Trong kỷ nguyên số hóa, khối lượng dữ liệu được tạo ra hàng ngày là vô cùng lớn. Từ các hoạt động trên mạng xã hội, giao dịch thương mại điện tử, đến internet vạn vật (Internet of Things), dữ liệu được thu thập từ mọi nguồn và mọi lúc. Thống kê đóng vai trò then chốt trong việc thu thập, phân tích và hiểu rõ ý nghĩa của những dữ liệu này.
Các công cụ và phương pháp thống kê giúp chuyển đổi dữ liệu thô thành thông tin có giá trị, hỗ trợ việc ra quyết định chính xác và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, thống kê còn khám phá kiến thức mới, những quy luật mới ẩn giấu bên trong các dữ liệu, biến dữ liệu thành nguồn lực phát triển mới, mở ra các cơ hội phát triển và tri thức mới.
KHOA HỌC THỐNG KÊ TÁC ĐỘNG ĐẾN MỌI MẶT ĐỜI SỐNG KINH TẾ – XÃ HỘI
Trong lĩnh vực kinh tế, thống kê được sử dụng để đo lường và đánh giá các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, phân tích xu hướng phát triển, dự báo kinh tế tăng trưởng hay suy thoái và đánh giá hiệu quả của các chính sách kinh tế. Các doanh nghiệp sử dụng thống kê để phân tích hành vi khách hàng, tối ưu hóa chiến lược marketing, và quản lý rủi ro. Việc phân tích dữ liệu thống kê giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng, từ đó cải thiện sản phẩm và dịch vụ của mình.
“Kỷ nguyên vươn mình đòi hỏi hệ thống thống kê phải không ngừng cải tiến và ứng dụng công nghệ mới.
Trên thực tế, để so sánh sự phát triển giữa các quốc gia thì phải so sánh cùng một chỉ tiêu; hoặc để phản ánh sự phát triển về kinh tế, xã hội của thế giới thì phải tính toán dựa trên chỉ tiêu của từng quốc gia. Chính vì vậy, Thống kê là một ngành đặc thù mang tính khoa học, tính toàn cầu, tính quốc tế và chuẩn mực chung. Thông qua dữ liệu thống kê chính xác và minh bạch, Việt Nam đã xây dựng niềm tin với các nhà đầu tư và các quốc gia phát triển, thúc đẩy hợp tác và đầu tư vào một nền kinh tế năng động, đồng thời khẳng định vị thế là một trong những thị trường lớn trên thế giới.
Trong y học, thống kê đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu dịch tễ, thử nghiệm lâm sàng và phân tích hiệu quả các phương pháp điều trị. Thống kê giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về sự phân bố của bệnh tật, yếu tố nguy cơ, hiệu quả của các biện pháp can thiệp và cải thiện các chính sách y tế công cộng, chất lượng chăm sóc sức khỏe.
Trong giáo dục, thống kê là công cụ được sử dụng để đánh giá chất lượng giáo dục, phân tích kết quả học tập, nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến thành tích học tập của học sinh. Thống kê giáo dục giúp các nhà quản lý giáo dục đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu, từ đó cải thiện chất lượng giảng dạy và học tập.
Trong quản lý doanh nghiệp, thống kê được sử dụng để phân tích hiệu quả hoạt động, đánh giá năng suất lao động, và quản lý chất lượng. Thống kê quản lý giúp các nhà lãnh đạo hiểu rõ hơn về hiệu quả của các bộ phận trong công ty, từ đó đưa ra các biện pháp cải tiến và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) không thể thiếu vai trò của thống kê. Các mô hình AI và học máy đều dựa trên các nguyên lý thống kê để học từ dữ liệu và dự đoán tương lai. Thống kê cung cấp cơ sở lý thuyết và các công cụ phân tích dữ liệu để xây dựng và kiểm tra các mô hình AI. Với sự hỗ trợ của thống kê, AI có thể giải quyết các vấn đề phức tạp, mang lại nhiều lợi ích trong nhiều lĩnh vực và hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh.
