Ngay sau khi thông tin được công bố, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định: Đây là chỉ tiêu đầy tham vọng, thách thức nhưng cũng thể hiện quyết tâm lớn, bước đệm quan trọng để thể hiện trách nhiệm của Chính phủ cho mục tiêu tăng trưởng hai con số từ năm 2026, khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển.
Động lực ngay trước mắt: Con người, thể chế và sức mạnh nội sinh
Trao đổi nhanh với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải cho rằng: Tăng trưởng 8% năm 2025 là nỗ lực và quyết tâm lớn của Việt Nam để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế đất nước, hướng đến tăng trưởng GDP hai con số trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển của dân tộc. Tuy nhiên, thách thức tăng trưởng trên 8% và hai con số rất lớn trong bối cảnh Việt Nam đang vật lộn tìm động lực mới, đột phá, bền vững.
“Trước đây, khi kinh tế tăng trưởng trên 7%, xấp xỉ 8% là giai đoạn chúng ta thực hiện chuyển đổi nền kinh tế đất nước sau Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986. Hiệu ứng mở cửa của các Luật về Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, nền kinh tế được tương hỗ từ các chính sách mở cửa sau thời gian dài bị bao vây, cấm vận từ bên ngoài…. chúng ta đạt mức tăng trưởng cao trên 7% và thực sự có những thành tựu lớn”, bà Lan nói.
![Tìm đâu động lực mới kinh tế tăng trưởng trên 8% năm 2025? - Ảnh 1.](https://danviet.mediacdn.vn/296231569849192448/2024/5/7/anh-chup-man-hinh-2024-05-07-luc-095551-17150505956621823613975.png)
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (Ảnh: NT).
Vị chuyên gia phân tích rằng, trong những giai đoạn trước, mức tăng trưởng trên 7-8% chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, than đá, tài nguyên đất, cùng với chiến lược thâm dụng vốn và lao động giá rẻ. Khi đó, chúng ta chấp nhận lấy chi phí rẻ để tăng trưởng.
Tuy nhiên, từ năm 2025 trở đi, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng 8%, Việt Nam buộc phải tìm kiếm những động lực mới mang tính chiến lược, đột phá và bền vững.
Theo bà Lan, động lực ấy được Đảng xác định là việc tinh gọn nhẹ bộ máy, xóa bỏ cơ chế xin cho tầng nấc trung gian. Tựu chung lại là thực hiện đổi mới về quản lý theo hướng giảm chi phí tuân thủ, bớt sự can thiệp, nhũng nhiễu của bộ máy và giúp công việc được thực hiện hiệu lực, hiệu quả hơn.
“Cuộc cách mạng bộ máy tinh gọn, sắp xếp lại theo tôi đáng lẽ cần thực hiện lâu, bởi chúng ta không thể phát triển nếu chi nguồn lực đất nước vào con người bộ máy quá lớn, trong khi chính nơi đây là chỗ nảy sinh ra sự chậm trễ, nhũng nhiễu”, bà Lan cho hay.
Một động lực khác cần cho tăng trưởng cao, hai con số đó chính là khoa học công nghệ.
“Kỷ nguyên số hóa thay đổi toàn diện cấu trúc vận động của kinh tế thế giới. Thương mại số, công nghệ số phát triển vũ bão, xã hội thay đổi chuyển sang xã hội số với sức ảnh hưởng ghê gớm… Rõ ràng, đây là dữ liệu cần xem xét và đánh giá đúng để chúng ta có chiến lược đi vào, bước tiếp trong kỷ nguyên mới”, bà Lan đặt vấn đề.
Bà bày tỏ vui mừng khi Đảng, Bộ Chính trị vừa đưa ra thông điệp, quyết tâm đổi mới toàn diện khoa học công nghệ, lấy đổi mới khoa học công nghệ là động lực phát triển. Xây dựng cơ chế thí điểm đầu tư mạo hiểm vào khoa học công nghệ….
“Việt Nam có năng lực phát triển khoa học, công nghệ và chỉ có lựa chọn đi vào khoa học công nghệ, chúng ta mới có thể đột phá đi vào kỷ nguyên mới”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng vào con số tăng trưởng của Việt Nam, bởi chúng ta còn có nhiều cơ hội để gia tăng phát triển, đặc biệt là nguồn lực.
