Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 28/7/1995, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước. Trong gần ba thập kỷ qua, Việt Nam đã khẳng định vai trò là một thành viên chủ động, trách nhiệm và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của ASEAN.
ĐÓNG GÓP VÀ TẦM NHÌN CHUNG CỦA VIỆT NAM TRONG ASEAN
Tại buổi chia sẻ C asean Việt Nam 2024 với chủ đề “Việt Nam trong ASEAN” vừa được tổ chức bởi C asean tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong các sáng kiến và cơ chế hợp tác của ASEAN, đặc biệt trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế, văn hóa và phát triển bền vững. Việt Nam đã ba lần đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào các năm 1998, 2010 và 2020, ghi dấu ấn đậm nét trong việc thúc đẩy đoàn kết nội khối và nâng cao vị thế quốc tế của ASEAN.
Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã chủ động tham gia xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), tạo điều kiện thúc đẩy thương mại nội khối và mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài. Những hiệp định quan trọng như Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với hội nhập kinh tế khu vực.
Hoạt động thương mại giữa Việt Nam và ASEAN luôn duy trì kết quả tích cực. Trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN đạt 76,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 33,8 tỷ USD, trong khi nhập khẩu đạt 42,4 tỷ USD.
Về đầu tư, các quốc gia ASEAN đã đầu tư 9,52 tỷ USD vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2024, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Singapore dẫn đầu khối ASEAN về vốn đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn lên tới 9,13 tỷ USD, tiếp theo là Thái Lan với 178,52 triệu USD và Malaysia với 159,98 triệu USD,…
Nhận xét về mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và ASEAN, ông Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Trưởng Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN của Việt Nam, nhận định rằng năm 2025 sẽ đánh dấu cột mốc tròn 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào các sáng kiến ASEAN về thương mại, đầu tư, an ninh và phát triển bền vững.
Đặc biệt, quan hệ giữa Việt Nam – ASEAN đã trải qua bốn giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là xây dựng lòng tin. Thứ hai là bắt kịp hội nhập. Thứ ba là làm quen với phương cách ASEAN. Giai đoạn hiện tại cùng nhau xây dựng tương lai, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững và thực chất.
“Việt Nam luôn chủ động và tích cực điều chỉnh chính sách phù hợp với tầm nhìn của ASEAN nhằm xây dựng một khu vực hòa bình, thịnh vượng và đoàn kết”, ông Vinh nhấn mạnh.
KẾT NỐI HOẠT ĐỘNG VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, GIAO LƯU VĂN HÓA
Bên cạnh các lĩnh vực kinh tế, hợp tác về môi trường cũng là một mảnh ghép quan trọng và nổi bật trong bức tranh quan hệ giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Chia sẻ về lĩnh vực hợp tác này, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết trong suốt 30 năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều hoạt động chung với cộng đồng ASEAN, bao gồm Nhóm công tác về Thành phố bền vững, Nhóm công tác về Hóa chất và Chất thải, cũng như Nhóm công tác về Biển. Đặc biệt, hợp tác trong quá trình chuyển đổi kinh tế xanh đã ghi nhận dấu ấn với Sáng kiến phát triển kinh tế biển xanh.
Từ năm 2023, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm công tác về Thành phố bền vững. Cũng trong năm này, Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị Nhóm công tác về Hóa chất và Chất thải. Đáng chú ý, năm 2024 đánh dấu bước tiến quan trọng khi Việt Nam và các nước ASEAN cùng đưa ra những tuyên bố chung đầy ý nghĩa như Tuyên bố của ASEAN tại Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) và Hội nghị lần thứ 16 các Bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (CBD COP16),..
“Những nỗ lực trong bảo vệ môi trường không chỉ thể hiện trách nhiệm chung mà còn là những mảnh ghép quan trọng giúp bức tranh hợp tác giữa Việt Nam và ASEAN trở nên toàn diện và sâu sắc hơn”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Không những thế, Việt Nam còn tích cực thúc đẩy giao lưu văn hóa, trao đổi giáo dục và hợp tác thanh niên trong khu vực ASEAN nhằm tăng cường kết nối và củng cố tình đoàn kết giữa các quốc gia thành viên.Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh Việt Nam đã chủ động hội nhập sâu rộng và giữ vai trò quan trọng trong cộng đồng ASEAN.
