Chủ tịch REE Nguyễn Thị Mai Thanh nói về khó khăn mảng điện 2024
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra vào sáng ngày 29/03, bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) đã có những chia sẻ về ngành điện – một trong những mảng kinh doanh chính và tiềm năng mà REE đang sở hữu.
Theo bà Mai Thanh, Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) sau khi được ban hành đã mang tới nhiều kỳ vọng. Tuy vậy, việc kế hoạch thực hiện chưa được thông qua đã phần nào gây trở ngại.
“Kế hoạch thực hiện QHĐ8 đã được thảo luận từ tháng 5/2023 tới giờ, trước đó cũng đã đề cập, vùng nào phát triển gì, công suất bao nhiêu…? Hiện đã tương đối hình thành được 60-70%”, trích lời bà Thanh.
Phiên thảo luận tại ĐHĐCĐ 2024 của REE
Ảnh: REE
|
“Tuy nhiên, cách thức trao hợp đồng thì chưa rõ. Theo REE tìm hiểu, các dự án đều đã có nhà đầu tư đăng ký, nằm trong QHĐ8. Nhưng Quy hoạch sẽ không nêu cụ thể mà trao về cho tỉnh, và các tỉnh sẽ có quy trình lựa chọn nhà đầu tư dựa trên các tiêu chuẩn khác nhau: lịch sử hợp tác với tỉnh, tiềm lực nhà đầu tư, và cơ chế đấu giá điện của Nhà nước – cũng là tiêu chí quyết định. Tôi nghe nói rằng việc giá điện đàm phán sẽ là với Bộ Công Thương, và hiện tôi cũng chưa nắm được quy trình đàm phán này.
Nếu giống như trước đây, nhà đầu tư sẽ trình phương án, trong đó có suất đầu tư và được cấp chỉ số về tỷ suất hoàn vốn. Hiện tại, tỷ suất này là khoảng 12% với các nhà đầu tư tư nhân, sau đó đưa ra giá điện. Nhà đầu tư sau đó sẽ khai báo, trình bày.” – Chủ tịch REE nhận xét.
Bà Thanh cho biết có rất nhiều yếu tố xung quanh thực hiện QHĐ8, như cách thức trao hợp đồng như thế nào. Trong đó giá điện rất quan trọng. Hợp đồng mua bán điện cũng rất quan trọng, vì nó cần để nhà đầu tư vay vốn ngân hàng.
Dẫu vậy, tình hình mảng điện của REE dường như có nhiều triển vọng trong trung và dài hạn. Theo Chủ tịch Mai Thanh, đối với việc đăng ký dự án tại các tỉnh, REE đang có vài trăm MW đăng ký tại các dự án này. “Như tại Trà Vinh là khoảng 130 MW, có thể triển khai ngay sau khi có kế hoạch rõ ràng. Tỉnh Trà Vinh cũng đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch về điện” – theo bà Thanh.
Ngoài ra, REE có dự án điện gió ngoài khơi tại Trà Vinh, hợp tác cùng một đối tác Việt Nam khác và có mời gọi đối tác nước ngoài, có công suất 1,800 MW.
“Vừa rồi, Công ty xúc tiến nhiều việc, có ký bản ghi nhớ với các đối tác nước ngoài và các bộ ngành Trung ương. Chúng tôi muốn dự án được trao thí điểm điện gió ngoài khơi. Nhưng có lẽ, thí điểm này chỉ giao cho các doanh nghiệp trong nước, không có yếu tố nước ngoài” – bà Thanh cho hay.
Thủy điện gặp khó, muốn tăng trưởng thì phải tăng công suất
Bên cạnh ảnh hưởng từ QHĐ8, Chủ tịch Mai Thanh chia sẻ về những khó khăn trong mảng thủy điện của REE 2024.
“Có 3 vấn đề. Năm nay là cao điểm El Nino, nên các nhà máy thuỷ điện sản lượng thấp. Thứ 2, dòng tiền của EVN vẫn không tốt nên sẽ tìm cách bù đắp, trong đó có việc tìm cách giảm room tham gia thị trường điện của thuỷ điện bằng việc nâng hệ số alpha.
