Các ngân hàng, công ty tài chính luôn phân chia độ tuổi khách hàng kỹ càng, từ đó thiết kế các gói vay phù hợp, vừa đảm bảo khách hàng có thể vay, vừa đảm bảo an toàn cho chính các tổ chức tín dụng. Mỗi gói vay lại có những ưu điểm, nhược điểm riêng, kèm theo đó là những điều kiện vay mà khách hàng phải đáp ứng.
Khung độ tuổi và những đặc điểm tài chính riêng biệt
Các ngân hàng, công ty tài chính thường phân độ tuổi khách hàng là 3 phân khúc chính.
Độ tuổi từ 18 đến 25, đa phần là sinh viên hoặc mới ra trường, chưa chủ động nguồn thu nhập và không nhiều người có tài sản chính chủ.
Độ tuổi của những người thực sự trưởng thành, từ 25 đến 55 tuổi, có thu nhập thường xuyên. Nhiều tổ chức tín dụng đã phân nhỏ khung độ tuổi này thành hai hay ba khung nhỏ hơn, phù hợp với khả năng tích lũy của khách hàng.
Cuối cùng, khung tuổi từ 55 đến trên 60 tuổi, độ tuổi của những người sắp hoặc đã về hưu. Theo luật Lao động, độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 55 tuổi, nam giới là 60 tuổi và các tổ chức tín dụng căn cứ theo mốc này. Đa phần khách hàng ở tuổi này đều sụt giảm thu nhập và đối diện với rủi ro sức khỏe.
Đặc điểm gói vay cho độ tuổi 18 – 25
Các gói vay cho độ tuổi này hầu hết là tín chấp. Nhiều ngân hàng có gói vay chuyên biệt cho sinh viên nhưng hạn mức không cao, tối đa cũng chỉ 4 triệu đồng/tháng/sinh viên theo quy định. Kèm theo đó là nhiều điều kiện như phải có xác nhận của nhà trường và địa phương cư trú. Ngân hàng Chính sách Xã hội còn yêu cầu sinh viên phải thuộc đối tượng gia đình chính sách trong khi các ngân hàng thương mại thường ưu tiên cho sinh viên có thành tích học tập tốt. Các công ty tài chính không có gói vay chuyên biệt nhưng có gói vay tín chấp, người vay chỉ cần đáp ứng được các điều kiện như không có nợ xấu, xác minh địa chỉ cư trú là đã có thể vay, trong đó có sinh viên. Một số ít sinh viên có thể vay thế chấp tài sản khi mua xe máy, laptop hay điện thoại phục vụ học tập. Các ngân hàng, công ty tài chính xếp các gói vay này vào hạng mục vay tiêu dùng trả góp.
Lãi suất của ngân hàng Chính sách xã hội là thấp nhất, chỉ 0,65%/tháng. Lãi suất các ngân hàng thương mại cao hơn, dao động từ khoảng 7% – 10%/năm, thậm chí lên đến 15%/năm. Lãi suất của công ty tài chính còn cao hơn, có những gói mà lãi suất lên đến 4%/tháng. Lãi suất các khoản vay tiêu dùng cũng cao, có khi lên đến 20%/năm.
Đặc điểm gói vay dành cho độ tuổi từ 25 – 55
Đây là phân khúc khách hàng rộng nhất và cũng là nơi các ngân hàng, công ty tài chính “so găng” quyết liệt nhất với hàng trăm gói vay theo cả hai hình thức thế chấp và tín chấp.
Với vay thế chấp, các ngân hàng thường ưu tiên tài sản có giá trị cao như bất động sản, ô tô. Hạn mức vay cao, lên đến 3 đến 5 tỷ đồng đối với bất động sản và từ vài trăm triệu đến 1,5 tỷ đồng đối với xe ô tô. Thời gian vay dài, lên đến 120 tháng. Lãi suất cũng đa dạng, thường thì bằng lãi suất tiền gửi cố định + 3% biên độ, tùy từng ngân hàng. Các công ty tài chính cũng cho vay thế chấp nhưng tập trung vào các tài sản có giá trị thấp hơn như ô tô, xe máy, điện thoại, laptop… Hạn mức vay không cao, hầu như không có các khoản vay trị giá hơn 1 tỷ đồng. Lãi suất ở đây cao hơn ngân hàng, có khi cao hơn đến 150% hay 200%, nhưng điều kiện, thủ tục và thời gian duyệt vay lại được tinh giảm hơn.
Với vay tín chấp, thời gian vay sẽ ngắn hơn, lâu nhất cũng chỉ 48 tháng. Hạn mức vay tối đa cũng chỉ 500 triệu đồng, trừ một số trường hợp đặc biệt. Lãi suất giao động từ 17% – 35%/năm, tùy trường hợp cụ thể. Với các công ty tài chính, lãi suất có khi còn vượt 40%/năm, thậm chí có sản phẩm tiệm cận mức 70%/năm.
Các gói vay dành cho đối tượng từ 55 đến trên 60 tuổi
Đây là phân khúc vay khá nhạy cảm và trên thực tế, nhiều công ty tài chính đang “né” phân khúc này trong khi chỉ có một số ít ngân hàng tham gia. Các khoản vay dành cho độ tuổi này đều là thế chấp. Lý do là khi khách hàng gặp rủi ro về sức khỏe, ngân hàng vẫn có cơ sở để thu hồi nợ. Tài sản đảm bảo thường là bất động sản và sổ tiết kiệm. Cũng có một số ngân hàng triển khai cho khách hàng trên 60 tuổi vay bằng cách đặt họ vào vị trí ủy quyền cho người thân đứng ra vay hoặc bảo lãnh cho người thân vay. Ngay cả như thế, lượng khách hàng trên 60 tuổi vay tiền là rất khiêm tốn so với hai độ tuổi còn lại. Chính các ngân hàng cũng không quá đặt trọng tâm kinh doanh vào đối tượng khách hàng trên 60 tuổi này.
Song hành với các ngân hàng và công ty tài chính, một số hình thức cấp tín dụng khác như cho vay cầm cố tài sản (cầm đồ) cũng áp dụng khung độ tuổi trên. F88, một công ty cầm đồ hợp pháp với hơn 800 phòng giao dịch trên toàn quốc cũng xác định độ tuổi khách hàng mình phục vụ là từ 18 – 65 và tùy vào tuổi khách hàng, công ty này cũng sẽ đề xuất các giải pháp vay tiền phù hợp.
Tất nhiên, bằng cách này hay cách khác, các tổ chức tín dụng vẫn tìm cách đáp ứng nhu cầu vay tiền của khách hàng cá nhân thuộc mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, các sản phẩm vay có thể được thay đổi ít nhiều nhưng vẫn vừa đảm bảo hỗ trợ được khách hàng, vừa an toàn cho các tổ chức tín dụng.