Hợp tác xã nuôi chồn hương Khánh Ngọc (thôn Quần Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc, Hà Tĩnh) của anh Mai Khắc Thạch (SN 1985) cùng nhóm bạn là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương.
Năm 2009, anh Mai Khắc Thạch tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội với tấm bằng kỹ sư dân dụng và công nghiệp. Sau nhiều năm bôn ba nhận thầu công trình tại Angola, năm 2019, anh trở về quê hương với ý nghĩ “xa nhà, làm xây dựng mệt mỏi nên muốn trở về quê tìm công việc ổn định”.
Gác lại tấm bằng kỹ sư xây dựng, anh Thạch bắt tay vào tìm hiểu các mô hình kinh tế tại địa phương và bén duyên với nghề nuôi chồn hương.
“Tôi tham khảo nhiều mô hình kinh tế như nuôi lợn, gà… nhưng thấy không hiệu quả. Quá trình tìm hiểu, tôi thấy mô hình nuôi chồn hương của một người em ở TP. Hà Tĩnh khá thành công, cho thu nhập ổn định nên tôi muốn làm theo”, anh Thạch kể.
Trong vòng 3 tháng, anh Thạch khăn gói ra TP. Hà Tĩnh để học tập kinh nghiệm nuôi chồn hương. Với sự chỉ dẫn tận tình của những người đã thành công với nghề nuôi chồn hương, anh Thạch tự tin, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, bắt đầu khởi nghiệp với 50 con giống chồn hương đầu tiên.
Song, những ngày đầu với anh khá khó khăn. Do thiếu kinh nghiệm, chồn hương anh nuôi gặp một số vấn đề liên quan đến đường ruột. Quá trình vừa nuôi, vừa bổ túc kinh nghiệm, anh Thạch đúc rút được nhiều bài học quý về cách chăm sóc chồn hương nên công việc dần có hiệu quả.
Thấy vậy, nhiều bạn bè muốn cùng anh thành lập hợp tác xã (HTX) để phát triển và nhân rộng mô hình nuôi chồn hương.
Năm 2022, anh Mai Khắc Thạch cùng 5 người bạn tại thôn Quần Ngọc thành lập HTX chồn hương Khánh Ngọc (Khánh Ngọc Farm). Những ngày đầu, HTX đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng; Hạt Kiểm lâm Can Lộc đã cấp phép và kiểm tra định kỳ…
Nhờ đó, HTX của anh Thạch và nhóm bạn phát huy được lợi thế, phát triển ổn định.
Anh Thạch cho hay, khu vực chăn nuôi đạt tiêu chuẩn rộng gần 1 hecta, gồm 5 khu vực nuôi với quy mô hơn 300 con (trong đó có hơn 200 con chồn sinh sản, 50 con chồn đực và 50 con hậu bị). Chồn thương phẩm ít nhất 10 tháng mới xuất bán, còn chồn giống xuất bán trong vòng 4 tháng.
“Chúng tôi đã bỏ ra khoảng 5 tỷ đồng để xây dựng trang trại. Nguồn tiền này là vay mượn và huy động các thành viên trong hợp tác xã”, anh nói.
Với giá chồn thương phẩm dao động từ 1,8-2 triệu đồng/kg, một con chồn thương phẩm nặng từ 3-4,5kg. Mỗi cặp chồn sinh sản có giá khoảng 10 triệu đồng. Sau một năm thử nghiệm, trừ chi phí, năm ngoái HTX lãi được khoảng 1,5 tỷ đồng. Hy vọng năm nay sẽ thu hồi được vốn và tiếp tục tái cơ cấu.
Một thành viên HTX Khánh Ngọc chia sẻ, chồn hương nuôi khoảng 10 tháng tuổi là có khả năng sinh sản (trung bình 2 lứa/năm). Nguồn thức ăn cho chồn hương phải đảm bảo độ sạch sẽ, tươi mới.
“Điểm yếu của chồn hương là hệ thống đường ruột kém nên thức ăn phải đảm bảo, nếu không chồn hương dễ bị dịch, đau bụng. Chuối là thức ăn hàng ngày của chồn hương. Ngoài ra, phải đổi mới thức ăn như cá, ốc, cổ gà… để chồn không bị ngán”, thành viên này nói.
Về dự định sắp tới, anh Mai Khắc Thạch cho hay HTX sẽ tiếp tục đổi mới, tái cơ cấu đàn.
“Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tăng đàn, từ hơn 300 con lên khoảng 500 con. Với số chồn này, dự kiến năm 2024 sẽ thu lãi khoảng 3 tỷ đồng. Chồn nuôi đảm bảo sạch sẽ nên lượng khách đặt nhiều, hiện không đủ giống để bán”, anh Thạch tiết lộ.
Lãnh đạo UBND xã Khánh Vĩnh Yên đánh giá, đây là mô hình nuôi chồn hương của anh Thạch là mô hình kinh tế mới, duy nhất tại địa phương, bước đầu đã phát huy hiệu quả.