Giá vàng hôm nay (11/4): Theo cập nhật của Dân Việt, giá vàng SJC đang được niêm yết quanh mức 82,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 84,62 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Công ty VBĐQ Sài Gòn.
Trong khi đó, giá vàng 999 (giá vàng nhẫn) đang được doanh nghiệp này niêm yết quanh mức 74,8 triệu đồng và 76,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tuy nhiên, đây không phải là mức giá mua/bán vàng nhẫn cao nhất trên thị trường hiện nay.
Giá vàng hôm nay, tại Doji đang niêm yết ở mức bán ra gần 78 triệu đồng/lượng (giá vàng 999 Hưng Thịnh Vượng). Hay như tại Bảo tín Minh Châu, giá vàng 9999 – Vàng rồng Thăng Long mặc dù đã giảm so với phiên ngày hôm qua song giá vàng nhẫn tròn trơn hiện tại đang được mua vào ở mức 76,28 triệu đồng/lượng và 78,26 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hôm nay tại thị trường trong nước điều chỉnh nhẹ trong phiên sáng nay tại thị trường trong nước, trong bối cảnh giá vàng trên thế giới trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Mỹ) đã giảm xuống dưới 2.340 USD/ounce, rút lui khỏi mức cao kỷ lục, do dữ liệu CPI của Mỹ nóng lên, làm giảm kỳ vọng thị trường về việc nới lỏng tiền tệ của Fed. Cả chỉ số giá tiêu dùng và tỷ lệ lạm phát cơ bản đều cao hơn ước tính trong tháng 3, khiến phần lớn các nhà phân tích chuyển sang đặt cược vào đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed từ tháng 6 đến tháng 9.
Giá vàng liên tục “nhảy số”: Có bất thường?
Tuy giá vàng đầu giờ sáng nay chưa có nhiều biến động, song với mức giá hiện tại giá vàng SJC đã “cộng” thêm hơn 10% so với đầu năm và 20% đối với giá vàng 9999 (giá vàng nhẫn). Đáng chú ý, có những ngày giá vàng trong nước liên tục “nhảy số” và không ngừng thiết lập các mức đỉnh chưa từng có trong lịch sử. Thậm chí, giá vàng tăng tới 3 triệu đồng chỉ trong một ngày (như ngày 10/4).
Giới phân tích đều có chung nhận định cho rằng, những biến động của giá vàng trong nước là “bình thường” và theo diễn biến của giá vàng thế giới.
“Chúng ta hay nói thị trường vàng trong nước và thị trường vàng quốc tế không liên thông, thế nhưng thực tế khi giá vàng quốc tế tăng thì giá vàng trong nước cũng điều chỉnh tăng và ngược lại. Những diễn biến vừa qua của giá vàng SJC và giá vàng 9999, giá vàng nhẫn chủ yếu vẫn là do biến động của giá vàng thế giới”, ông Đinh Nho Bảng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nói với Dân Việt.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa – Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia bổ sung thêm: Theo quan sát, giá vàng thế giới thời gian qua tăng mạnh, giá vàng trong nước tăng theo, trong đó giá vàng 9999 tăng tương đồng với giá vàng thế giới và giá vàng SJC tăng với tốc độ chậm hơn. Điều này không có vấn đề gì bất thường. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường đang dần ổn định. Nếu giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước không tăng, hoặc giảm giá, có thể dẫn tới hiện tượng “xuất vàng” ra nước ngoài. Điều này không phù hợp.
Về nguyên nhân giá vàng thế giới được củng cố và vẫn giữ được tiềm năng tăng giá, đó là do áp lực về giá cả và căng thẳng địa chính trị, khiến các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn trước những rủi ro.
Ngoài ra, nhu cầu vàng rất mạnh trong năm nay nhờ hoạt động mua của ngân hàng trung ương, đặc biệt là các ngân hàng ngoài phương Tây đã mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của họ khỏi đồng Đô la Mỹ và đồng tiền Trung Quốc không ổn định.
Điểm “bất thường” nằm ở đâu?
Khẳng định, việc giá vàng lên – xuống theo giá vàng thế giới là bình thường, song ông Đinh Nho Bảng thừa nhận một điểm “bất thường” đó là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới còn lớn. Thế nhưng, đây không phải là điểm “bất thường” bây giờ mới xuất hiện, mà đã được nhận diện và các nhà làm chính sách đang “tìm giải pháp” để hóa giải vấn đề này.
