Công ty con PVS đặt kế hoạch 2024 tăng nhẹ, chi cổ tức sau nhiều năm không thực hiện
CTCP Cảng Dịch vụ Dầu khí Đình Vũ (UPCoM: PSP) – công ty con của PVS – công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 với kế hoạch kinh doanh tăng nhẹ, sau năm 2023 thuộc nhóm dẫn đầu về tăng trưởng lãi ròng ngành cảng biển, logistics. Đồng thời, PSP cũng dự chi 16 tỷ đồng cổ tức năm 2024.
Kế hoạch 2024 tăng nhẹ, sau năm ở nhóm dẫn đầu ngành cảng biển, logistisc
Cụ thể, năm 2024, PSP đặt kế hoạch doanh thu thuần 238 tỷ đồng, đi ngang so với thực hiện năm trước; đóng góp chủ đạo vẫn từ dịch vụ căn cứ cảng gần 170 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% và dịch vụ tổng hợp dầu khí, dịch vụ mới hơn 62 tỷ đồng, tăng 5%.
PSP đặt mục tiêu lãi ròng hơn 9 tỷ đồng, tăng nhẹ 5%. Năm 2023, PSP là một trong những Công ty đứng đầu về tăng trưởng lãi ròng của ngành cảng biển, logistics, cụ thể đạt 8.7 tỷ đồng, gấp đến 91 lần năm 2022. Dù tăng trưởng mạnh nhưng PSP vẫn chưa thể hồi phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19.
Doanh thu thuần và lãi ròng của PSP giai đoạn 2019-2023 | ||
|
* Công ty con của PVS khép năm 2023 với lãi ròng gấp 91 lần cùng kỳ
* Ngành cảng biển, logistics năm 2023: Đối mặt nhiều khó khăn trong bức tranh tổng thể suy yếu
Theo PSP, khó khăn từ cả kinh tế thế giới lẫn trong nước làm lượng hàng hóa qua hệ thống cảng khu vực Hải Phòng khó tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra, sự cạnh tranh lớn hơn đến từ các cảng mới tại khu vực Lạch Huyện được đầu tư hiện đại tầm quốc tế và hình thành nhanh chóng, các hãng tàu có xu hướng thành lập các liên minh đưa tàu cỡ lớn vào khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện khai thác… Mặt khác, PSP cho biết các quy định của Nhà nước liên quan đến giá dịch vụ, điều kiện kinh doanh cảng biển… ngày càng nhiều và rất khó thực hiện, đặc biệt với những doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Với ngành dịch vụ tổng hợp dầu khí và dịch vụ mới, PSP dự báo hoạt động dầu khí ở khu vực phía Bắc diễn ra hạn chế; giá nhiên liệu trên thị trường biến động cao, ảnh hưởng đến giá thành dịch vụ cho thuê tàu lai, tàu trực; dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng (O&M) thì Công ty chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu nhân sự có năng lực nên việc tham gia sâu rộng rất khó khăn và hiệu quả không cao.
Về kế hoạch đầu tư, PSP dự chi gần 12 tỷ đồng, trong đó gần 6 tỷ đồng cho các dự án chuyển tiếp từ năm 2023, bao gồm đầu tư Checking point xuất, mua sắm 1 bộ khung chụp tự động 40 tấn và xây dựng trạm biến áp 1,250 kVA; hơn 6 tỷ đồng cho các dự án chuẩn bị đầu tư và khởi công mới, bao gồm mua sắm 2 xe đầu kéo Romooc, 2 xe nâng điện 1.8 tấn và đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời khu nhà văn phòng.
Dự chi 16 tỷ đồng trả cổ tức sau nhiều năm không thực hiện
Tỷ lệ cổ tức 2024 dự kiến là 4%, tương đương mức chi 16 tỷ đồng. Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) hưởng lợi lớn nhất nhờ giữ vai trò Công ty mẹ trực tiếp sở hữu 51% vốn, ước tính thu về hơn 8 tỷ đồng. Ngoài ra, 2 cổ đông lớn khác là CTCP Container Việt Nam (HOSE: VSC) sở hữu 22% vốn và CTCP Việt Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc (Proconco) sở hữu 5% vốn cũng sẽ thu về lần lượt gần 4 tỷ đồng và gần 1 tỷ đồng.
Dù vậy, thực tế cổ đông PSP có nhận được cổ tức hay không vẫn còn là dấu hỏi. Những năm gần đây, ĐHĐCĐ thường niên PSP đều thông qua kế hoạch chia cổ tức, lần lượt 20 tỷ đồng cho năm 2021 (tỷ lệ 5%), 12 tỷ đồng cho năm 2022 (tỷ lệ 3%) và 8 tỷ đồng cho năm 2023 (tỷ lệ 2%), nhưng đều không thực hiện.
PSP thậm chí còn đang ghi nhận gần 4 tỷ đồng phải trả cổ tức, đồng thời khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cũng chỉ gần 19 tỷ đồng ở cuối năm 2023, đặt ra dấu hỏi về khả năng thanh toán các khoản cổ tức theo kế hoạch.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, trước câu hỏi của cổ đông liên quan đến cổ tức, đại diện PSP chia sẻ: “Do lợi nhuận giữ lại chưa phân phối năm 2022 còn rất ít, việc thực hiện trả cổ tức cho các cổ đông chưa lưu ký còn nhiều phức tạp nên Công ty đề xuất không chia cổ tức theo kế hoạch, phần lợi nhuận này sẽ được chuyển sang năm 2023 và chờ kết quả sản xuất kinh doanh 2023, Công ty sẽ thực hiện phương án phân phối lợi nhuận phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa cổ đông và Công ty”.
Huy Khải