Cần giải quyết vấn đề lạm phát, “tăng trưởng manh mún” ở địa phương
Theo chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), mục tiêu tăng trưởng 8% tuy đầy thách thức nhưng vẫn có cơ sở thực hiện. Một trong những nền tảng quan trọng là việc Bộ Chính trị và Chính phủ đã thống nhất chủ trương tiết giảm chi thường xuyên trong ngân sách, dành 10% phần tiết kiệm này để tập trung cho đầu tư phát triển. Điều này tường minh là: Trước đây chúng ta có rất nhiều dự án được lập kế hoạch thực hiện trong 1 năm, 3- 5 năm hoặc dài hạn là 10 năm, nhưng có rất nhiều dự án nhỏ, quy mô bé.
Gần đây, Quốc hội ban hành rất nhiều luật, trong đó liên quan đến nhóm đầu tư dự án công trình trọng điểm quốc gia nâng vốn lên 30.000 tỷ đồng, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương làm, tự chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ…. Đó là bước tiến lớn trong giải quyết vướng mắc dự án.
Theo vị chuyên gia này, trên cơ sở chú trọng vào đầu tư dự án chiến lược, tiết kiệm chi thường xuyên, những năm tới, Việt Nam sẽ được thấy nhiều hơn các dự án trọng điểm quốc gia được tập trung nguồn lực để hoàn thành như: Sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, các tuyến đường vành đai ven các đại đô thị Hà Nội, TP.HCM được gấp rút triển khai.
Ngoài ra, các dự án chiến lược tương lai như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, điện hạt nhân, siêu cảng quốc tế Cần Giờ,…
“Đó sẽ là động lực, gia tốc cho kinh tế phát triển trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Con đường đi dù thách thức, nhưng phải khẳng định chúng ta không thể “bình bình” mà có tăng trưởng cao, không thể có thành tựu rực rỡ trên con đường trải đầy hoa hồng”, vị chuyên gia nói.
![Tìm đâu động lực mới kinh tế tăng trưởng trên 8% năm 2025? - Ảnh 2.](https://danviet.mediacdn.vn/296231569849192448/2024/7/20/vo-dai-luoc-1019-1721452269938745288196.jpg)
GS, TS Võ Đại Lược (Ảnh: NVCC).
Trao đổi với PV Dân Việt, GS, TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính trị và Kinh tế Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cho rằng: Tăng trưởng cao luôn đi liền với các bài toán và áp lực đặt ra, đó là vay nợ, đó là lạm phát và đó là phát sinh các rủi ro dài hạn.
“Nếu tăng trưởng cao, chúng ta buộc phải thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chính sách tiền tệ nới lỏng. Một mặt có con số tăng trưởng, nhưng mặt trái của nguyên lý nay là tạo ra lạm phát. Cần giải quyết triệt để, hài hòa vấn đề lạm phát, đặc biệt với Việt Nam, lạm phát tâm lý, chi phí đẩy có chiều hướng tiêu cực, ảnh hưởng đến nhiều loại hàng hóa và đời sống người dân”, ông Lược nói.
Vấn đề thứ hai là việc giao chỉ tiêu tăng trưởng cao ở các ngành, địa phương phải chọn lựa đúng lĩnh vực, đúng người lãnh đạo có tâm, tài và tầm nhìn.
“Tăng trưởng cao đi liền với tận dụng mọi nguồn lực để phát triển. Nếu có tư duy và tầm nhìn, địa phương sẽ có cách tìm kiếm động lực dài hạn, bền vững. Còn nếu không, họ có xu hướng tìm kiếm các động lực cũ, huy động các dự án nhỏ để giải quyết vấn đề trước mắt, giải bài toán được giao trong nhiệm kỳ của mình. Rõ ràng điều đó không đi đúng với quan điểm phát triển của Đảng, của Bộ Chính trị về việc tận dụng các nguồn lực, tăng trưởng bền vững, tăng trường cao”, ông Lược cho hay.
Cuối cùng, theo GS Lược, các nước Á Đông đều trở nên cường thịnh nhờ toan tính các nguồn lực, mưu lược trong phát triển và quyết tâm sắc đá, đi liền với sự hy sinh lớn. Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc trở nên giàu có đều trải qua “cơn đau” để quyết tâm cải cách và phát triển. Đó là lựa chọn duy nhất, đúng. Việt Nam có đủ nguồn lực cả trong nước, ngoài nước cho khát vọng tăng trưởng cao, giờ chỉ là tìm kiếm nguồn động lực đó, khơi thông và có người tâm, đức và tài năng để quản lý nguồn lực, giúp đất nước phát triển.