“Bất thường này được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chính là do Việt Nam là do nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường trong suốt hơn 10 năm qua không có mà chỉ có cầu của người dân cần mua nên dẫn đến giá vàng miếng SJC thường xuyên cao hơn nhiều giá vàng quốc tế quy đổi.
Sự chênh lệch giá này cũng là do Việt Nam trong hơn 10 năm qua doanh nghiệp không được nhập vàng nguyên liệu nên đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế có khi lên đến 20 triệu đồng/lượng.
Hiện nay, mức chênh lệch đã được rút ngắn sau khi có thông tin cho rằng sẽ bỏ quy định cấm độc quyền, song vẫn cao. Theo tôi, mức chênh hợp lý chỉ nên duy trì ở mức 3 triệu đồng/lượng”, ông Bảng cho hay.
Quan ngại về vàng hóa?
Việc giá vàng tăng cao, theo ông Bảng chưa có tác động nhiều tới điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, và các cân đối vĩ mô.
“Ngân hàng Nhà nước đã có đánh giá cho thấy, thị trường vàng chưa có ảnh hưởng gì bất lợi đối với điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, vĩ mô. Nếu có ảnh hưởng, tôi cho rằng cơ quan này ngay lập tức sẽ có động thái can thiệp. Nếu có, giá vàng nhảy múa như hiện nay chỉ tác động tới tâm lý của người dân”, ông nói.
Dù vậy, theo ông Bảng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có báo cáo, đánh giá về Nghị định 24, từ đó sớm sửa đổi các quy định này cho phù hợp theo hướng cho phép một số doanh nghiệp được nhập khẩu vàng với số lượng phù hợp.
Cũng có ý kiến cho rằng, khi giá vàng tăng “điên đảo” như thời gian vừa qua, nhà đầu tư vui nhưng nền kinh tế có khi lại “khóc”.
“Đầu tư vàng ở Việt Nam là mang vàng về nhà. Khi vàng lên, nhà đầu tư cười, nhưng đứng ở góc độ nền kinh tế thì có thể là nền kinh tế sẽ khóc, bởi một lượng vốn lớn được “chôn” vào vàng và cất trong kho”, vị chuyên gia cho hay.
Còn nhớ trong quá khứ, giai đoạn 2009 – 2011 thị trường vàng cũng “nhảy múa” khiến thị trường choáng váng và để lại những hệ lụy đối với nền kinh tế. Thời điểm đó việc cho phép các ngân hàng huy động và cho vay vàng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng “sốc” của giá vàng, một ngày giá vàng lên xuống tới 35 lần.
Thời điểm hiện tại, dù biến động liên tục song, giá vàng trong nước tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới và khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới cũng đã thu hẹp đáng kể. Đây là dấu hiệu cho thấy sự ổn định nhất định của thị trường vàng, theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa.
“Chúng ta không phải lo ngại về tình trạng vàng hóa nền kinh tế ở thời điểm này. Theo định nghĩa của IMF, USD hóa hay vàng hóa với điều kiện hệ thống ngân hàng nhận tiền gửi bằng vàng/bằng đô la và cho vay bằng vàng/bằng đô la. Giai đoạn 2009 – 2011, chúng ta cho phép điều đó. Và một số ngân hàng thương mại lợi dụng quy định này giảm thiểu kinh doanh ngân hàng và chuyển sang kinh doanh vàng, từ đó tạo ra cú sốc về vàng. Sau đó, ngân hàng Nhà nước thấy rằng, cần ra Nghị định 24 và không cho phép các ngân hàng thương mại cho vay và huy động bằng vàng. Vì vậy, không phải lo chuyện lặp lại như ngày xưa”, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay.
Theo nguồn tin của Dân Việt, ngày hôm qua đã diễn ra cuộc họp để bàn về các giải pháp cho thị trường vàng. Tại cuộc họp đã có nhiều đề xuất, kiến nghị được đưa ra. Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã có văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp.
Theo kiến nghị của Hiệp hội, trước mắt cho phép 3 doanh nghiệp (PNJ, SJC, DOJI) được nhập 1,5 tấn vàng/năm (mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng/năm). Các doanh nghiệp sẽ không nhập cùng lúc tất cả 1,5 tấn vàng mà sẽ chia làm nhiều lần nhập, tùy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.
Việc đưa ra con số 1,5 tấn, theo Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam là không lớn, phù hợp với thị trường, bởi nhu cầu vàng nữ trang trong nước lên tới 20 tấn. Đại diện VGTA còn cho biết, nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường phong phú hơn. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ giảm, chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế được rút ngắn lại. Như vậy, người dân được hưởng lợi và thị trường vàng sẽ bình ổn.