Bài 1: Kinh tế 2024: Nhiều kỷ lục, ‘đại bàng’ tỷ USD dọn ổ dù thận trọng bao trùm
Lời tòa soạn: Năm 2024 chứng kiến nhiều biến động của tình hình kinh tế chính trị thế giới. Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam đã “vượt ngàn chông gai” để về đích với những con số ấn tượng về tăng trưởng, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài,… Cùng với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân… nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tạo đà vững chắc tiến vào kỷ nguyên mới.
Cùng VietNamNet điểm lại những sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2024 với niềm tin mới, sức sống mới cho chặng đường tiếp theo.
Thiết lập hàng loạt kỷ lục mới
Chưa năm nào ngành nông nghiệp hết khó khăn. Năm 2024, ngoài những thách thức khi thị trường thế giới biến động mạnh, hàng triệu hộ nông dân, hàng chục nghìn doanh nghiệp phải gồng mình để vượt qua “cú sốc thiên tai”, đặc biệt là cơn bão số 3 Yagi gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp lên tới 31.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, ngành nông nghiệp đã nỗ lực vượt qua những khó khăn và thách thức, không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, mà xuất khẩu nông lâm thủy sản còn lập kỷ lục lịch sử.
Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, sau năm 2023 chững lại, xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp đã bứt tốc mạnh trong năm 2024, đem về kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm trước (tương đương tăng 9,3 tỷ USD).
Đáng chú ý, xuất siêu ngành nông nghiệp đạt kỷ lục mới 18,6 tỷ USD. Trong khi, từ năm 2015 đến 2023, con số xuất siêu chỉ dừng ở mức 6,54-12,16 tỷ USD. Tức, xuất siêu năm nay tăng 53,1% so với năm 2023 và gấp khoảng 2,8 lần năm 2021.
Năm 2024, tất cả các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực trong ngành nông nghiệp đều ghi nhận mức tăng trưởng dương. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giữ vị trí số 1 về kim ngạch với 16,1 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm ngoái.
Ngoài ra, hàng loạt nhóm mặt hàng nông sản cũng đua nhau thiết lập kỷ lục mới.
Đơn cử, xuất khẩu cà phê xô đổ tất cả các kỷ lục lịch sử trước đó, thu về 5,5 tỷ USD trong năm 2024 bất chấp sản lượng cà phê giảm. So với năm 2023, kim ngạch xuất khẩu loại hạt “giàu vị đắng” này tăng 28,7%. Giá bình quân xuất khẩu cũng tăng 56%, còn giá cà phê nhân tại thị trường nội địa neo ở mức cao từ 100.000-134.000 đồng/kg giúp người nông dân Tây Nguyên bội thu tiền tỷ.
Trước những con số kỷ lục này, ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam, nhận xét, 2024 là năm vô cùng đặc biệt với ngành cà phê. Lần đầu tiên giá cà phê Việt Nam đắt nhất thế giới.
Còn các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, đây là “năm thần kỳ” của cà phê Việt Nam. Giá lên cao đến mức người ta “nằm mơ cũng không thấy”. Không chỉ vậy, cà phê Việt ngày càng thể hiện vai trò quan trọng chi phối cung cầu cũng như giá cả trên thị trường thế giới.
Với khối lượng xuất khẩu 9,01 triệu tấn, thu về gần 5,8 tỷ USD, ngành gạo của nước ta cũng lập kỷ lục lịch sử cả về sản lượng lẫn giá trị kể từ năm 1989 (năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo) đến nay.
Cùng với đó, hạt gạo Việt Nam tiếp tục khẳng định chất lượng trên thị trường quốc tế với giá bán neo cao và đắt đỏ nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất gạo chất lượng cao và phát thải thấp trên quy mô lớn 1 triệu ha.
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam lần đầu tiên đạt 4,3 tỷ USD, tăng tăng 19,1% so với năm ngoái, duy trì vị thế quốc gia xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới trong gần 2 thập kỷ. Trong khi, ngành hàng hồ tiêu cũng quay lại thời hoàng kim khi giá trị xuất khẩu loại hạt này vượt qua mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.
