Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chiều 3/6, tại tỉnh Nghệ An, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội nghị. |
Theo Nghị quyết số 48/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế;
Ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi;
Các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy. Tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển;
Chiến lược ưu tiên bố trí không gian biển cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa; du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 11-12%/năm, về khách quốc tế 8-10%/năm và khách nội địa 5-6%/năm.
Bên cạnh đó, sẽ phát triển hệ thống cảng biển xanh, thiết lập các khu vực biển đặc biệt nhạy cảm, tuyến hàng hải, có tính đến bối cảnh biến động trong khu vực và quốc tế…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa, khẳng định quyết tâm, tầm nhìn chiến lược nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển.
Cũng theo ông Võ Tuấn Nhân, việc công bố chiến lược nhằm bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, công bằng tài nguyên trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế – xã hội; bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Thông qua Chiến lược, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn đến năm 2050, toàn bộ các vùng biển Việt Nam được quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững theo không gian;
Đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội; hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển,” ông Nhân nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận định, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là lĩnh vực hàng hải, hải sản, các lĩnh vực công nghiệp, dầu khí, du lịch và năng lượng tái tạo với lợi thế bờ biển dài hơn 3.260 km, theo cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam.
Ngoài ra, theo đại diện Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, hiện diễn biến mới ngày càng gia tăng ở các vùng biển và hải đảo đe dọa đến sức khỏe và sự phát triển của các hệ sinh thái ven biển và biển.
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm nhựa đại dương, suy thoái hệ sinh thái và đa dạng sinh học… là những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của biển và đại dương.
Bà Ramla Khalidi cũng nhấn mạnh ba khuyến nghị từ Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc là cần hướng tới. Đầu tiên, sau khi Chiến lược được thông qua, Chính phủ cần đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch không gian biển (MSP), điều cần thiết để khai thác tiềm năng to lớn của nền kinh tế biển bền vững.
Bên cạnh đó, biển và hải đảo của Việt Nam hiện đang được khai thác bởi nhiều ngành khác nhau nhưng sự phối hợp còn hạn chế. Cần tăng cường quản trị và điều phối trong các lĩnh vực kinh tế biển như du lịch, vận tải biển, thủy sản, công nghiệp… để thực hiện thành công chiến lược cũng như các chính sách quan trọng khác về biển và hải đảo.
Ngoài ra, bà Ramla Khalidi khuyến nghị Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của các nước và các đối tác phát triển trong quá trình thực hiện Chiến lược, đặc biệt là khi nhiều nguồn tài nguyên biển vượt ra khỏi biên giới quốc gia và sẽ cần có sự hợp tác quốc tế để quản lý hiệu quả và lâu dài.
Thông tin tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ cho biết, tỉnh này có đường bờ biển dài 82km, với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.
Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã dành sự quan tâm đặc biệt, tập trung chỉ đạo trong khai thác và phát triển kinh tế biển, trong đó nòng cốt là các hoạt động du lịch, dịch vụ biển, hoạt động phát triển cảng và công nghiệp ven biển.
Qua đó từng bước đưa Nghệ An sớm trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của Bắc Trung Bộ, góp phần kết nối kinh tế biển khu vực, cả nước và thế giới.
Hiện nay, quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã lấy ý kiến các bộ, ngành và sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Trong đó, không gian đô thị thành phố sẽ được mở rộng, thị xã Cửa Lò sáp nhập vào thành phố Vinh tạo thành một thành phố biển hiện đại và phát triển.
Với chủ trương hướng mạnh ra biển, làm giàu từ biển, thời gian tới Nghệ An sẽ tập trung nguồn lực đẩy nhanh tốc độ xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của vùng Bắc Trung Bộ, có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, theo ông Đệ, tỉnh Nghệ An sẽ đẩy nhanh xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, khu đô thị, khu du lịch ven biển theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư góp phần đưa Nghệ An trở thành địa phương có kinh tế – xã hội phát triển nhanh, bền vững.