Không phải chỉ là TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương… như trước kia, nhiều địa phương đang trở thành những “ngôi sao đang lên” trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Bên trong một nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang. |
Những cuộc soán ngôi ngoạn mục
Ít ngày trước, Compal (Đài Loan) đã ký kết thỏa thuận hợp tác để chuẩn bị cho việc triển khai dự án sản xuất, gia công, lắp ráp các lại máy vi tính, sản phẩm và linh kiện điện tử quy mô vốn đầu tư 260 triệu USD tại tỉnh Thái Bình. JiaWei và Quanta Computer cũng đã quyết định đầu tư tại tỉnh Nam Định. Trong khi dự án của JiaWei có vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD, thì dự án của Quanta, một đối tác sản xuất của Apple, có vốn đầu tư dự kiến lên tới 120 triệu USD.
Sự xuất hiện của các dự án quy mô lớn, lại trong lĩnh vực công nghệ cao đang khiến Thái Bình và Nam Định trở thành tâm điểm chú ý. Tuy vậy, dù đã có những cải thiện đáng kể, nhưng 2 địa phương này chưa được đứng trong top đầu về thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 5 tháng đầu năm, Hà Nội là địa phương thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất, với gần 1,87 tỷ USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn đăng ký và tăng gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Giang xếp thứ hai, với tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD, chiếm hơn 9,4% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ. Các địa phương khác nằm trong top 10 gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An, Quảng Ninh và Nghệ An.
Thực tế, Hà Nội xếp vị trí thứ nhất chủ yếu nhờ thương vụ SMBC chi 1,5 tỷ USD mua cổ phần của VPBank. Bắc Giang mới đích thực là “quán quân”. Từ đầu năm tới nay, tỉnh này thu hút nhiều dự án quy mô lớn, như Nhà máy công nghệ chính xác Fulian (Singapore), chuyên sản xuất linh kiện điện tử; hay Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited (Trung Quốc), sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời. Hai dự án này có quy mô vốn lên tới 761 triệu USD.
Không phải năm nay, mà vài năm trở lại đây, Bắc Giang đã trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong tận dụng được cơ hội của dòng vốn đầu tư dịch chuyển. Nhiều đại gia công nghệ như Foxconn, Luxshare… đã đầu tư cả tỷ USD vào địa phương này. Tính lũy kế, Bắc Giang chưa lọt vào top 10 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước, nhưng với gần 10,5 tỷ USD, xếp vị trí thứ 13 và với đà tăng tốc đầu tư của các đối tác lớn, đặc biệt là “gã khổng lồ” Foxconn, tỉnh này được cho là sẽ sớm trở thành “thủ phủ” của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, bên cạnh Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Cùng với Bắc Giang, Nghệ An cũng là cái tên mới nổi. Năm ngoái, lần đầu tiên Nghệ An lọt top 10 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước và vẫn đang duy trì vị thế đó. Những năm gần đây, Nghệ An thu hút được nhiều dự án sản xuất quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao. Luxshare, rồi Goertek, Everwin Precision Việt Nam, Juteng… đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào tỉnh này. Mới đây, Foxconn cũng lên kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào địa phương có quỹ đất rộng lớn.
Thông tin cho biết, nhiều nhà đầu tư khác cũng đang chuẩn bị các kế hoạch đầu tư lớn vào tỉnh này. Điều đó hứa hẹn rằng, Nghệ An sẽ sớm bứt tốc trong “bảng tổng sắp” thu hút đầu tư của cả nước trong tương lai không xa.
Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Ninh, Long An “lên ngôi”, thì Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Nguyên… bị tụt hạng. Các cuộc “soán ngôi” ngoạn mục này chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của họ.
Phần thưởng cho người xứng đáng
Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Giang trở thành “ngôi sao đang lên” trong thu hút đầu tư nước ngoài. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nhiều lần nhấn mạnh việc Bắc Giang nỗ lực ra sao trong việc sớm hoàn thành xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch chính là điều kiện đầu tiên, quan trọng nhất để Bắc Giang kêu gọi đầu tư. “Có quy hoạch tốt thì sẽ có dự án tốt”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định như vậy.
Cùng với đó, theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã giúp Bắc Giang nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng nhà đầu tư. Năm 2022, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Giang xếp thứ hai cả nước, tăng 29 bậc so với năm trước. Bước nhảy thần tốc này chính là bằng chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực vượt bậc của Bắc Giang.
Nghệ An cũng tương tự. Ông Nguyễn Đức Trung ngay sau khi từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Nghệ An nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh đã rất quyết liệt trong chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, luôn tạo điều kiện thuận lợi, cũng như sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Cùng với đó, Nghệ An rất tích cực trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng quan trọng, như đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Cửa Lò (Nghệ An), các bến cảng ở Cửa Lò và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để sớm hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Nghệ An.
Không chỉ Nghệ An, hay Bắc Giang, Quảng Ninh, rồi Long An… những năm gần đây cũng trở thành “thủ phủ mới” trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhờ vị trí địa lý thuận lợi, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở. Quảng Ninh đã nhiều năm đứng đầu về chỉ số PCI, được nhà đầu tư đánh giá cao.
“Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, với cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…, như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… bao lâu nay là những thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng phần thưởng xứng đáng cũng sẽ dành cho những địa phương luôn nỗ lực không mệt mỏi.
“Đây là cơ hội để hồi sinh nền kinh tế địa phương”, ông Takeo Nakajima nói và bày tỏ hy vọng rằng, Chính phủ Việt Nam và các nhà lãnh đạo địa phương sẽ tiếp tục thúc đẩy “sự hấp dẫn của Việt Nam”.