“Trong suốt quá trình này, Việt Nam và các nước ASEAN đã cùng nhau triển khai nhiều dự án hợp tác, từ bảo tồn di sản văn hóa, phát triển điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn cho đến các hoạt động giao lưu thanh niên. Những nỗ lực ấy không chỉ thúc đẩy sự phát triển bền vững mà còn góp phần xây dựng tình hữu nghị sâu sắc giữa các dân tộc trong ASEAN”, bà Hòa chia sẻ.
THÚC ĐẨY SÁNG KIẾN MỚI, XÂY DỰNG MỘT ASEAN GẮN KẾT BỀN VỮNG
Với những thành tựu ấn tượng đã đạt được trong suốt các thập kỷ qua, ASEAN đang đứng trước cả thách thức lẫn cơ hội to lớn. Ông Phạm Quang Vinh nhận định rằng ASEAN hiện nằm ở vị trí trung tâm của khu vực địa chiến lược quan trọng bậc nhất thế giới là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây là nơi hội tụ của các nền kinh tế chủ chốt toàn cầu, vừa tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt, vừa mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng về kinh tế và chính trị.
Tuy nhiên, ông Vinh tin tưởng rằng ASEAN sở hữu những cơ chế hợp tác đặc thù, mang tính khu vực nhưng có khả năng kết nối hiệu quả với các đối tác quan trọng trên toàn cầu. Đây chính là một trong những điểm mạnh nổi bật giúp ASEAN giữ vững vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình.
“Tôi hy vọng rằng vào năm 2025, khi Malaysia xây dựng tầm nhìn và kế hoạch hành động cho giai đoạn tới năm 2045, ASEAN sẽ gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật và vượt qua những thách thức phía trước”, ông Vinh chia sẻ.
Khi đề cập đến hợp tác phát triển bền vững và sáng kiến kinh tế biển xanh của Việt Nam và ASEAN, ông Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi mô hình kinh tế sang hướng bền vững là một xu thế tất yếu. ASEAN có lợi thế đặc biệt khi hầu hết các quốc gia thành viên đều sở hữu đường bờ biển dài, ngoại trừ Lào. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển xanh, tạo ra những giá trị bền vững cho toàn khu vực.
Kinh tế biển xanh không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực truyền thống mà còn mở rộng ra nhiều ngành quan trọng như logistics, vận tải biển, văn hóa và du lịch. Sáng kiến này không chỉ giúp Việt Nam mà còn cả ASEAN khai thác hiệu quả tiềm năng biển, đồng thời giải quyết những thách thức lớn như ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển.
“Việt Nam đang tích cực tham gia vào sáng kiến này thông qua việc xây dựng và thực thi các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển xanh, cùng với lộ trình chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp. Tôi hy vọng rằng trong năm 2025, ASEAN sẽ đưa ra những định hướng và kế hoạch hành động cụ thể, qua đó từng bước tận dụng và phát huy tối đa lợi thế từ sáng kiến kinh tế biển xanh”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả hợp tác trong khu vực ASEAN chính là vai trò của các đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia thành viên. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Chí Thành, Cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, cho rằng các đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia ASEAN không chỉ đóng vai trò kết nối thương mại mà còn là cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia ASEAN.
Việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước ASEAN vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là với những quốc gia có ít điểm tương đồng văn hóa với Việt Nam. Trong khi mối quan hệ Việt Nam – Thái Lan đã có nhiều nét tương đồng, thì với các quốc gia khác, vai trò của các đại sứ quán càng trở nên quan trọng trong việc kết nối, thu hẹp khoảng cách và xây dựng lòng tin.
“Tôi tin tưởng rằng các đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia thuộc Asean cũng như Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục làm tốt vai trò kết nối không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa giữa Việt Nam và các nước ASEAN”, ông Thành khẳng định.