Họ cũng kiểm soát sản lượng rất kỹ. A0 (Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia) giao sản lượng hàng năm cho các nhà máy, còn giờ thì là theo tháng. Sản lượng giao cho các nhà máy lại không phù hợp với tình hình thực tế về lượng nước. Ngoài ra dù giao cao, họ vẫn không huy động, vì có giai đoạn ưu tiên cho các nhà máy trượt COD vì giá sẽ rẻ hơn. Giai đoạn khác, họ ưu tiên huy động điện mặt trời, để giữ nước cho các quý mùa khô (quý 2). Đây là điều khá nghịch lý, vì giao sản lượng cao mà muốn giữ nước, không huy động“.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT REE
|
Khoản lỗ từ EVN cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng. Theo bà Mai Thanh, dù EVN đã tăng giá điện bán lẻ 7.5% vào năm 2023, nhưng chưa đủ bù đắp chi phí.
Chủ tịch REE nhận định, Doanh nghiệp có mục tiêu tăng trưởng 15%/năm. Với ngành điện, muốn tăng trưởng thì phải tăng công suất. Nếu không thể tăng doanh thu, lợi nhuận, ít nhất trung bình 5 năm cũng phải tăng trưởng 15% vì ngành điện theo chu kỳ. Thuỷ văn không thuận lợi, có thể điện gió thuận lợi.
Nhưng để tăng công suất thì làm thế nào? Đó là mua lại nhà máy, có thể là chưa xây, hoặc đang xây và tiếp quản xây tiếp.
“REE đang có nhà máy 60 MW mua lại và đang xây. Việc xây dựng chỉ có trở ngại duy nhất là đền bù cho các lòng hồ. Các dòng sông, 2 bên bờ có kế sinh nhai của người dân, nên đền bù có những trở ngại. Chúng ta cũng không quá ép người dân, nếu họ yêu cầu đền bù thoả đáng và phù hợp, REE phải chấp nhận” – trích lời bà Mai Thanh.
Không đầu tư thêm điện mặt trời, mũi nhọn là điện gió
Về điện mặt trời, bà Thanh cho biết REE sẽ không đầu tư nhiều nữa.
“Chủ trương hiện tại của Nhà nước với điện mặt trời là tự sản tự tiêu, phụ thuộc hoàn toàn vào người tiêu thụ điện. Các dự án đầu tư từ 2021-2022 đến giờ vẫn hòa vốn (2 năm đầu là lỗ). Một số dự án vẫn ổn, nhưng bình quân năm nay chỉ có thể hòa vốn. Nhìn chung cho thấy nhà máy không có đơn hàng, công suất tiêu thụ điện cũng giảm xuống, hệ thống không hoạt động. Có 4,000 – 5,000 mWp không hoạt động, dù gần đây bắt đầu có đơn. Điện mặt trời mới hiện chưa có chủ trương, nên nhiều dự án không thể lên lưới, mà không lên thì không thể bán” – theo bà Thanh.
“Các trang trại điện mặt trời (solar farm), từ nay đến 2030 cũng không có kế hoạch. Để xây dựng thì không, mà mua lại thì chào giá cao trong khi tỷ lệ thu về rất thấp, không đạt kỳ vọng đầu tư.
Mảng điện mặt trời chỉ còn các dự án trên hồ thuỷ điện (solar floating), và REE sẽ tập trung vào đó. Nhưng để thuyết phục Chính phủ cho đầu tư vào mảng này cũng còn nhiều khó khăn”.
Đối với điện gió, bà Thanh xác định đây là mũi nhọn trong vấn đề chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, nên REE dứt khoát tìm kiếm dự án hợp tác.
“Phải củng cố, xác định thế mạnh của REE để mời gọi đối tác nước ngoài có thế mạnh công nghệ, kinh nghiệm về dự án, có khả năng huy động tài chính với chi phí rẻ. REE có lợi thế về quản trị doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm đối tác tại Việt Nam. Thứ 2 là hình ảnh, uy tín công ty trên thị trường – là các yếu tố quan trọng.
Hình ảnh công ty cho chúng ta vị thế nói chuyện với cơ quan Chính phủ một cách thuận lợi hơn, để được trao các dự án. Trong quản lý dự án, REE có nhiều kinh nghiệm. Các dự án điện gió ngoài khơi cần nhiều kinh nghiệm, kiến thức khác – điều này có thể được bù đắp nhờ sự tư vấn của đối tác, chuyên gia“.
Châu An