VAI TRÒ CỦA NGÀNH THỐNG KÊ TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển đất nước, thể hiện những bước chuyển mình mạnh mẽ về tư duy và cách thức lãnh đạo, điều hành đất nước để đạt được những khát vọng, thành tựu vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tầm nhìn chiến lược sâu rộng và quyết đoán, các ưu tiên được đặt vào cải cách hệ thống chính trị tinh – gọn –mạnh, hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, năng lượng và chuyển đổi số. Từ đó khơi dậy niềm tin, khát vọng và tinh thần đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
Kỷ nguyên mới không chỉ mở ra cơ hội để Việt Nam bứt phá và khẳng định vị thế trên trường quốc tế, mà còn đặt ra những yêu cầu cao về sự quyết tâm, sáng tạo và kiên trì trong lãnh đạo. Mục tiêu lớn lao đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển với thu nhập cao, xã hội công bằng, văn minh, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới, góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc. Để thực hiện các mục tiêu trong kỷ nguyên mới, các quyết sách chính trị và kinh tế phải dựa trên một hệ thống thông tin thống kê đầy đủ, chính xác, minh bạch và kịp thời.
Trong suốt quá trình phát triển của đất nước, vai trò của Cơ quan Thống kê Trung ương luôn khẳng định được sứ mệnh, vai trò quan trọng trong điều phối hoạt động thống kê nhà nước và cung cấp thông tin thống kê kinh tế – xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành; đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng tăng của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Công tác thống kê luôn khẳng định là một ngành khoa học, chuyên môn, chuyên sâu để phản ánh tất cả các hoạt động trong bức tranh tổng thể về kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, hoạt động thống kê liên quan đến hầu hết các ngành, lĩnh vực như: kinh tế, xã hội, sinh học, y học, khí tượng thủy văn… Trong kỷ nguyên mới, dữ liệu thống kê trở thành tài nguyên quý giá, là công cụ, cơ sở quan trọng trong các chính sách vươn mình của đất nước, góp phần quan trọng trong việc đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Trong kỷ nguyên này, các hoạt động kinh tế diễn ra nhanh chóng với tốc độ phát triển cao, gắn với thời đại số hóa, dữ liệu được tạo ra với khối lượng lớn chưa từng có. Cơ quan Thống kê Trung ương đóng vai trò quan trọng trong thu thập, phân tích và diễn giải khối lượng dữ liệu khổng lồ này, giúp các nhà Lãnh đạo đưa ra các quyết định chiến lược trong những bước phát triển quan trọng của đất nước.
Dữ liệu thống kê góp phần giới thiệu kỷ nguyên mới của Việt Nam ra thế giới: Thống kê là một ngành có tính hội nhập cao, sự gắn kết và hội nhập trong thống kê giữa các nước được thể hiện qua các chỉ tiêu thống kê có cùng tiêu chuẩn và phương pháp luận được thống nhất trên toàn thế giới.
Trên thực tế, để so sánh sự phát triển giữa các quốc gia thì phải so sánh cùng một chỉ tiêu; hoặc để phản ánh sự phát triển về kinh tế, xã hội của thế giới thì phải tính toán dựa trên chỉ tiêu của từng quốc gia. Chính vì vậy, Thống kê là một ngành đặc thù mang tính khoa học, tính toàn cầu, tính quốc tế và chuẩn mực chung. Thông qua dữ liệu thống kê chính xác và minh bạch, Việt Nam đã xây dựng niềm tin với các nhà đầu tư và các quốc gia phát triển, thúc đẩy hợp tác và đầu tư vào một nền kinh tế năng động, đồng thời khẳng định vị thế là một trong những thị trường lớn trên thế giới.
Với vai trò cung cấp thông tin chi tiết về mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và môi trường, trở thành công cụ không thể thiếu trong việc giúp các nhà lãnh đạo đánh giá tình hình thực tế và đưa ra các chiến lược phát triển phù hợp. Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình đòi hỏi hệ thống thống kê phải không ngừng cải tiến và ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, từ đó giúp Việt Nam phát triển một cách bền vững và hiệu quả.
Thống kê không chỉ giúp theo dõi, đo lường những biến động trong nền kinh tế, xã hội mà còn cung cấp thông tin về chất lượng sống của người dân, từ đó giúp các cơ quan nhà nước đưa ra các quyết định đúng đắn và phù hợp với thực tế. Trong kỷ nguyên số, thống kê đã chuyển mình mạnh mẽ từ những phương pháp truyền thống sang các phương pháp hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo vào quá trình thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu.
Tóm lại, Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam chính là kỷ nguyên mà thống kê sẽ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, góp phần xây dựng một quốc gia hùng cường, hiện đại và bền vững.
—
(*) Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Thống kê, Tổng cục Thống kê