Bầu Đức ngạc nhiên vì giá sầu riêng, giá thành chưa tới 12,000 bán 77,000 đồng/kg
“Bản thân tôi không tin được”, trích lời của bầu Đức khi nói về giá sầu riêng.
Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT HAGL phát biểu tại buổi gặp mặt nhà đầu tư hôm 15/12 tại TPHCM. Ảnh: Kha Nguyễn
|
Đây là điều đầu tiên ông Đức nói về giá thành sầu riêng trước các cổ đông tại Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HOSE: HAG) chiều ngày 15/12.
Ông Đức cho biết, sau khi thu hoạch lô sầu riêng (30ha) thì giá thành chưa tới 12,000 đồng/kg, nhưng bán 77,000 đồng/kg. Các con số khiến ông Đức ngạc nhiên, “bản thân tôi không tin được”. Đây là mới năm thứ nhất, đến năm thứ hai, thứ ba thì giá thành ngày càng đi xuống do sản lượng tăng lên, “nguyên tắc sản lượng tăng lên thì giá thành đi xuống”, ông nói.
HAGL có 1,200 cây sầu riêng, vườn lớn nhất tại Lào, toàn bộ là trái vụ tự nhiên, bất cứ sản phẩm trái cây nào trái vụ thì cực kỳ đắt, vị Chủ tịch nhấn mạnh.
Hiện tại, không có doanh nghiệp nào trồng sầu riêng ngoài HAGL, chủ yếu là người nông dân trồng, mà nếu tính trên 1,000 ha thì có ít nhất 2,000 người trồng. Số lượng người nông dân này lại bón phân khác nhau, làm cho chất lượng trái không đồng đều.
Đối với HAGL, khách hàng rất thích, giá sẽ cao hơn do có quy trình sản xuất, chất lượng đồng đều từ đầu đến cuối, “đây là thuận lợi nhất cho sầu riêng HAGL khi đưa vào hệ thống các siêu thị lớn, đương nhiên làm được điều này thì giá phải nhích hơn hoặc cao hơn nhiều”, ông Đức chia sẻ.
Thị trường khổng lồ cho sầu riêng, chuối?
Nói về thị trường, ông Đức cho biết thị trường thế giới đang bắt đầu ăn sầu riêng. Cách đây 10 năm, người Trung Quốc không ăn sầu riêng, Mỹ cũng vậy, nhưng nay đã có thể xuất khẩu đi Mỹ (cấp đông nguyên trái hoặc múi), thị trường châu Âu và Nhật Bản cũng tương tự.
Ở Trung Quốc hiện chỉ có 10% người dân ăn sầu riêng, do giá quá đắt. Nếu giá xuống 50,000 đồng/kg, người dân Trung Quốc ăn, theo ông Đức, thì cả nước Việt Nam không ai trồng đủ đẻ cung cấp.
Bầu Đức khẳng định sầu riêng có thể xuống giá chứ không thể không bán được.
Một may mắn nữa cho Việt Nam là Trung Quốc không trồng sầu riêng được, thậm chí từ đèo Hải Vân đổ ra cũng không trồng được, dẫn đến số sầu riêng cung ra thị trường không nhiều, cho nên giá càng ngày càng cao chứ không xuống. Giá 77,000 đồng/kg nói ở trên là giá bán xô, do năm vừa qua HAGL chỉ có “khoảng mấy chục công (container)” nên không qua Trung Quốc bán, do đó không phân loại, nếu phân loại trên 100,000 đồng/kg.
Năm 2024, HAGL sẽ bắt đầu khai thác sầu riêng cả ở Việt Nam và Lào, ước tính có khoảng 300 – 400 ha đi vào thu hoạch. Thời gian tới, HAGL dự kiến nâng diện tích sầu riêng, “trước mắt là 2,000 ha”, ông Đức thông tin.
Ngoài ra, HAGL cũng đang triển khai trồng ở Campuchia, khí hậu giống miền Tây (Việt Nam), trồng ở một số độ cao thấp để thu quanh năm.
Về chuối, HAGL có ba thị trường lớn là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, xác định Trung Quốc là thị trường số một, các thị trường Mỹ, châu Âu kén chọn, ông Đức không làm. HAGL vừa ký hợp đồng với Tập đoàn Pagoda ở Thâm Quyến, có hệ thống 16 ngàn cửa hàng, đồng thời Công ty này cũng đang niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông.
Chia sẻ thêm về Trung Quốc, ông cho biết thị trường này có văn hóa chào giá theo tuần. Mỗi thứ Ba hàng tuần, HAGL sẽ chào giá vào nhóm 500 nhà nhập khẩu đến từ Thượng Hải, Đại Liên, Thâm Quyến, Bắc Kinh…
Bầu Đức tự hào rằng: “HAGL là Công ty Việt Nam duy nhất có tên tại Trung Quốc”.
Những nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng không ép giá được, vì HAGL chủ động chào giá. Nếu 500 nhà nhập khẩu này không mua thì tiếp tục xuống giá, nếu chào được giá, hết sớm thì dừng lại. Còn đi từng công (container), doanh nghiệp nhỏ, số lượng không đủ lớn chắc sẽ bị ép giá. Ông Đức khẳng định phải một tuần xuất khẩu đi vài trăm công mới được cho vào nhóm này.
Còn thị trường Nhật Bản, một tuần HAGL xuất đi 40 container. Đây là thị trường cũng tương đối lớn, đã làm được 4 năm. Nhật Bản là thị trường ổn định, ví dụ, tháng 12 họ sẽ ký hợp đồng một năm, không xê dịch giá.
Ông Đức tóm lại, chuối xuất khẩu của HAGL với 65% là đi Trung Quốc còn lại là Nhật và Hàn Quốc là 35%.
“Làm nông nghiệp số lượng lớn như HAGL mà không có thị trường Trung Quốc là chết chắc”, ông nói về tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc.
Về kết quả kinh doanh quý 4/2023, lãnh đạo HAG ước tính không thu kém quý 3, dao động từ 200 – 300 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, HAGL có lợi nhuận hơn 700 tỷ đồng. Cộng với thu nhập bất thường đột biến từ Công ty TNHH MTV Quản lý Nợ và Khai thác Tài sản (Eximbank AMC), thì tổng thể HAGL ước đạt 2,150 tỷ đồng lợi nhuận. Bầu Đức lý giải, Eximbank AMC vừa qua có thông báo miễn giảm tiền lãi của các khoản vay, gần 1,425 tỷ đồng gồm lãi quá hạn và tiền phạt chậm trả lãi. Trên thực tế, Eximbank AMC đã giảm 1,200 tỷ đồng tiền lãi, khoản này HAG đã dự phòng trong các năm trước.
Ông Đức dự kiến sẽ xây dựng lợi nhuận năm 2024 cao hơn khoảng 25% năm 2023, dựa trên kỳ vọng vào chuối và sầu riêng, mảng heo có thể không tăng sản lượng, nhưng hi vọng giá tăng lại trong 2024.
* Công ty con của HAG đã trả 750 tỷ đồng nợ gốc và lãi cho Eximbank
Kha Nguyễn