Năm 2024, xuất khẩu rau quả cũng lập kỷ lục lịch sử 7,2 tỷ USD, vượt xa con số 5,6 tỷ USD của năm 2023. Trong đó, đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả phải kể đến sản phẩm sầu riêng.
Loại trái cây “tỷ đô” này của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục, từ con số 2,3 tỷ USD năm 2023 đã vọt lên 3,5 tỷ USD trong năm 2024 – mức cao nhất lịch sử, và sắp bắt kịp đối thủ cạnh tranh Thái Lan tại thị trường Trung Quốc.
Chuyển mình vươn lên tầm cao mới
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận, những điểm sáng và kỷ lục trong xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 cho thấy ngành nông nghiệp có sự chuyển mình vươn lên tầm cao mới.
Theo Thứ trưởng, sự chuyển mình của ngành nông nghiệp hôm nay cũng là kết quả của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ.
Việc khắc phục hạn mặn, phát triển vùng nguyên liệu gắn kết với chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu đã tạo động lực cho ngành phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc ký kết nghị định thư và hàng loạt hiệp định thương mại đã tạo nền tảng vững chắc, giúp thúc đẩy kim ngạch song phương giữa các bên tăng trưởng đột phá.
Song, thành quả xuất khẩu của ngành nông nghiệp không chỉ là những con số tăng trưởng, mà người nông dân ở nước ta đã gia tăng thu nhập trên những mảnh vườn thửa ruộng. Điệp khúc “được mùa rớt giá” hay “giải cứu nông sản” gần như không còn xuất hiện. Thay vào đó, người nông dân trồng sầu riêng có thể thu lãi tới 1-2 tỷ đồng/ha, nông dân trồng cà phê cũng “hái ra tiền tỷ” khi giá mặt hàng này phá đỉnh lịch sử…
Ở một số vùng như Tây Nguyên, người dân giờ không còn lo cái ăn cái mặc, cuộc sống khấm khá và ổn định nhờ trúng giá sầu riêng, cà phê, hồ tiêu… Kết thúc vụ thu hoạch, nông dân có tiền tỷ, phấn khởi tậu ô tô, xây nhà.
Từ một số nhóm hàng sản lượng xuất khẩu giảm nhưng giá trị lại tăng mạnh, theo các chuyên gia, đây là minh chứng cho thấy hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp chuyển từ coi trọng số lượng sang chất lượng, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường.
Về cơ hội trong năm 2025 để nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN-PTNT) nêu vấn đề: “Chúng ta đã đạt kỷ lục, có sự đột phá nhưng làm sao để phát triển bền vững”.
Với mục tiêu Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, ông lưu ý chúng ta đã cố gắng về sản lượng nhưng không thể bỏ quên chất lượng. Hai vấn đề này phải luôn song hành với nhau. Bởi, nếu cứ mải mê tăng trưởng, không cẩn thận lại rơi vào cái bẫy chạy theo sản lượng.
Cùng với đó, nông dân và doanh nghiệp phải tự thay đổi và thích ứng. Sản xuất cần chuyển hướng xanh và bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Đây cũng là các tiêu chuẩn mà nhiều quốc gia đang hướng tới, dần áp dụng với hàng hóa nhập khẩu. Ví như, người mua hàng châu Âu yêu cầu phải có chứng nhận ASC, chứng chỉ về ESG…
Thực tế, những thuận lợi và khó khăn luôn đi cùng nhau. Năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ký các nghị định thư về các sản phẩm động vật, thủy sản… để mở cửa các thị trường mới, đặc biệt là thị trường Halal ở Trung Đông.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, những lợi thế tiềm năng của nông nghiệp đang khơi thông và sẽ là nền tảng để về đích các mục tiêu của năm 2025 với quy mô tỷ suất hàng hóa lớn hơn của nông sản Việt.