Vạch lộ trình nghiên cứu xây dựng Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô
Việc nghiên cứu vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch của Cảng hàng không thứ hai đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô Hà Nội sẽ được các cơ quan chức năng thực hiện trong giai đoạn 2026 – 2030.
Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô được quy hoạch nhằm giảm tải và hỗ trợ hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Đức Thanh |
Để ngỏ khả năng lên đời
Những thông tin mang tính định hướng về Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô – một trong những dự án hạ tầng đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư và người dân – có thể tìm thấy trong Công văn số 6915/BGTVT-KHĐT vừa được Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) gửi UBND TP. Hà Nội cuối tuần trước.
Bộ GTVT cho biết, kết quả nghiên cứu Quy hoạch hệ thống cảng hàng không đã định hướng phát triển Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là cảng hàng không đầu mối của khu vực phía Bắc, vùng Thủ đô với công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm, tương đương Cảng hàng không quốc tế Long Thành ở phía Nam và một số cảng hàng không quốc tế lớn trên thế giới. Giai đoạn đến năm 2050, tại khu vực vùng Thủ đô sẽ dần hình thành cảng hàng không thứ hai nhằm giảm tải và hỗ trợ hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã định hướng quy hoạch Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô hình thành trong giai đoạn 2030 – 2050.
Theo Bộ GTVT, việc hình thành Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô phù hợp với phương hướng phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị thông qua tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023.
Về thời điểm nghiên cứu và vai trò của Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô, Bộ GTVT cho biết, Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 7/2/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT “nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch Cảng hàng không quốc tế thứ hai đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc” trong giai đoạn 2026 – 2030.
Bên cạnh đó, Quy hoạch hệ thống cảng hàng không được phê duyệt cũng giao nhiệm vụ nghiên cứu, xác định vị trí, các chỉ tiêu quy hoạch dự kiến của Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô giai đoạn trước năm 2030 (dự kiến khu vực phía Đông Nam, Nam Hà Nội).
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, để triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã ban hành Chương trình số 28-CTr/BCSĐ ngày 7/4/2023, trong đó xác định nhiệm vụ nghiên cứu vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch của Cảng hàng không thứ hai đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô, khu vực phía Bắc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2026 – 2030.
“Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng vị trí, các chỉ tiêu quy hoạch cho Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô, bảo đảm tối ưu phương án tổ chức vùng trời, phương thức bay và an toàn khai thác đối với các cảng hàng không (Nội Bài, Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô, các cảng hàng không lân cận). Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Liên quan đến vai trò của Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô, Bộ GTVT cho biết, Quy hoạch hệ thống cảng hàng không vừa được phê duyệt đã có định hướng cảng hàng không quốc nội được khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ.
Cụ thể, để đảm bảo khai thác hiệu quả hệ thống cảng hàng không, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo tính linh hoạt và tính mở của quy hoạch, khi các hãng hàng không có nhu cầu mở các chuyến bay quốc tế thường lệ và có cơ sở hạ tầng đảm bảo, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép chuyển thành cảng hàng không quốc tế. Như vậy, vai trò, tính chất của Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô Hà Nội sẽ được xác định một cách linh hoạt, không chỉ phụ thuộc vào kết quả của quy hoạch.
Cũng tại Công văn số 6915/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT để ngỏ khả năng đẩy nhanh lộ trình nghiên cứu xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô. Theo đó, trường hợp UBND TP. Hà Nội cần sớm cụ thể hóa vị trí quy hoạch, Bộ GTVT đề nghị Thành phố nghiên cứu, xem xét việc tài trợ sản phẩm quy hoạch Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô theo quy định tại khoản 2, Điều 38, Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
“Do tính chất quan trọng của Cảng cũng như yêu cầu cao về kỹ thuật, công tác lập quy hoạch nên được thực hiện bởi tư vấn nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong việc tối ưu vùng trời, phương thức bay, an toàn khai thác như đã triển khai tại một số cảng hàng không tại Việt Nam”, Bộ GTVT khuyến nghị.
Sớm chốt vị trí xây dựng
Tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023, thông tin về Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô rất mỏng. Ngoài việc được quy hoạch hình thành trong giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, tại khu vực phía Đông Nam, Nam Hà Nội, các thông tin quan trọng khác như quy mô, cấp sân bay; công suất thiết kế dự kiến (triệu hành khách/năm); diện tích đất dự kiến; ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch đều bỏ ngỏ.
Một lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, do Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô được xây dựng mới hoàn toàn, nên trong giai đoạn lập Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị lập quy hoạch chưa có điều kiện nghiên cứu sâu đối với các nội dung nói trên.
Cần phải nói thêm, vào giữa tháng 5/2023, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đề nghị điều chỉnh, xác định tính chất, chức năng Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô là cảng hàng không quốc tế.
Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, vùng Thủ đô có quy mô dân số dự báo đến năm 2050 khoảng 21 – 23 triệu người, tổng diện tích khoảng 24.314 km2, cơ bản tương đồng với vùng TP.HCM (quy mô dân số 24 – 25 triệu người, diện tích khoảng 30.400 km2).
Đồ án Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ GTVT trình Thủ tướng xem xét phê duyệt đã định hướng quy hoạch 2 cảng hàng không quốc tế cho vùng TP.HCM (gồm Tân Sơn Nhất và Long Thành với tổng công suất khoảng 150 triệu lượt hành khách/năm).
Như vậy, theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, đối với vùng Thủ đô, cũng cần thiết quy hoạch 2 cảng hàng không quốc tế để đáp ứng nhu cầu vận tải tương ứng, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, dự phòng quỹ đất cũng như phân bổ nhu cầu vận tải, tạo động lực phát triển cân đối trên địa bàn Thủ đô.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch Cảng hàng không quốc tế thứ hai làm cơ sở để UBND TP. Hà Nội cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đang triển khai đảm bảo thống nhất.
Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho rằng, việc sớm xác định vị trí xây dựng Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô như đề xuất của UBND TP. Hà Nội là rất cần thiết, bởi ngoài việc ưu tiên giành quỹ đất cần thiết để triển khai xây dựng, còn là cơ sở để các địa phương quy hoạch lại hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, khu công nghiệp xung quanh vị trí sân bay mới này.
“Do quy mô, tính chất quan trọng của công trình, việc nghiên cứu cần được triển khai bài bản, cẩn trọng, có tầm nhìn trong việc xác định được vị trí tối ưu cho Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô”, ông Bùi Doãn Nề phân tích.
Tại Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, có tới 4 phương án xây dựng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô gồm sân bay tại Ứng Hòa (Hà Nội), Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Miện (Hải Dương) và Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120 km.
Về phía Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã kiến nghị UBND Thành phố giao Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành liên quan và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của Thành phố đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội. Vị trí mà Sở này đề xuất nằm ở khu vực huyện Ứng Hòa.
Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI (khai mạc ngày 3/7/2023) về việc thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, UBND TP. Hà Nội dự kiến 2 phương án vị trí Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô. Ở phương án 1, sân bay có diện tích 1.300 ha thuộc địa bàn của 4 xã (Tân Ước, Thanh Vân của huyện Thanh Oai; Tiền Phong, Tân Minh của huyện Thường Tín). Phương án 2 là khu vực thuộc địa bàn 5 xã Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Đường và Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa) với diện tích xây dựng 1.700 ha, dân số bị ảnh hưởng khoảng 10.000 người.